Có nên quy định trách nhiệm bồi thường trong hôn nhân gia đình?

Nhiều trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại tuổi thanh xuân, bồi thường vì người kia ngoại tình... khi ly hôn nhưng luật chưa quy định cụ thể. Vậy có nên quy định trách nhiệm bồi thường trong hôn nhân gia đình?

Khoa Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM vừa tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số vấn đề trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình (HNGĐ).

Khó giải quyết yêucu bi thường… tuổi thanh xuân

Tại hội thảo, ThS - nghiên cứu sinh Nguyễn Đức Phước (Chánh án TAND quận Bình Tân) trình bày tham luận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong pháp luật về HNGĐ.

Theo đó, hiện nay BLDS năm 2015, Luật HNGĐ năm 2014 và dự thảo nghị quyết chưa quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong HNGĐ. Trong khi đó, vợ chồng có nghĩa vụ về nhân thân, tài sản nhưng việc một bên vi phạm chưa được xử lý bằng chế tài thích hợp. Dự thảo nên bổ sung vấn đề này để bảo đảm sự bình đẳng giữa vợ và chồng, các quyền nhân thân, tài sản giữa vợ chồng được thực thi toàn diện, đầy đủ và triệt để.

Ông Phước chia sẻ có trường hợp người vợ ly hôn và yêu cầu bồi thường tuổi thanh xuân 20 năm chung sống. Nội dung này chưa được quy định, cũng chưa có một án lệ nào về vấn đề này trong khi tòa án lại không được từ chối giải quyết. Vì vậy, cần xây dựng chế định riêng về bồi thường trong HNGĐ để cụ thể hóa trách nhiệm bồi thường...

 Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: YC

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: YC

Ông Phước cho rằng nguyên tắc bồi thường đã được BLDS quy định nên dự thảo chỉ cần quy định về chủ thể và hành vi. Trong đó, chủ thể gây ra thiệt hại phải bồi thường là vợ chồng. Còn hành vi trái pháp luật gây thiệt hại là hành vi của vợ hoặc chồng vi phạm Luật HNGĐ và các luật liên quan gây thiệt hại cho bên còn lại. Đó là hành vi vợ hoặc chồng vi phạm về nghĩa vụ nhân thân (mang tính chất tình cảm riêng tư giữa vợ chồng) hoặc gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến quyền của bên còn lại...

Khó xác định mâu thuẫn đã trầm trọng hay chưa

Đồng tình với ông Phước, bà Lê Duy Bảo Chinh (kiểm sát viên, VKSND quận Gò Vấp) cũng nêu trường hợp xảy ra tại quận Gò Vấp là vợ yêu cầu chồng bồi thường tiền ăn học, nuôi dưỡng con dù khi ly hôn, con đã thành niên. Người vợ đã cung cấp nhiều chứng từ như tiền đóng học phí, ăn ở... để chứng minh cho yêu cầu của mình. Còn người chồng thì cho rằng ông không đi làm nhưng là người chăm sóc con.

Dưới góc nhìn của thẩm phán, bà Đỗ Thị Hương (Phó chánh Tòa Dân sự, TAND huyện Châu Thành, Tây Ninh) đồng ý với đại biểu Phước rằng dự thảo nên quy định bồi thường thiệt hại trong HNGĐ.

Bà Hương cũng nêu một vụ án về bồi thường thiệt hại trong quan hệ HNGĐ mà bà gặp phải. Đó là một vụ án người vợ yêu cầu bồi thường 300.000 đồng/ngày trong suốt 16 năm thanh xuân. Lý do người vợ yêu cầu số tiền 300.000 đồng/ngày vì bắt gặp người chồng đi bia ôm bo 300.000 đồng cho cô nhân viên.

PGS-TS Vũ Thị Hồng Yến (Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Sài Gòn) thì băn khoăn về vấn đề thực hiện việc bồi thường. Chẳng hạn trong thời kỳ hôn nhân, vợ hoặc chồng vi phạm pháp luật, phải bồi thường cho bị hại thì sao. Lúc này phải xác định tài sản chung, tài sản riêng mới thực hiện việc bồi thường được…

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Hoàng (Phó Chánh án TAND quận Gò Vấp) cho biết trong giải quyết án ly hôn, hiện rất khó xác định mâu thuẫn giữa vợ chồng đã trầm trọng hay chưa. Việc xác minh tại Hội Phụ nữ cũng không thể chính xác. Vì mâu thuẫn không phải là cãi vã ồn ào; hàng xóm bên cạnh còn không thể biết chứ đừng nói đến các cơ quan khác...

Góp ý về phạm vi điều chỉnh của nghị quyết

So với yêu cầu của thực tiễn, có thể thấy phạm vi nội dung được nghị quyết điều chỉnh là chưa bao phủ được các vấn đề bất cập đã và đang phát sinh cần giải quyết.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo có thể mở rộng một số nội dung như cần có quy định hướng dẫn thống nhất tiêu chí xác định việc chấm dứt “quan hệ vợ chồng” đối với trường hợp các bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987 nhưng không còn chung sống với nhau trên thực tế. Minh định lại thẩm quyền của tòa án trong xác định lại quan hệ cha con - mẹ con. Cần quy định hướng dẫn giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng dù không sống chung nhưng nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau theo quy định thì phát sinh quyền thừa kế theo pháp luật...

ThS LÊ THỊ MẬN (Trường ĐH Luật TP.HCM)

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-nen-quy-dinh-trach-nhiem-boi-thuong-trong-hon-nhan-gia-dinh-post767216.html