Có những người 'rất lính'

Hàng chục năm trôi qua, tuổi của những người cựu chiến binh ngày nào giờ đều đã ở ngưỡng 70 hoặc hơn. Tuổi tác, thân thể dẫu có già đi nhưng bản chất người lính luôn tồn tại trong những cựu chiến binh này.

Những cựu chiến binh đi trên đoạn đường được làm từ đất ông Thời hiến.

Những cựu chiến binh đi trên đoạn đường được làm từ đất ông Thời hiến.

Ký ức những người lính

Hai lần vào lính là cuối năm 1974 và cuối năm 1979, cựu chiến binh Ngọ Xuân Thời cũng coi như trọn vẹn với cuộc đời. Sinh ra và lớn lên trong những ngày đất nước chiến tranh, bom đạn giày xéo. Hòa bình, ông vẫn còn mang di chứng do sức ép của bom mìn.

74 tuổi, cựu chiến binh Ngọ Xuân Thời nói rằng, mỗi khi nghĩ về những ngày xưa, trong ông vẫn còn vẹn nguyên khí thế sôi nổi của một thời thanh niên. Ông kể lại mất mát, tang thương của những ngày miền Bắc bị bom đạn cày xới; cái chết luôn hiện hữu trong cuộc sống, qua những câu chuyện.

Ông nói rằng có những người bạn hôm trước vừa cùng nhau ăn chén cơm, hôm sau lại nghe tin chẳng thể trở về. Nhưng với ông, những điều đó không gây hoang mang, sợ hãi. “Thời chiến, chuyện sống chết không còn quan trọng nữa. Khi quê hương lên tiếng gọi, thanh niên phải lên đường, vì nước mất thì nhà cũng không còn”.

Vào Nam được hơn 30 năm nhưng với cựu chiến binh Hà Văn Giang, khí thế sôi sục một thời tổng động viên vẫn lưu giữ mãi. Sinh ra trong gia đình có truyền thống, những người chú, người anh của ông Giang lên đường tòng quân khi non sông cất tiếng gọi. Năm 1980, theo lệnh tổng động viên, ông Giang cũng lên đường nhập ngũ.

Ông nói: “Lúc đó, chiến trường đã im tiếng súng, tôi vào lính đơn vị trinh sát, vẫn còn nhiều gian khó lắm”. Sau 6 năm, ông giải ngũ về quê, rồi Nam tiến lập nghiệp. Ông Giang nói: “Tôi cùng những anh em của mình vẫn vẹn nguyên đi qua những năm tháng chiến tranh, với chúng tôi đó là điều may mắn nên phải ráng sống tốt hơn”.

Hơn 30 năm trước, những cựu chiến binh xứ Bắc tìm đến đất Tân Hội, huyện Tân Châu lập nghiệp. Với tinh thần người lính không ngại gian khó, họ đã kiên trì vượt khó làm giàu trên mảnh đất mới. Cựu chiến binh Hà Văn Giang nói vui: “Đất Tây Ninh quý người lắm, nên đến rồi thì khó mà rời đi được”.

Lập nghiệp ở vùng đất mới

Những người lính này, khi không còn phục vụ trong quân ngũ, họ trở về đi làm kinh tế mới, và chọn vùng đất Tân Hội, Tân Châu, Tây Ninh để bám trụ đến ngày nay.

Năm 1986, ông Hà Văn Giang theo người quen vào Tây Ninh. Với sức thanh niên, tinh thần của người lính, ông kiên trì phát rừng làm rẫy, làm thuê đủ nghề kiếm sống. Đến giờ, ông Giang vẫn nhớ những hình ảnh hoang vắng, xa xôi, thưa bóng người hồi hơn 30 năm trước nơi vùng đất mới. Ông Giang nhớ lại: “Ngày đó, có lúc chúng tôi lội bộ vượt đường hàng chục cây số, cất láng trại để khai đất làm rẫy, gian nan vô cùng”.

Nhưng khó khăn không bao giờ là trở ngại với người lính, ông nghĩ rằng nếu đi lâu đất sẽ hóa đường. Quả thật, đất không phụ người có lòng, những gian khổ qua đi, ở tuổi 65, ông Giang đã có một gia đình hạnh phúc và hàng chục mẫu đất rẫy.

Cách đây hơn 30 năm, ông Ngọ Xuân Thời cũng đưa cả gia đình vào Nam lập nghiệp. Ông nói rằng, thời trẻ mình có hơn 10 năm trời làm công nhân trong nhà máy phân đạm Hà Bắc, xen kẽ khoảng thời gian đó là những ngày trong quân ngũ. Giải ngũ, ông không làm công nhân, cũng tự thấy mình không phù hợp buôn bán nên chọn vào Nam làm rẫy.

