Cổ phiếu FLC tiếp tục bị bán tháo

Chuỗi giảm giá mạnh sau việc bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết khiến cổ phiếu FLC bốc hơi 42% giá trị và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Mở cửa phiên giao dịch 13/4, nhóm cổ phiếu liên quan đến FLC Group tiếp tục chuỗi ngày bị bán tháo khi nhiều lãnh đạo thuộc hệ sinh thái này bị bắt tạm giam.

Tính đến 10h30, cổ phiếu FLC khớp lệnh gần 3,7 triệu cổ phiếu tại mức giá sàn 8.410 đồng và vẫn còn chất bán gần 18,2 triệu đơn vị khác.

Tương tự cổ phiếu ROS của FLC Faros bị bán tháo tại mức giá thấp nhất 4.910 đồng với tổng khối lượng khớp lệnh gần 3,8 triệu đơn vị, đồng thời còn hơn 11,7 triệu cổ phiếu khác đang tranh bán.

Trong khi đó, các mã cùng họ như ART, AMD, HAI cũng bị bán mạnh và đang kéo về quanh giá sàn. Riêng KLF có thời điểm đầu phiên tăng giá nhưng khối lượng bán ra dồn dập cũng kéo mã này xuống gần sàn ngay sau đó. Tổng khối lượng chất sàn nhóm này hơn 30 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu FLC tiếp tục giảm sàn. Bảng giá: SSI.

Nhóm cổ phiếu FLC tiếp tục giảm sàn. Bảng giá: SSI.

Như vậy kể từ khi Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, cổ phiếu FLC đã có chuỗi 11 phiên giảm trong 12 phiên gần nhất (trong đó có 7 phiên giảm sàn). Thị giá đã bốc hơi 42,4% trong thời gian vừa qua.

Mã chứng khoán này chỉ được giải cứu duy nhất trong phiên 4/4 với hơn 100 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, kết phiên tại mức giá trần.

Dù vậy đà giảm của nhóm cổ phiếu họ FLC có thể chưa dừng lại vì các lãnh đạo chủ chốt vẫn đang gặp rủi ro pháp lý. Gần đây, bà Hương Trần Kiều Dung (Chủ tịch Chứng khoán BOS và Phó chủ tịch FLC) và bà Nguyễn Quỳnh Anh (CEO Chứng khoán BOS) cũng bị bắt giam trong cùng vụ án thao túng thị trường chứng khoán...

Trong khi đó VN-Index đang diễn biến khá cân bằng khi xoay quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ do nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ giảm điểm, lực gồng gánh chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa lớn.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 3,77 điểm (0,26%) lên 1.459,02 điểm. Trong khi HNX-Index giảm 2,17 điểm (-0,52%) xuống 418,84 điểm và UPCoM-Index giảm 0,63 điểm (-0,56%) xuống 111,9 điểm.

Sắc đỏ vẫn phủ bóng thị trường chung khi toàn sàn chứng khoán có đến 636 mã giảm giá, ngược lại chỉ có 288 mã tăng giá. Cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang giữ nhịp cho thị trường chung, bất chất các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và đầu cơ lao dốc.

Riêng rổ VN30 tăng 6,74 điểm (0,45%) với 18/30 mã tăng giá. Trong đó GVR của Tập đoàn Cao su bứt phá 3,3% lên 34.100 đồng và là mã có tác động tốt nhất lên chỉ số.

Tiếp đến là MSN của Masan Group tăng 2,9% lên 129.000 đồng, ngoài ra còn có sự góp sức của một số mã khác như CTG, FPT, VNM.

Danh mục cổ phiếu đầu cơ và bất động sản vẫn trong chuỗi ngày giảm điểm vì thông tin tiêu cực từ vụ việc FLC Group và Tân Hoàng Minh. Riêng nhóm FLC bị bán sàn hàng loạt với khối lượng lớn hơn 34 triệu đang đặt giá sàn.

Bên cạnh đó nhiều cổ phiếu họ Louis hay DNP Corp cũng nối tiếp giảm điểm mạnh. Cổ phiếu bất động sản và xây dựng cũng lao dốc khi nhiều mã đã có thời điểm chạm giá sàn như CTD, NVT, LDG hay DIG cũng sát giá sàn.

Thanh khoản thị trường tiếp tục đi xuống khi giảm 6% so với phiên sáng hôm qua chỉ đạt 12.538 tỷ đồng khớp lệnh. Trong đó giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 3,7% xuống 10.848 tỷ đồng.

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-phieu-flc-tiep-tuc-bi-ban-thao-post1309277.html