Có phải ai cũng mong Tết?

Một số người vì điều kiện, hoàn cảnh buộc phải ở lại bệnh viên điều trị xuyên Tết, hoặc làm tới ngày 30 mới khăn gói về quê xa. Bên cạnh sự háo hức, mong chờ của nhiều người khi chỉ còn hai tuần nữa là Tết, thì vẫn luôn có những mảnh đời chẳng biết nên vui hay nên buồn, mỗi khi nghĩ đến năm mới.

Những người đón tết trong bệnh viện

Tết là thời điểm người người, nhà nhà đều mong muốn được đoàn tụ, sum họp, quây quần bên gia đình, cùng đón năm mới. Thế nhưng, tại các bệnh viện trên cả nước còn rất nhiều bệnh nhân không thể sum họp cùng gia đình. Họ đón Tết trong bệnh viện với nỗi lòng nhớ thương người thân và có cả những chạnh lòng vì bệnh tật mang trên người.

Tại các bệnh viện trên cả nước còn rất nhiều bệnh nhân không thể sum họp cùng gia đình

Tại các bệnh viện trên cả nước còn rất nhiều bệnh nhân không thể sum họp cùng gia đình

Ông Thủy, điều trị căn bệnh suy hô hấp ở bệnh viện Đa khoa Đông Anh 3 năm nay. Đó cũng là ngần ấy năm vợ chồng ông phải ăn Tết ở trong viện. Cũng có phút chạnh lòng vì không được đón Tết cùng gia đình, nhưng vợ ông Thủy luôn cố gắng nén nỗi buồn vào trong, trở thành điểm tựa giúp chồng an tâm điều trị.

Bà Phạm Thị Tí - Xã Đông Hội - Huyện Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ: "Chồng tôi bị suy hô hấp, khó thở, chuyển nội phế quản để thở bằng máy. Ông nhà tôi chưa thể cai máy, vấn đề đường thở chưa được tốt, nên chưa thể về quê ăn Tết cùng gia đình, lúc nào cũng gắn với máy thở. Lúc nào tôi cũng tâm niệm chăm sóc ông ấy tốt hơn để mạnh khỏe".

Đã nằm ở khoa Hồi sức tích cực thì đều là những ca bệnh nặng, sự sống gắn liền với chiếc máy thở. Luôn cần người túc trực, chăm sóc đặc biệt. Do đó, không chỉ bản thân người bệnh mà cả người thân của họ cũng xác định không có được niềm vui trọn vẹn khi Tết đến.

Không chỉ bản thân người bệnh mà cả người thân của họ cũng xác định không có được niềm vui trọn vẹn khi Tết đến

Không chỉ bản thân người bệnh mà cả người thân của họ cũng xác định không có được niềm vui trọn vẹn khi Tết đến

Anh Nguyễn Mạnh Toàn - huyện Sóc Sơn chia sẻ: "Tuổi cụ nhà tôi đã cao, đi lại không tiện, về nhà có vấn đề gì ko có y bác sĩ, chúng tôi không tin tưởng, không an tâm, cụ nhà tôi ở đây đã được 5 tháng rồi. Với sự chăm sóc của y bác sĩ ở đây, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, quyết định năm nay sẽ ăn Tết ở đây. Thường người ta bảo là Tết đoàn viên. Trong hoàn cảnh như vậy có một chút chạnh lòng nhưng vì sức khỏe của cụ vẫn phải chấp nhận".

Thấu hiểu nỗi niềm đó, các y bác sĩ bệnh viện Đông Anh luôn cố gắng dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chia sẻ cùng bệnh nhân và người nhà của họ. Dự tính sẽ bài trí để tạo không khí Xuân trong bệnh viện, giúp mọi người đỡ nhớ nhà hơn.

BS.CKII Ngô Trung Hải - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện đa khoa Đông Anh cho biết: "Chúng tôi cũng tạo khung cảnh giúp vơi đi nỗi nhớ nhà của người bệnh. Chúng tôi cũng sắm những cành đào, cành quất để bệnh nhân thấy gần gũi. Các bác sĩ động viên, an ủi người bệnh, tạo không khí vui vẻ, cảm nhận sự gần gũi, giảm bệnh nhân để bệnh nhân đón Tết an vui hơn".

