Cơ sở chế biến sắn gây ô nhiễm môi trường ở Nà Ớt

Nhiều ngày qua, người dân bản Ớt Chả, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do cơ sở chế biến sắn trên địa bàn gây ra, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Phóng viên Báo Sơn La đã tìm hiểu sự việc.

Từ trụ sở UBND xã Nà Ớt theo tuyến đường vào xã Phiêng Cằm chỉ khoảng 400 m, có một cơ sở chế biến sắn nằm ngay sát bờ suối Xà Vịt. Cơ sở chế biến sắn có diện tích khoảng 3.000 m², gồm: Sân tập kết sắn tươi, hệ thống lọc bột sắn, máy xúc, máy nghiền bột, trạm hạ thế và hệ thống 7 bể chứa chất thải từ quá trình nghiền bột sắn với màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc rất khó chịu. Mặc dù đã dừng hoạt động, song các bể chứa vẫn đầy nước và chất thải nằm lộ thiên, không có bạt lót xung quanh, nước thải vẫn đang rỉ ra lòng suối. Khi thấy chúng tôi đến, một người đàn ông ra tiếp cận và giới thiệu tên là Bùi Công Tuấn, là chủ cơ sở.

Khu vực chứa nước thải lộ thiên, không lót bạt.

Khu vực chứa nước thải lộ thiên, không lót bạt.

Ông Tuấn nói: Trước đây, chúng tôi sử dụng nơi này làm điểm tập kết sắn củ, sau đó chuyển ra khu sân bay Nà Sản để phơi và vận chuyển cho nhà máy chế biến sắn. Đầu năm nay, khi mua lại dây chuyền chế biến sắn cũ, chúng tôi bắt đầu xây dựng khu xưởng này và tiến hành sơ chế. Chúng tôi vừa mới nghiền bột sắn được mấy hôm thôi. Xưởng có công suất nghiền khoảng 20 tấn/ngày, 1 tấn sắn tươi sẽ thải ra nước và khoảng 400 kg cặn bã. Khi chúng tôi hỏi về các thủ tục về việc giấy phép xây dựng, giấy phép môi trường thì ông Tuấn không cung cấp được.

Các bể đều chứa đầy chất thải bốc mùi hôi thối.

Các bể đều chứa đầy chất thải bốc mùi hôi thối.

Bức xúc khi cuộc sống bị đảo lộn từ khi xưởng chế biến sắn đi vào hoạt động, chị Lường Thị Thơm, bản Ớt Chả, nói: Cơ sở này hoạt động được gần 2 tháng rồi, ban đầu họ xả thải thẳng xuống suối Xà Vịt, khi người dân có ý kiến họ mới đào thêm mấy cái ao để chứa chất thải. Nhưng ao chẳng được lót bạt hay che đậy, nên mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu, nước thải không chỉ ngấm chảy ra suối mà còn ngấm chảy vào ngay cạnh nhà tôi gây mùi hôi thối, cả gia đình phải đeo khẩu trang cả ngày, mọi sinh hoạt của gia đình bị ảnh hưởng, nhất là trẻ con không thể tập trung học bài.

Bể chứa nước thải của cơ sở này nằm ngay cạnh suối Xà Vịt.

Bể chứa nước thải của cơ sở này nằm ngay cạnh suối Xà Vịt.

Cùng chung nỗi khổ ô nhiễm từ cơ sở chế biến sắn, chị Hoàng Thị Diện, bản Ớt Chả, tiếp lời: Mọi người đi qua đây đeo khẩu trang còn không chịu được, nhà tôi ở ngay gần cơ sở này rất khổ, buổi tối cũng không thể ngủ được, mùi hôi thối cứ quanh quẩn khắp nhà. Không chỉ riêng mùi hôi thối, cơ sở này thường nghiền sắn từ đêm hôm trước đến sáng ngày hôm sau, tiếng máy móc rất ồn.

Nước thải từ các bể chứa vẫn đang chảy ra lòng suối Xà Vịt.

Nước thải từ các bể chứa vẫn đang chảy ra lòng suối Xà Vịt.

