Cơ sở để xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô

TP Hà Nội vừa phê duyệt và công bố 3 đồ án quy hoạch phân khu (QHPK) đô thị Xuân Mai.

Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng để huyện Chương Mỹ làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch chi tiết và dự án xây dựng, kêu gọi đầu tư phát triển, mà còn là tiền đề để xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Tây.

8 năm chờ quy hoạch
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 và các Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Xuân Mai đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng huyện Chương Mỹ được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2015, đô thị vệ tinh (ĐTVT) Xuân Mai nằm ở phía Tây Nam, cách đô thị trung tâm Hà Nội gần 40km, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thị trấn Xuân Mai và 4 xã: Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ).

Đô thị này có vai trò chia sẻ phát triển với khu vực trung tâm về dịch vụ, thương mại, giáo dục (xây dựng các khu, cụm trường đại học tập trung thu hút các trường đại học – cao đẳng từ nội đô ra bên ngoài, hỗ trợ đô thị Hòa Lạc về đào tạo đại học); là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, hệ thống làng nghề của địa phương; là đô thị đại học với trung tâm giáo dục cấp vùng; là đô thị sinh thái dựa trên cảnh quan thiên nhiên hiện có; là trung tâm kinh tế thúc đẩy đô thị hóa khu vực nông thôn vùng Tây Nam Hà Nội; đô thị sinh thái lấy núi Thoong và sông Bùi là vùng cảnh quan đặc trưng để phát triển đô thị (có cấu trúc xanh thích ứng với vùng ngập lụt và vùng phát triển nông nghiệp) và giàu bản sắc văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng.

Để cụ thể hóa định hướng của quy hoạch chung, năm 2016, UBND TP Hà Nội đã có quyết định về việc phê duyệt Nhiệm vụ QHPK đô thị Xuân Mai (Khu 1, Khu 2, Khu 3) với quy mô diện tích khoảng 6.537,66ha (trong đó diện tích khu vực nội thị khoảng 3.585,76ha, diện tích đất khu vực ngoại thị khoảng 2951,9ha). Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 220.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt khoảng 78%.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, những năm qua, quá trình lập các QHPK đô thị Xuân Mai đã bị chậm dẫn đến ảnh hưởng tới các kế hoạch 5 năm và hằng năm tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trịnh Duy Oai cho biết, trong 8 năm qua, rất nhiều dự án, chương trình phát triển của huyện, kể cả những dự án xây trường học tại các xã đều vướng không thể triển khai do liên quan đến QHPK chưa được phê duyệt. Do đó, chính quyền và người dân trên địa bàn huyện đều rất mong mỏi các QHPK này được duyệt. Khi các QHPK đô thị Xuân Mai được duyệt là cơ hội để huyện kêu gọi đầu tư, thực hiện các chương trình phát triển.

KTS Lã Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng Quản lý quy hoạch phát triển các ĐTVT và nông thôn (Sở QH - KT) cho rằng, nguyên nhân của việc chậm triển khai các đồ án QHPK đô thị Xuân Mai do chậm thiết lập sự liên kết về giao thông và kinh tế. Các tuyến đường Quốc lộ 6, Quốc lộ 21A, đường Hà Đông - Xuân Mai, làm động lực cho phát triển đô thị chậm triển khai, dẫn đến các điều kiện liên kết hợp tác, chia sẻ giữa các tỉnh, TP trong vùng, giữa đô thị trung tâm và ĐTVT làm cơ sở cho thực hiện quy hoạch bị hạn chế. Mặt khác, thực hiện Luật Quy hoạch (từ 2017 đến nay) về trình tự lập quy hoạch, vừa phải phối hợp giữa các ngành và địa phương để rà soát quy hoạch từ trên xuống, vừa đánh giá quy hoạch từ dưới lên đã gây ra sự lúng túng, mất nhiều thời gian xử lý.

Phát triển đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại

Theo định hướng của Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác quy hoạch liên quan đến khu vực Xuân Mai là sẽ xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

ĐTVT Xuân Mai có tính chất là đô thị giáo dục và đào tạo, dịch vụ chất lượng cao, kết nối với đô thị Hòa Lạc và khu vực để hình thành định hướng phát triển TP phía Tây Thủ đô, có tính chất khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và dịch vụ. Các tiêu chí về quy mô diện tích, dân số, tính chất, chức năng sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch được xác định trong đồ án cũng đáp ứng mô hình đơn vị hành chính cấp TP trực thuộc Thủ đô (theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính), phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Phó Viện trưởng Viện
Quy hoạch xây dựng Hà Nội,
KTS Đào Duy Hưng

Hiện nay, Đề án mô hình TP trực thuộc Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp UBND TP Hà Nội và các bộ, cơ quan đang nghiên cứu xây dựng. Về chức năng TP phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) cũng đã được Thành ủy, UBND TP xác định là TP khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo với hạt nhân là đô thị Hòa Lạc kết nối với 2 đô thị động lực: ĐTVT Sơn Tây và ĐTVT Xuân Mai.

Chức năng này phù hợp, tích hợp trong đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan (như giao thông, bến xe liên tỉnh, cấp nước, thoát nước, nhà ở xã hội tập trung...).

Chủ trương này của TP đã được phần nào cụ thể trong 3 QHPK đô thị Xuân Mai gồm: Khu 1, quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 889,95ha. Số dân, sinh viên đến năm 2030 khoảng 74.300 người, trong đó dân số đô thị khoảng 58.100 người; học viên, sinh viên lưu trú khoảng 16.200 người; được chia thành 4 khu quy hoạch dựa trên khung giao thông chính là các đường trục chính đô thị và ranh giới nghiên cứu. Trong mỗi khu quy hoạch bao gồm các ô quy hoạch (tương đương các đơn vị ở hoặc nhóm ở) và đất đường khu vực.

Khu 2, quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 820,68ha. Số dân, sinh viên đến năm 2030 khoảng 34.600 người, trong đó dân số đô thị khoảng 32.600 người; sinh viên khoảng 2000 người; được chia thành 2 khu quy hoạch dựa trên khung giao thông chính là các đường trục chính đô thị và ranh giới nghiên cứu.

Khu 3, quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 1.744,68ha. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 148.920 người, trong đó dân số đô thị khoảng 81.120 người; học viên, sinh viên lưu trú khoảng 67.800 người; được chia thành 5 khu quy hoạch dựa trên khung giao thông chính là các đường trục chính đô thị và ranh giới nghiên cứu.

Về ý nghĩa khi các QHPK đô thị Xuân Mai vừa được phê duyệt và công bố, KTS Lã Hồng Sơn cho biết, đây sẽ là căn cứ quan trọng để địa phương tổ chức lập các quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng mới ở cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và phát triển vùng lãnh thổ.

Đồng thời là cơ sở để quản lý tốt theo quy hoạch được duyệt theo hướng đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản tại khu vực huyện Chương Mỹ và Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới. Đặc biệt, các quy hoạch này sẽ là tiền đề để nghiên cứu định hướng mô hình thành phố trong Thủ đô tại khu vực phía Tây.

Vũ Cúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-so-de-xay-dung-mo-hinhthanh-pho-truc-thuoc-thu-do.html