Cơ sở chăn nuôi phải kiểm kê khí nhà kính: Liệu có hợp lý?

Để hiện thực hóa cam kết giảm phát thải, năm 2023, Việt Nam đã đưa ra yêu cầu kiểm kê khí nhà kính với 1.912 doanh nghiệp phát thải lớn. Mặc dù là yêu cầu mới và khó nhưng sau hơn 1 năm triển khai, hoạt động này đã thu được một số kết quả tích cực. Chính vì vậy, hiện Bộ Tài Nguyên & Môi trường đang thực hiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật. Theo đó, Danh mục cập nhật này bao gồm 2.893 cơ sở, tăng 981 cơ sở so với Quyết định 01/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt trong đó có sự xuất hiện của 341 cơ sở chăn nuôi có mức phát thải từ 3000 tấn CO2 trở lên hay cụ thể là nuôi 1000 đầu lợn hoặc 500 đầu gia súc lớn như trâu và bò. Liệu điều này có hợp lý hay không?

Trang trại này hiện đang nuôi gần 1000 con trâu và bò. Theo quy định, trang trại này chắc chắn sẽ có mặt trong Danh mục cập nhật các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Mặc dù thời gian qua, trang trại đã và đang nỗ lực thực hiện việc chăn nuôi bò theo phương pháp tuần hoàn để giảm phát thải, nhưng nếu phải tiến hành kiểm kê khí nhà kính tại thời điểm này, với họ vẫn là một thách thức.

Theo các chuyên gia, chăn nuôi là ngành phát thải tương đối lớn của lĩnh vực nông nghiệp, đóng góp từ 15-18% lượng phát thải khí nhà kính của toàn cầu. Để giảm phát thải, Việt Nam nhất định phải kiểm đếm được lượng phát thải của lĩnh vực này. Do đó việc bổ sung các doanh nghiệp lĩnh vực chăn nuôi danh sách cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính là cần thiết.

Việc các cơ sở chăn nuôi phải kiểm kê khí nhà kính là yêu cầu thách thức nhưng cũng là cơ hội. Vì ngoài việc bán sản phẩm thịt, sữa, những cơ sở chăn nuôi triển khai các hoạt động giảm phát thải tốt còn có thể bán cả tín chỉ carbon. Dẫu vậy, do hầu hết các cơ sở chăn nuôi của Việt Nam đều chăn nuôi theo hướng truyền thống, chưa có thói quen ghi chép các số liệu liên quan phục vụ cho việc kiểm kê khí nhà kính. Chính vì vậy để có thể triển khai được cần phải có lộ trình cụ thể và linh hoạt, giúp doanh nghiệp có thời gian để thích nghi.

Muốn giảm lượng phát thải, trước tiên phải xác định được nguồn phát thải và đong đếm được lượng phát thải đó. Là một trong những ngành phát thải lớn, việc kiểm kê khí nhà kính với ngành chăn nuôi chắc chắn sẽ phải được thực hiện, chỉ là sớm hay muộn mà thôi, Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các cơ sở chăn nuôi phải tìm hiểu và có chuẩn bị thích hợp cho mình.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Thanh - Vũ Hiếu - Công Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/co-so-chan-nuoi-phai-kiem-ke-khi-nha-kinh-lieu-co-hop-ly-218403.htm