BS.CKII Đinh Thị Hồng Hoa - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đông Anh: "Dịp Tết Nguyên Đán bệnh viện cũng tiếp nhận 200 bệnh nhân điều trị nội trú. Để quan tâm đến bệnh nhân cũng như người nhà, khoa dinh dưỡng, bếp ăn bệnh viện cũng chuẩn bị những suất ăn, những phần quà, bên cạnh đó cũng phối hợp với những nhà hảo tâm, từ thiện tặng quà cho người bệnh trong dịp Tết Nguyên Đán".

Vì là những người nhiều năm đón Tết trong ở Viện, nên các bác sỹ thấu hiểu hoàn cảnh của các bệnh nhân và người nhà của họ. Cả các bác sỹ và người bệnh đều mong muốn, Tết đến bệnh viện sẽ vắng đi, để có thêm nhiều người được đoàn tụ với gia đình.

Tất bật với cơm áo qua ngày - Tết là xa xỉ

Được đoàn tụ gia đình, cũng là ước mong của những người lao động ngoại tỉnh lên Hà Nội kiếm sống. Nhiều khi cả năm trời không dám về thăm nhà. Trong những ngày rét kỷ lục, nhiệt độ tại Hà Nội giảm xuống rất thấp, nền nhiệt thấp nhất chỉ khoảng 8-11 độ C. Vì đặc thù công việc, nhiều người lao động đêm ngoài trời vẫn phải vất vả mưu sinh dưới giá rét cắt da cắt thịt.

Thời tiết này tất nhiên nhiều người cũng chỉ muốn ở nhà nhưng đối với những người dân lao động tự do thì họ không thể nghỉ vì trước mắt là Tết, trên vai là gia đình.

Trong một căn phòng trọ chưa tới 20 mét vuông, bốn thế hệ gia đình anh Hảo sinh sống và chăm lo cho nhau. Là lao động chính, cứ ai gọi là đi sơn cừa sơn nhà, nên thu nhập rất bấp bênh. Thời điểm giáp Tết trở lạnh giá, lại càng ít việc.

Trong một căn phòng trọ chưa tới 20 mét vuông, bốn thế hệ gia đình anh Hảo sinh sống và chăm lo cho nhau

Trong một căn phòng trọ chưa tới 20 mét vuông, bốn thế hệ gia đình anh Hảo sinh sống và chăm lo cho nhau

Anh Nguyễn Tiến Hảo - Quận Long Biên chia sẻ: "Công việc của tôi thường diễn ra vào mùa hè. Chẳng hạn như mùa này là không làm được, nếu tính công thì không đạt được đồng công”

Bà ngoại của anh Hải, gần 100 tuổi, bị liệt nhiều năm nay, tiền thuốc thang cũng là khoản khiến anh phải chạy vạy từng ngày. Có lẽ vì lý do đó mà cái Tết có đầy đủ bánh chưng, cành đào đối với gia đình anh dường như là không thể

Cùng chung tâm trạng với anh Hảo, khi nghĩ về Tết là những lao động làm nghề bốc vác ở chợ Long Biên

Cùng chung tâm trạng với anh Hảo, khi nghĩ về Tết là những lao động làm nghề bốc vác ở chợ Long Biên

Cùng chung tâm trạng với anh Hảo, khi nghĩ về Tết là những lao động làm nghề bốc vác ở chợ Long Biên. Dù có khó khăn, thiếu thốn nhưng sự lạc quan và thương yêu đùm bọc lẫn nhau, giữa những con người cùng cảnh ngộ vẫn luôn lấp lánh trong ánh mắt và trên gương mặt của những con người ở khu chợ này. Chính điều đó đã khiến cho đêm đông ở đây không còn lạnh lẽo nữa.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/co-phai-ai-cung-mong-tet-216245.htm