Có thể 'tinh giản' sổ sách được không?

Việc đăng ký, thống kê sổ sách sẽ giúp đội ngũ cán bộ các cấp nắm bắt, quản lý đơn vị được sâu sát, toàn diện. Tuy nhiên, lạm dụng vào đó để phát sinh thêm nhiều đầu sổ, nhất là ở cấp cơ sở cũng đang khiến không ít cán bộ cảm thấy bị áp lực, mệt mỏi; thậm chí ở một số đơn vị còn xuất hiện những bất cập nhất định. Trang Ý kiến chiến sĩ nêu tình trạng này.

Hiện nay, số lượng, chủng loại và quy cách, kỹ thuật soạn thảo, đăng ký, ghi chép đối với từng loại đầu sổ sách, giáo án đã được các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam quy định cụ thể, rõ ràng đối với từng cấp, từng ngành và từng lĩnh vực chuyên môn. Trên cơ sở đó, hằng năm, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ sổ sách, giáo án bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Việc đăng ký, thống kê, ghi chép sổ sách, mẫu biểu cũng được đội ngũ cán bộ các cấp tiến hành nền nếp, thường xuyên, qua đó góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, quản lý kỷ luật của các cơ quan, đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 653 (Quân khu 3) cùng chơi bóng chuyền trong giờ nghỉ.

Tuy nhiên hiện nay, ở một số đơn vị cấp cơ sở đang xuất hiện tình trạng phát sinh thêm nhiều đầu sổ ngoài danh mục quy định. Ví dụ, theo Quyết định số 868/QĐ-CT và Quyết định số 869/QĐ-CT ngày 25-5-2017 của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam về ban hành “Quy chế công tác kế hoạch tổng hợp về công tác Đảng, công tác chính trị trong QĐND Việt Nam” và “Quy định hệ thống văn kiện công tác Đảng, công tác chính trị trong QĐND Việt Nam”, đối với cấp đại đội có 8 đầu sổ viết tay và 6 loại tài liệu, kế hoạch đánh máy. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tế tại một số đại đội làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thì số lượng sổ sách tăng lên rất nhiều. Ngoài đầu sổ theo quy định của trên còn nhiều loại sổ không có trong danh mục như: Sổ theo dõi khen thưởng; sổ hoạt động tổ tư vấn tâm lý sức khỏe và pháp luật; sổ hoạt động của cấp ủy viên, chiến sĩ bảo vệ; sổ phân loại tư tưởng; sổ công tác dân vận; sổ ghi biên bản họp tổ thi đua; sổ chấm điểm thi đua...

Ngoài việc phát sinh thêm các đầu sổ thì việc quy định số lượng sổ sách giống nhau đối với từng cấp cũng dẫn đến bất cập và chưa phù hợp. Qua tìm hiểu ở một số tiểu đoàn bộ thuộc các đơn vị binh chủng với chủ yếu là quân nhân chuyên nghiệp, số lượng đoàn viên rất ít, thậm chí có đơn vị chỉ có 3 đoàn viên nhưng do thành lập chi đoàn nên vẫn phải duy trì các đầu sổ như chi đoàn đại đội đủ quân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu gồm: Chương trình hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên; phát động thi đua; danh sách đoàn viên và thu chi đoàn phí; biên bản sinh hoạt chi đoàn.

Ngoài ra, một số đơn vị còn yêu cầu bóc tách các đầu sổ để đăng ký, ghi chép. Ví dụ, theo quy định của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, chỉ cần một sổ ghi biên bản sinh hoạt hội đồng quân nhân và hội nghị quân nhân, nhưng một số đơn vị yêu cầu tách ra làm hai sổ gồm một sổ ghi biên bản sinh hoạt hội đồng quân nhân và một sổ ghi biên bản hội nghị quân nhân. Theo phản ánh của một số chỉ huy đơn vị thì việc bóc tách đầu sổ là không thực sự cần thiết và đang gây lãng phí.

Tình trạng phát sinh nhiều đầu sổ ở cấp cơ sở cũng từng xảy ra trước đây nên các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng đã ban hành văn bản quy định cụ thể số lượng, tên đầu sổ đối với từng cấp để thống nhất trong toàn quân. Thậm chí, để phù hợp với thực tiễn, đồng thời giúp cán bộ bớt gánh nặng sổ sách, giáo án, một số đầu sổ, giáo án còn được cho phép đánh máy thay vì viết tay. Song, vì nhiều lý do khác nhau nên cấp cơ sở vẫn tự thống nhất, quy định tăng thêm số lượng, bóc tách các đầu sổ, thậm chí có đơn vị số lượng đầu sổ còn nhiều hơn trước, nhất là ở những đơn vị đủ quân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Vẫn biết việc sử dụng sổ sách để đăng ký, ghi chép, thống kê càng cụ thể, tỉ mỉ, khoa học sẽ càng giúp người chỉ huy các cấp quản lý, theo dõi, bám nắm, giáo dục, huấn luyện bộ đội tốt hơn, tuy nhiên, nếu lượng sổ sách quá nhiều khiến cán bộ bị “quá tải” thì việc đăng ký, thống kê sẽ chỉ mang tính hình thức, không phản ánh thực chất kết quả hoạt động của đơn vị. Thậm chí, ở một số ít đơn vị còn xuất hiện tình trạng cán bộ sử dụng chiến sĩ để ghi chép, đăng ký sổ sách; nhiều nội dung sổ sách và nhiều thời điểm anh em cán bộ phân đội “cày ngày cày đêm” chỉ để củng cố, đăng ký sổ sách cho đủ, mang tính hợp thức, cốt là “vở sạch chữ đẹp” để phục vụ cấp trên kiểm tra.

