Cơ sở chế biến lâm sản ở Hữu Lũng: Lao đao do không có đầu raTin khácKhơi dậy sức sáng tạo của đoàn viên công đoànThanh niên Lạng Sơn xung kích xây dựng nông thôn mới

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2022 và một số yếu tố bất lợi khác khiến hoạt động tiêu thụ thành phẩm gỗ bóc tại địa bàn huyện Hữu Lũng gặp nhiều khó khăn.

Xưởng gỗ bóc của gia đình anh Nguyễn Quốc Huy, thôn Cã Ngoài, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng những năm trước trung bình mỗi năm chế biến và tiêu thụ được trên 1.000 m3 gỗ bóc nhưng nay chỉ hoạt động cầm chừng. Anh Huy chia sẻ: Từ đầu năm 2022 đến nay, việc tiêu thụ sản phẩm gỗ bóc chững hẳn lại. Hiện gia đình đã sản xuất, chế biến được hơn 300 m3 nhưng không tiêu thụ được, bán rẻ cũng không ai mua. Để một thời gian nữa sản phẩm mốc thì lại càng khó bán, theo tính toán thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.

Cơ sở chế biến gỗ của anh Nguyễn Viết Phường không tiêu thụ được sản phẩm nhưng vẫn phải thuê công nhân hằng ngày đem sản phẩm ra phơi để tránh bị mốc

Cũng gặp khó khăn như xưởng của anh Huy, cơ sở chế biến lâm sản của anh Nguyễn Viết Phường, thôn Cã Ngoài, xã Minh Sơn gần như dừng hoạt động. Dây chuyền bóc gỗ công suất hàng chục mét khối/ngày giờ nằm “đắp chiếu”. Mấy chục khối gỗ nguyên liệu không thể bóc ván, chưa kể hơn 100 m3 ván thành phẩm không thể tiêu thụ. Anh Phường chia sẻ: Thành phẩm ván bóc không tiêu thụ được nhưng vẫn phải thuê nhân công hằng ngày mang ra phơi để không bị mốc với hy vọng sẽ có doanh nghiệp, tư thương nào đó đến thu mua.

Không chỉ các xưởng chế biến lâm sản quy mô gia đình gặp khó khăn, các doanh nghiệp quy mô lớn trên địa bàn huyện Hữu Lũng cũng gặp không ít khó khăn. Bà Lê Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dịch vụ và thương mại Thành An, chi nhánh tỉnh Lạng Sơn (thôn Cã Trong, xã Minh Sơn) cho biết: Năm trước, trung bình công ty sản xuất được 170 m3/ngày, nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên công ty đã giảm lượng hàng sản xuất, theo đó, sản lượng sản xuất chỉ bằng 1/4 so với thời điểm cùng kỳ năm 2021.

“Khó khăn nhất mà công ty gặp thời điểm này là sản phẩm sản xuất ra không thể xuất khẩu, trong khi đơn hàng trong nước lại quá ít” – bà Tâm nhấn mạnh.

Trên địa bàn huyện Hữu Lũng hiện có 7 doanh nghiệp hoạt động chế biến lâm sản có quy mô chế biến từ 100 – 200 m3/ngày và 65 cơ sở chế biến lâm sản tư nhân (quy mô từ 0,8 – 25 m3/ngày). Tuy nhiên, do việc tiêu thụ sản phẩm ván bóc gặp nhiều khó khăn nên hiện có khoảng 60% số cơ sở chế biến tạm dừng hoạt động, còn lại thì hoạt động cầm chừng.

Về vấn đề này, ông Phạm Tuyến, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hữu Lũng cho biết: Qua công tác quản lý của đơn vị thấy rằng, hầu hết các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện sản xuất ván bóc, dăm gỗ và sản phẩm phần lớn phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp Trung Quốc dừng nhập các sản phẩm từ gỗ, đặc biệt là sản phẩm ván bóc. Bên cạnh đó, thời điểm hiện tại, giá nguyên liệu gỗ đầu vào cao gấp 2 – 3 lần so với năm trước, cùng với giá xăng, dầu tăng khiến chi phí sản xuất tăng cao, trong khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được mặc dù giá bán đã giảm sâu. Cụ thể, giá sản phẩm ván bóc năm 2021 bán ra thị trường là 3,4 – 3,6 triệu đồng/m3, thời điểm này cao nhất chỉ hơn 1 triệu đồng/m3. Chính những điều này khiến các cơ sở phải dừng sản xuất để hạn chế thua lỗ. Một số xưởng hoạt động cầm chừng để sản xuất các mặt hàng gỗ thanh cung cấp cho thị trường trong nước.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng, do khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm ván bóc, dăm gỗ nên sản lượng lâm sản của các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện Hữu Lũng ở thời điểm hiện tại (tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2022) mới được khoảng 30 nghìn mét khối, giảm 72,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Bà Trần Hoài Trang, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Hữu Lũng cho biết: Trước thực trạng khó khăn của các cơ sở chế biến lâm sản, từ đầu năm 2022 đến nay, lãnh đạo huyện cùng ngành công thương tỉnh đến một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm liên quan đến gỗ trong nước để tìm hiểu, vận động các doanh nghiệp thu mua các sản phẩm của các cơ sở chế biến lâm sản tại huyện. Cùng đó, lãnh đạo UBND huyện đã có văn bản gửi cơ quan thuế đề nghị hỗ trợ giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho các cơ sở chế biến lâm sản nhằm giảm áp lực cho các cơ sở trong thời điểm này.

Từ khó khăn hiện tại của các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Hữu Lũng có thể thấy rằng, do quy mô sản xuất nhỏ, cũng như hoạt động chế biến chưa chuyên sâu và không có sự liên kết trong sản xuất chế biến… nên khi gặp khó trong khâu tiêu thụ là các cơ sở chế biến lâm sản sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Về lâu về dài, các cơ sở chế biến lâm sản cần chủ động liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp sản xuất gỗ lớn trong nước nhằm ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.

Thời điểm hiện tại, giá nguyên liệu gỗ đầu vào cao gấp 2 – 3 lần so với năm trước, cùng với giá xăng, dầu tăng khiến chi phí sản xuất tăng cao, trong khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được mặc dù giá bán đã giảm sâu. Cụ thể, giá sản phẩm ván bóc năm 2021 bán ra thị trường là 3,4 – 3,6 triệu đồng/m3, thời điểm này cao nhất chỉ hơn 1 triệu đồng/m3.

TRÍ DŨNG

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-de-hom-nay/517862-co-so-che-bien-lam-san-o-huu-lung-lao-dao-do-khong-co-dau-ra.html