Cơ sở pháp lý quan trọng để cả hệ thống chính trị cùng thực hiện nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng

Quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia (BGQG) là nhiệm vụ thiêng liêng có ý nghĩa chiến lược của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về BGQG và những vấn đề liên quan, đặc biệt là Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) có ý nghĩa rất quan trọng để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho lực lượng BĐBP thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Vừng, BĐBP Quảng Ninh tuần tra, kiểm soát bờ biển. Ảnh: Văn Trí

Thực tế, nhìn lại lịch sử, tổ tiên ta đã rất coi trọng công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, đặc biệt là những khu vực xung yếu. Các triều đại phong kiến Việt Nam đều hết sức chú trọng hoạch định đường lối xây dựng và giữ mối quan hệ hữu hảo với các nước lân bang để có được môi trường hòa bình, giữ sự ổn định biên cương bờ cõi đất nước. Về đối nội, các triều đại luôn quan tâm gắn kết với các bộ lạc, các dân tộc sinh sống ở vùng biên cương, phát huy sức mạnh của các lực lượng tại chỗ, nhất là các thổ binh, dân binh, có chế độ đãi ngộ tốt với các tù trưởng địa phương, có chính sách bảo vệ các trấn, châu, phủ vùng biên cương. Xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, qua mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, tổ tiên ta đều giữ phương lược biên phòng xuyên suốt là dựa vào dân, xử lý khéo léo các mối quan hệ với các nước láng giềng, chú trọng xây dựng lực lượng trấn ải tinh mạnh.

Trở lại thời hiện tại, năm 2018, tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng Luật BPVN để khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh BĐBP cũng như thể chế hóa được đầy đủ mục tiêu, quan điểm của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Dự án Luật BPVN đã được xây dựng, chỉnh sửa nhiều lần sau khi nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cơ quan chức năng có liên quan và được trình lên Quốc hội khóa XIV, tại Kỳ họp thứ 9.

Sau nhiều lần chỉnh lý, bổ sung, dự thảo Luật BPVN có 6 chương, 36 điều quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, phối hợp và hợp tác quốc tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng. Dự thảo Luật BPVN cũng luật hóa các hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; các nội dung cụ thể để xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân. Nội dung của dự thảo luật bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, không trùng lặp về nội dung với các văn bản pháp luật hiện hành.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần, BĐBP Hà Giang chốt chặn trên biên giới kiểm soát người xuất, nhập cảnh trái phép kết hợp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Bích Nguyên

Hiện, Cơ quan thường trực Tổ soạn thảo Luật BPVN đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thảo luận, tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 47; rà soát, chỉnh lý hoàn chỉnh dự thảo Luật BPVN trình Quốc hội thảo luận thông qua tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Trong quá trình soạn thảo, xây dựng, dự thảo Luật BPVN đã thu hút được sự quan tâm góp ý của các cơ quan, ban, ngành chức năng, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực xây dựng và thực thi pháp luật. Đại đa số ý kiến đồng tình với việc xây dựng Luật BPVN với lý do việc hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc và điều kiện thuận lợi để các lực lượng, đặc biệt là BĐBP thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG.

Đã trải qua những gian nan, thử thách khi là người lính Biên phòng, sau đó là cán bộ thuộc biên chế Bộ Tư lệnh Thủ đô, Đại tá Nguyễn Đức Hiệu, cựu chiến binh thành phố Hà Nội cho rằng, công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG vô cùng quan trọng, cần được thể chế thành luật để có cơ sở pháp lý thực hiện lâu dài và có hiệu quả. Luật BPVN ra đời sẽ là cơ sở pháp lý để cả hệ thống chính trị cùng thực hiện nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng là bảo vệ cương vực lãnh thổ, từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

“Luật BPVN được thông qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác biên phòng, đó không chỉ là sự khẳng định vai trò của BĐBP trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, mà còn đặt công tác này đúng tầm. Như ta đã biết, trong lịch sử dân tộc Việt Nam, ông cha ta luôn chú trọng tới cương vực lãnh thổ bằng việc ban các chiếu chỉ về việc bảo vệ biên cương. Thời Lê, vua Lê Thái Tổ đã viết trên vách đá “Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ưng tu kế cửu an”, dịch nghĩa là “Biên phòng phải lo sẵn phương lược. Giữ nước cần tính kế lâu dài”. Đây là phương châm mà chúng ta cần ghi nhớ” - Ông Hiệu khẳng định.

Cũng theo ông Hiệu, Luật BPVN được thông qua sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đối ngoại và đối nội. “Các nước lân bang cũng như trên thế giới sẽ thấy rằng, Việt Nam rất quan tâm và coi trọng tới công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG cũng như là chủ quyền biển, đảo. Về đối nội, cả hệ thống chính trị, từ các ban, ngành, đoàn thể tới các địa phương sẽ nâng cao hơn nữa nhận thức về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, có trách nhiệm chung tay, phối hợp với lực lượng BĐBP trong tất cả các hoạt động, đồng thời có sự quan tâm chăm lo tới đời sống vật chất và tinh thần của BĐBP” - Ông Hiệu cho hay.

Dưới góc nhìn của một người có nhiều năm chỉ đạo công tác quốc phòng - an ninh tại tỉnh biên giới trọng yếu, tiếp giáp với nước láng giềng Trung Quốc, ông Dương Mạc Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho rằng: “Việc xây dựng Luật BPVN là cần thiết, để công tác biên phòng được chỉn chu hơn, thuận lợi hơn, người dân sẽ xác định được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông, BĐBP Điện Biên giúp người dân trên địa bàn làm nhà ở. Ảnh: Văn Tuyên

Thực tế, thời gian vừa qua, rất nhiều công dân đã xuất, nhập cảnh trái phép, rồi môi giới, tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào nước ta và nhiều hoạt động vi phạm pháp luật khác, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta. Nguyên nhân đều là do người dân không thông hiểu pháp luật. Do đó, xét ở khía cạnh quản lý biên giới, theo ông Thăng, có Luật BPVN thì công tác quản lý, bảo vệ biên giới sẽ thuận lợi hơn.

“Người dân được phổ biến về luật, nắm chắc luật, tuân thủ theo pháp luật thì công tác quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP sẽ không còn vất vả như bây giờ nữa. Hiện tại, nhiều khi có những hoạt động trên biên giới không được quy định bởi bộ luật nào cả, chúng ta phải giăng người ra làm, rất vất vả. Khi có Luật BPVN rồi, với các quy định rõ ràng, toàn dân cứ thế thực hiện, thời bình cũng như thời chiến, hoặc trong bất kỳ tình huống nào, cứ căn cứ luật để thực hiện. Ai vi phạm sẽ xử phạt theo luật, đất nước mình cũng sẽ nhẹ gánh với một phần việc quan trọng” - Ông Thăng lý giải.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-so-phap-ly-quan-trong-de-ca-he-thong-chinh-tri-cung-thuc-hien-nhiem-vu-cao-ca-thieng-lieng-post433730.html