Có nên giới hạn nồng độ cồn bằng 0?

Người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, hệ thần kinh; đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông... Đề xuất giới hạn nồng độ cồn bằng 0 nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lái xe sử dụng rượu bia.

Theo tính toán, người sử dụng rượu bia sau 6 - 12 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong máu và sau 12 - 24 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong khí thở. Qua 36 giờ vẫn đo được trong nước tiểu và sau 72 giờ vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.

Xử lý nghiêm các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện.

Hiện nay tại Việt Nam, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra nồng độ cồn dựa trên phương pháp đo bằng ống thở và bổ sung bằng phương pháp xét nghiệm máu.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở mới bị xử phạt.

Nội dung này sau đó đã được sửa đổi tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định, lái xe bị nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Từ đó đến nay, các trường hợp tài xế điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị xử phạt nghiêm.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) thông tin, với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.

Quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất; đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.

Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn... Dự thảo Luật đang đề xuất giới hạn tỷ lệ nồng độ cồn bằng 0.

Nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến lái xe vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: TL.

Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên quy định ngưỡng nồng độ cồn bằng 0 mà đã có tiền lệ từ các quốc gia khác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có thống kê về giới hạn nồng độ cồn với tài xế của 194 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong đó khoảng 20 nước (chiếm khoảng 10,5%) áp dụng mức giới hạn BAC là 0% (cứ có cồn là bị phạt). Điều này có nghĩa các tài xế hoàn toàn không được phép sử dụng đồ uống có cồn khi lái xe.

Phần lớn là những quốc gia Hồi giáo, những nơi thường cấm buôn bán và tiêu thụ rượu như Afghanistan, Iran, Maldives, Pakistan, Qatar, Saudi Arabia, UAE hay Yemen. Số ít còn lại là Brazil, Hungary, Paraguay, Romania, Slovakia, Uruguay và Việt Nam.

Trước đó khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề cập đến quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, một số Đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) đề xuất nghiên cứu một tỷ lệ nhất định để giới hạn nồng độ cồn cho phép trong khí thở và trong máu, không nhất thiết cứ có nồng độ cồn là bị xử phạt. “Luật các nước trên thế giới về cơ bản họ đều có tỷ lệ nhất định nào đó, ta cũng nên nghiên cứu”, ông Ấn nói.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Phạm Như Hiệp (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, nếu cấm ngặt như vậy thì người điều khiển xe thô sơ cũng vi phạm và bị xử lý. Nếu uống một chút rượu mà đi xe đạp cũng bị phạt thì quá trình triển khai luật sẽ phức tạp.

Ngoài ra, việc cấm người uống rượu bia tham gia giao thông ngay thì đã rõ. Nhưng vẫn có một thực tế đó là việc người dân uống rượu bia từ tối hôm trước mà sáng hôm sau đi làm trong máu vẫn còn nồng độ cồn. Do vậy, đại biểu Phạm Như Hiệp đề nghị nên quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-nen-gioi-han-nong-do-con-bang-0-post273438.html