Những năm gần đây, toàn quân đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ rườm rà, hướng đến chất lượng, hiệu quả công việc. Việc phát sinh, bóc tách thêm các đầu sổ còn làm giảm bớt thời gian, điều kiện bám nắm hoạt động của bộ đội, tiến hành các hoạt động mang tính thực chất, quan tâm tới hậu phương gia đình của đội ngũ cán bộ cấp phân đội. Thiết nghĩ, cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là cấp trung, lữ đoàn và tương đương trở lên nên thay đổi cách làm, mạnh dạn cắt bỏ những đầu sổ không thực sự cần thiết trong quá trình duy trì, quản lý và điều hành đơn vị.

Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN

---------------------------------------

Quy trách nhiệm cụ thể để tránh qua loa, hình thức

Theo quy định của cấp trên thì hiện nay, phần lớn đầu sổ sách công tác Đảng, công tác chính trị được đăng ký, lưu thành các file trong máy tính. Việc làm này giúp giảm số lượng sổ sách, giảm việc ghi chép bằng tay và thuận lợi cho công tác quản lý, chỉnh sửa, bổ sung khi cần thiết. Thời gian qua, Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế việc đăng ký qua loa, hình thức, làm chiếu lệ để đối phó với công tác kiểm tra. Hằng năm, trong quá trình tập huấn công tác Đảng, công tác chính trị, chúng tôi đã hướng dẫn, thống nhất trong toàn Lữ đoàn về quy chuẩn đăng ký, cách thức ghi chép sổ sách cho đội ngũ cán bộ chính trị, cấp ủy viên, nhất là đội ngũ cán bộ ngành kiêm chức bí thư, phó bí thư. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi so sánh, đối chiếu giữa kế hoạch tháng, lịch công tác tuần, biên bản ghi chép và nội dung ghi chép cụ thể của bộ đội để xác định chính xác các hoạt động của đơn vị. Chúng tôi kết hợp kiểm tra thường xuyên với kiểm tra đột xuất, trong đó chú trọng kiểm tra việc khắc phục các khâu yếu, mặt hạn chế đã chỉ ra trước đó. Cùng với việc kiểm tra sổ sách, chúng tôi kiểm tra thực tế nhận thức của cán bộ, chiến sĩ để đánh giá chất lượng, nền nếp các hoạt động. Nếu phát hiện có sai sót, chúng tôi chấn chỉnh kịp thời và quy trách nhiệm cụ thể đến từng tổ chức, cá nhân để rút kinh nghiệm, khắc phục ngay hiện tượng làm qua loa, thiếu trách nhiệm.

Biên đội tàu của Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân huấn luyện chiến đấu đối không trên biển. Ảnh: NGỌC TRIỆU

Phát huy vai trò của cơ quan chính trị, cấp ủy, chính trị viên và cán bộ chính trị, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng cho bộ đội có tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và thực hiện nhiệm vụ kể cả nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó. Thực hiện tốt những giải pháp thiết thực, hiệu quả, nhiều năm qua, Lữ đoàn 162 luôn duy trì nghiêm nền nếp, chế độ công tác Đảng, công tác chính trị; cán bộ, chiến sĩ xác định tốt chức trách nhiệm vụ, đoàn kết, thống nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thượng tá VŨ VIẾT BẰNG (Phó chính ủy Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân)

-------------------------------

Nghiên cứu giảm các loại sổ sách có nội dung gần giống nhau

Hiện nay, hệ thống sổ sách và giáo án cơ bản đã được số hóa, tức là biên soạn cả nội dung chính trị, quân sự trên máy vi tính nên thể thức trình bày đẹp, thống nhất, giúp tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, theo yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ cấp đại đội, trung đội phải theo bám bộ đội 100% nên việc biên soạn, hoàn thiện các loại sổ sách, giấy tờ, mẫu biểu thường phải làm vào ban đêm, sau khi bộ đội đã lên giường đi ngủ. Vì thế, đội ngũ này ít có thời gian nghỉ ngơi, chăm lo gia đình, giải quyết nhu cầu chính đáng cá nhân, dẫn đến tình trạng một số cán bộ có tư tưởng lơ là, chủ quan, làm việc đối phó, sao chép, thậm chí nhờ người khác làm sổ sách hộ... Ngoài ra, ở cấp đại đội, có một số loại sổ trùng nội dung với nhau như: Sổ nhận xét điểm danh ngày chủ nhật, sổ chuẩn bị nội dung sinh hoạt tuần vào thứ 2 là cùng một nội dung, đều đánh giá kết quả tuần và triển khai công việc tuần sau. Qua các hội nghị rút kinh nghiệm, chúng tôi cũng đã trình bày những thực trạng nêu trên.