Đã 32 năm trôi qua, ông Thời vẫn nhớ như in hành trình 3 ngày 3 đêm ngồi tàu từ Bắc vào Nam. Trong những câu chuyện lúc nhàn rỗi, nghe không ít lời cảnh báo về những nhọc nhằn nơi vùng đất mới, nhưng ông vẫn không thay đổi ý định.

Đến nơi, nhìn cảnh hoang vắng, đường sá xa xôi, ông Thời có chút hoang mang vì thực tế vượt xa tưởng tượng của mình. Nhưng nỗi lo đó ông chỉ giữ ở trong lòng vì không muốn làm ảnh hưởng tới vợ con. Ông nghĩ mình chỉ còn một đường tiến lên, không thể lùi bước.

Là thợ mộc, ông phát huy tay nghề ở vùng đất mới. 10 năm ròng rã kiên trì không mệt mỏi, ông Thời dần tích lũy được của cải. Lần đầu tiên sau 10 năm, ông có thể thở phào khi trở lại quê hương Bắc Giang, có chút tự hào khi nghĩ: “Mình sống rồi và sống tốt rồi”.

Những cựu chiến binh ấp Hội Thanh trò chuyện cùng nhau.

Những cựu chiến binh ấp Hội Thanh trò chuyện cùng nhau.

Những cựu chiến binh tiên phong

Sau hàng chục năm bám đất làm rẫy, giờ đây, những cựu chiến binh một thời đã có được những cơ ngơi vững chãi. Theo như ông Thời, ông Giang chia sẻ, ngày mới vào các ông chỉ có đôi tay, sức trẻ thanh niên, tinh thần không sợ khó được trui rèn trong quân ngũ nên những gì có được hiện tại thật khó ngờ tới. Quả thật, đất không phụ người nếu người biết bám trụ và siêng năng. Ông Thời hiện tại có hơn 40 ha đất trồng cao su, mì. Ông Giang cũng có hơn chục héc-ta đất sản xuất canh tác. Họ đều trở thành những người có cuộc sống khá giả ở địa phương.

Không chỉ vậy, họ còn tích cực trong các hoạt động xã hội ở địa phương. Ông Giang hiện làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Hội Thanh. Chi hội do ông quản lý có 16 hội viên, luôn hoạt động sôi nổi nhất xã. Ông Thời được nhiều người biết đến bởi ông thường xuyên hỗ trợ cho các hoạt động từ thiện tại địa phương.

Mới đây, ông Giang, ông Thời và ông Mai Văn Sinh- một cựu chiến binh, đã rủ nhau hiến đất làm đường giao thông nông thôn, với tổng giá trị đất hiến trên 1 tỷ đồng. Theo ông Phạm Đức Cảnh- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Hội, trong năm 2023, riêng ấp Hội Thanh đã có 6 cựu chiến binh hiến đất góp phần cùng xã xây dựng nông thôn mới.

Ông Giang cho biết, không chỉ hiện tại, mà trước đây ông sẵn sàng hiến đi những phần đất của mình để phóng kênh, làm đường giúp công việc sản xuất, lưu thông hàng hóa thêm thuận tiện. “Là một cựu chiến binh, tôi có tinh thần tự giác, cựu chiến binh đi trước làm gương, dân sẽ nối gót theo sau. Tôi luôn sẵn lòng, vì có mở đường, làm kênh mới phát triển sản xuất được. Tiếc thì vẫn tiếc đó, nhưng nhờ đó xã hội phát triển, người dân có cơ hội làm giàu sẽ vui hơn”- ông Giang chia sẻ.

Ông Mai Văn Sinh, một người lính biên phòng có hơn 30 năm bám đất làm rẫy tại khu vực này nên hiểu những gian nan để có được thành quả hiện tại. Khi địa phương cần, ông vẫn sẵn lòng hiến đất. Ông Sinh nói: “Hiến đất, kinh tế gia đình có ảnh hưởng, nhưng nghĩ đến những việc có thể giúp mọi người, đóng góp cùng địa phương, tôi rất vui”.

Còn cựu chiến binh Ngọ Xuân Thời hào hứng: “Tôi nghĩ đây là một việc tuyệt vời, không chỉ làm lợi cho Nhà nước mà mình cũng được lợi”.

Hàng chục năm trôi qua, tuổi của những người cựu chiến binh ngày nào giờ đều đã ở ngưỡng 70 hoặc hơn. Tuổi tác, thân thể dẫu có già đi nhưng bản chất người lính luôn tồn tại trong những cựu chiến binh này. “Chúng tôi còn may mắn hơn rất nhiều người khi sống, đi qua thời chiến và được trở về. Ăn quả thì nhớ kẻ trồng cây, tôi muốn chia sẻ với những người đã đóng góp, cống hiến. Chúng tôi được sống, chia sẻ cùng đồng đội, đóng góp cho địa phương là vinh hạnh, hạnh phúc”- cựu chiến binh Ngọ Xuân Thời chia sẻ.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/co-nhung-nguoi-rat-linh-a161284.html