Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế không đạt được thỏa thuận về khai thác

Các cuộc thảo luận kéo dài một tuần tại Hội đồng Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA), cơ quan quản lý do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, đã không đạt được sự đồng thuận về việc cấp phép ngay lập tức cho hoạt động khai thác khoáng sản dưới đáy biển hoặc dự thảo quy định về khai thác khoáng sản dưới đáy biển.

Một số quốc gia đã khám phá tiềm năng khai thác dưới đáy biển đối với các khoáng chất được xem là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền của ISA cho biết họ sẽ "tiếp tục công việc về các quy định khai thác nhằm thông qua chúng trong phiên họp thứ 30 vào năm 2025".

ISA cũng đã thảo luận về cái gọi là "quy tắc 2 năm" hết hạn vào ngày 9/7/2023 và nói rằng cơ quan này nên "xem xét và phê duyệt tạm thời" các đơn xin khai thác biển sâu 2 năm sau khi chúng được trình lên hội đồng, bất kể đã hoàn thiện quy chế khai thác hay chưa.

"Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa nhận được một kế hoạch làm việc cụ thể nào", ISA cho biết.

Nhiều cuộc họp sẽ được tổ chức trong thời gian tới để đạt được thỏa thuận về các quy định chung cho việc khai thác tài nguyên dưới đáy biển.

Trong khi đó, các nhà môi trường đang kêu gọi đóng cửa hoàn toàn mọi khả năng khai thác dưới đáy biển sâu.

"Đại dương trên toàn cầu không thuộc về bất kỳ ai. Chúng tôi không thể bán nó cho người trả giá cao nhất", Tổ chức Greenpeace cho biết vào tuần trước.

Tháng trước, Chính phủ Na Uy đã đệ trình lên Quốc hội kế hoạch mở một khu vực rộng lớn để khai thác dưới đáy biển sâu khi nước này tìm cách tiếp cận và chiết xuất các khoáng chất quan trọng từ đáy biển.

"Chúng ta cần khoáng chất để thành công trong quá trình chuyển đổi xanh. Hiện tại, các nguồn tài nguyên được kiểm soát bởi một số quốc gia. Điều này khiến chúng tôi dễ bị tổn thương", Bộ trưởng Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy, Terje Aasland cho biết.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/co-quan-quan-ly-day-bien-quoc-te-khong-dat-duoc-thoa-thuan-ve-khai-thac-690329.html