Có nên quy định trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng mức tiền cụ thể?

Các khoản trợ cấp được đề xuất ấn định bằng mức tiền cụ thể trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Chính phủ điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp; thậm chí có thể điều chỉnh trùng với kỳ điều chỉnh lương hưu, theo đại diện ban soạn thảo...

Ảnh minh họa.

Theo quy định hiện hành, nhiều khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội đang được tính toán theo lương cơ sở như: Trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau, sau thai sản; trợ cấp 1 lần khi sinh con…

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đang đề xuất sửa đổi các chế độ gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối của hiện hành), sau đó được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ.

Một số mức trợ cấp được đề xuất như: Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau bằng 540.000 đồng; trợ cấp 1 lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi 3,6 triệu đồng/con sinh ra; trợ cấp mai táng 14,9 triệu đồng…

Khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội theo dự thảo mới sẽ được Chính phủ điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Bà Đặng Thị Kim Chung, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh, đề nghị xem xét không nên ấn định các khoản trợ cấp bằng số tiền cụ thể mà có thể tính theo tỷ lệ phần trăm mức đóng bảo hiểm xã hội. Lý giải về vấn đề này, bà Chung cho rằng, nếu quy định bằng mức tiền sẽ sớm lạc hậu, hơn nữa khi đã quy định trong văn bản luật thì không thể thay đổi ngay được, kể cả khi giao quyền cho Chính phủ sửa đổi mức tiền cụ thể này vô hình chung lại vi phạm nguyên tắc xây dựng luật. Đó là Chính phủ không thể sửa đổi quy định trong văn bản luật do Quốc hội ban hành, trừ trường hợp có quy định khác.

“Nếu quy định rõ số tiền trong luật, sau đó lại giao cho Chính phủ sửa đổi số tiền theo thời gian sẽ vi phạm nguyên tắc xây dựng luật, nghĩa là cơ quan có thẩm quyền thấp hơn lại sửa văn bản luật có tính pháp lý cao nhất do Quốc hội ban hành”, bà Chung góp ý.

Cũng băn khoăn về việc quy định chế độ trợ cấp bằng số tiền tuyệt đối trong khi mức đề xuất không cao, đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, việc đề xuất mức bao nhiêu cần tính đến yếu tố trượt giá cho đến lúc luật được ban hành, bởi dự kiến tháng 10 tới dự thảo Luật mới được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

“Mức hưởng trợ cấp cần xem xét lại, dù có những điều khoản sẽ do Chính phủ quy định, nhưng thực tế mức điều chỉnh so với tốc độ trượt giá luôn có sự vênh nhau, thậm chí chưa điều chỉnh mà mức trượt giá đã tăng lên nhiều như hiện nay”, đại diện Công đoàn Dệt may chia sẻ.

Phản hồi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) lý giải, một số khoản trợ cấp đang được đề xuất bằng mức tiền cụ thể, thay vì theo lương cơ sở là để phù hợp với chính sách cải cách tiền lương, bãi bỏ lương cở sở trong tương lai. Hơn nữa, việc này để đảm bảo công bằng của người lao động trong thụ hưởng một số chế độ trợ cấp, đơn cử như tiền dưỡng sức, ốm đau không phải cứ đóng mức tiền lương cao thì được hưởng tiền dưỡng sức cao và ngược lại.

“Đây là khoản hỗ trợ để người lao động dù đóng cao hay thấp nhưng khi đã nghỉ dưỡng sức thì đều nhận mức trợ cấp như nhau”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, ban soạn thảo đã lường trước những băn khoăn của người lao động khi xây dựng đề xuất. Do đó, để đảm bảo sự cân bằng, ban soạn thảo sẽ tính toán để tất cả những khoản trợ cấp liên quan đến chế độ hàng tháng thì sẽ đề xuất Chính phủ điều chỉnh trùng với kỳ điều chỉnh lương hưu, nghĩa là khi điều chỉnh lương hưu thì sẽ điều chỉnh các trợ cấp hằng tháng này luôn.

“Những nội dung kiến nghị chúng tôi sẽ có tổng hợp đánh giá kỹ càng để hoàn thiện tối đa nhất dự thảo, làm sao vừa đáp ứng chủ trương định hướng nhưng đồng thời đảm bảo quy định đi vào thực tiễn”, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội khẳng định.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/co-nen-quy-dinh-tro-cap-bao-hiem-xa-hoi-bang-muc-tien-cu-the.htm