Bản Ớt Chả có 94 hộ, nhưng có 12 hộ và khu trụ sở UBND xã bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí từ cơ sở chế biến sắn. Anh Lường Văn Phong, Trưởng bản Ớt Chả, cho biết: Cơ sở chế biến sắn này nằm gần ngay khu dân cư, lại nằm ngay cạnh suối nên gây ô nhiễm khiến cá suối chết hết, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Tôi đã trực tiếp 2 lần kiến nghị lên Chủ tịch UBND xã và được UBND xã trả lời đã lập biên bản nhắc nhở, nhưng cơ sở vẫn hoạt động...

Mang những ý kiến của người dân bản Ớt Chả đến trao đổi với lãnh đạo UBND xã Nà Ớt, ông Lò Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Nà Ớt, cho biết: Xưởng chế biến sắn do ông Bùi Công Tuấn làm chủ chưa được cấp phép xây dựng, chưa có giấy cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Khi công trình xây dựng và đầu tháng 1/2022, đúng thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn xã diễn biến phức tạp, cán bộ xã tập trung cho phòng, chống dịch nên cũng không để ý.

Theo quan sát của chúng tôi, trụ sở UBND xã Nà Ớt nằm ngay cạnh quốc lộ 4G, ngay phía trước là dòng suối Xà Vịt chảy qua và đổ về sông Mã; nước thải từ cơ sở chế biến sắn này khiến dòng suối đổi màu và bốc mùi hôi thối, không khó khăn gì để phát hiện ra hiện tượng bất thường này.

Theo biên bản kiểm tra hiện trạng ngày 17/1/2022 và báo cáo số 10 /BC-UBND, ngày 18/1/2022 của UBND xã Nà Ớt về việc kiểm tra điểm tập kết, nghiền bột sắn tại bản Ớt Chả, thì cơ sở chế biến sắn do ông Bùi Công Tuấn và ông Hoàng Văn Tam làm chủ, có địa điểm xây dựng thuộc bản Ớt Chả, giáp tà luy âm tỉnh lộ 113 từ xã Nà Ớt đi xã Phiêng Cằm; cơ sở này nằm trên đất của ông Lường Văn Khin, bản Ớt Chả. Qua kiểm tra, ông Hoàng Văn Tam được cấp có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh số 24.G.8.0007813 đăng ký lần đầu ngày 20/9/2021; song chưa có giấy phép xây dựng điểm tập kết, sơ chế, chưa có giấy cam kết đảm bảo môi trường theo quy định.

Mặc dù cơ sở này đã ngừng hoạt động, nhưng rất nhiều nước, chất thải còn tồn đọng tại các bể chứa.

Mặc dù cơ sở này đã ngừng hoạt động, nhưng rất nhiều nước, chất thải còn tồn đọng tại các bể chứa.

UBND xã đã lập biên bản kiểm tra hiện trạng và dừng việc nghiền sắn do các bể chứa nước thải không đảm bảo về môi trường và chưa được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép. Đồng thời, cho cơ sở ký cam kết chỉ được phép hoạt động khi đảm bảo đầy đủ các giấy tờ theo quy định của cấp có thẩm quyền. Còn phần tập kết, thu mua sắn, xã vẫn cho ông Hoàng Văn Tam thu mua bình thường và chuyển đi nơi khác để sơ chế.

Sắn vẫn được tập kết tại đây.

Sắn vẫn được tập kết tại đây.

Báo cáo, biên bản làm việc đã nêu rõ là cơ sở chế biến sắn chỉ được phép hoạt động khi đảm bảo đầy đủ các giấy tờ theo quy định của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và tư liệu phóng viên thu thập được, cơ sở này vẫn hoạt động và chỉ tạm dừng vào tối ngày 7/3, sau khi người dân trong bản tiếp tục phản ánh lên UBND xã. Đến thời điểm hiện tại, UBND xã Nà Ớt đang hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Mai Sơn.

Mặc dù cơ sở này đã tạm dừng hoạt động, song lượng chất thải còn tồn đọng rất lớn, hàng ngày đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân bản Ớt Chả. Rất mong cơ quan chức năng sớm có những giải pháp cần thiết, xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm do cơ sở chế biến sắn gây ra, đúng với định hướng phát triển của tỉnh, sản xuất phải gắn liền với bảo vệ môi trường.

Vũ Tuấn - Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/co-so-che-bien-san-gay-o-nhiem-moi-truong-o-na-ot-48544