Cùng với tâm lý cán bộ trẻ dưới sự tác động của công nghệ số thì ít cán bộ chịu khó đầu tư, học hỏi để có những giải pháp cải cách hành chính tối ưu, chủ yếu là kế thừa và tìm đủ mọi cách để hợp thức hóa sổ sách như nhờ chiến sĩ chép giáo án, làm sổ sách hiện nay không hiếm. Để chấn chỉnh tình trạng này, hằng năm, chỉ huy Tiểu đoàn căn cứ hướng dẫn của cấp trên tiến hành hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp tiến hành làm các loại sổ sách, giáo án. Chấn chỉnh nghiêm túc các trường hợp nhờ người khác làm sổ sách, giáo án, kiểm điểm, đánh giá cán bộ trong sinh hoạt chi bộ hằng tháng; nếu phát hiện nhờ thì sẽ yêu cầu khắc phục và tiến hành kiểm tra liên tục. Ngoài ra, tôi cũng kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét, từng bước giảm số lượng đầu sổ sách, giấy tờ, mẫu biểu có nội dung gần giống nhau, giúp cán bộ có thời gian nghỉ ngơi, bám nắm đơn vị, giải quyết việc cá nhân. Đồng thời quan tâm đầu tư, trang bị máy tính, máy in cho đội ngũ cán bộ, nhân viên các cấp để anh em có phương tiện làm việc tốt hơn (hiện nay, máy tính, máy in chủ yếu do các cá nhân tự mua sắm); biên soạn giáo án, bài giảng mẫu để mọi người nghiên cứu, học tập, triển khai nhân rộng...

Thiếu tá PHẠM XUÂN THÙY (Chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 95, Sư đoàn 2, Quân khu 5)

-------------------------------------

Tuyệt đối không làm theo kiểu chống đối

Cán bộ cấp đại đội là những người vừa trực tiếp bám nắm, theo dõi, quản lý, huấn luyện bộ đội vừa đăng ký, ghi chép, thống kê các đầu sổ sách. Có thể nói rằng, mỗi ngày, người cán bộ thực hiện 21 đầu việc, 11 chế độ cùng hàng chục đầu sổ phải đăng ký, cập nhật theo quy định. Ngoài ra, nhiều loại sổ phải đăng ký, cập nhật theo tuần, tháng và sổ sách cá nhân... Do vậy đòi hỏi cán bộ phải đầu tư về thời gian, bám sát mọi hoạt động của bộ đội để đăng ký, thống kê, ghi chép đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 283 (Quân khu 4) vui văn nghệ trong giờ nghỉ. Ảnh: HUY CƯỜNG

Ngày bám nắm bộ đội, bám nắm thao trường; buổi chiều tổ chức các hoạt động thể dục-thể thao, tăng gia sản xuất; tối đến lại tổ chức sinh hoạt, học tập, huấn luyện... Chính vì vậy, khi bộ đội đi ngủ là thời gian rảnh rỗi nhất để cán bộ cập nhật sổ sách. Để giảm áp lực trong công việc và có thời gian dành cho gia đình, không ít cán bộ cập nhật các loại sổ sách qua loa, đại khái, mang tính chủ quan, thiếu thực chất để “thanh toán” đầu việc. Thậm chí, có đồng chí còn bồi dưỡng cho chiến sĩ chữ viết đẹp để ghi chép các loại sổ sách phục vụ công tác kiểm tra của cấp trên. Cá biệt, có trường hợp còn giao khoán cho chiến sĩ, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra dẫn đến sai sót; đánh giá, nhận xét thiếu chính xác, khách quan, tạo dư luận xấu trong đơn vị.

Để khắc phục tình trạng trên, trước hết, đội ngũ cán bộ phải thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục mọi khó khăn, sắp xếp thời gian làm việc một cách khoa học, hiệu quả. Hằng ngày, khi bám nắm đơn vị, theo dõi hoạt động của bộ đội, cán bộ cần cập nhật vào sổ ngay để tránh dồn việc, khi cấp trên kiểm tra hoặc cuối tháng mới làm dẫn đến thiếu chính xác, khách quan trong nhận xét, đánh giá bộ đội. Đối với cấp trên, thường xuyên kiểm tra kịp thời, cụ thể, tỉ mỉ; kết hợp giữa kiểm tra theo kế hoạch với kiểm tra đột xuất. Khi kiểm tra cần đối chiếu chữ viết giữa các sổ... Nếu phát hiện có sai sót cần chấn chỉnh kịp thời và quy trách nhiệm cụ thể. Có như vậy mới khắc phục được hiện tượng làm qua loa, thiếu trách nhiệm hoặc nhờ chiến sĩ làm hộ.

Thượng úy NGUYỄN KHẮC HIẾU (Chính trị viên Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 283, Quân khu 4)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/co-the-tinh-gian-so-sach-duoc-khong-771751