Có nên dùng sổ hộ khẩu giấy thay giấy xác nhận cư trú?

Sau khi bỏ sổ hộ khẩu, ở một số địa phương người dân gặp khó khăn khi xin giấy xác nhận nơi cư trú.

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Bỏ sổ hộ khẩu: Nhiều nơi yêu cầu giấy xác nhận cư trú” thông tin về việc ở một số quận, huyện tại TP.HCM, sau khi bỏ sổ hộ khẩu, người dân khi đi thực hiện một số thủ tục hành chính, giao dịch dân sự vẫn phải xin giấy xác nhận nơi cư trú.

Một số bạn đọc cho rằng sổ hộ khẩu giấy có đầy đủ thông tin cư trú, quan hệ hộ gia đình... của người dân, thế nhưng CCCD gắn chip lại chưa hiển thị thông tin như sổ hộ khẩu. Chính vì thế, cơ quan nào giải quyết hồ sơ của người dân mà chưa khai thác được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì nên dùng tiếp sổ hộ khẩu giấy thay vì yêu cầu người dân xin giấy xác nhận nơi cư trú.

Nên tiếp tục dùng sổ hộ khẩu giấy?

Bạn đọc Trần Anh ý kiến: “Hiện nay, nếu cơ quan chức năng chưa hoàn thiện hệ thống dữ liệu dân cư thì nên cho người dân tiếp tục dùng sổ hộ khẩu giấy để người dân đỡ mất thời gian đi xin giấy xác nhận nơi cư trú. Đến khi nào hoàn thiện chuyển đổi dữ liệu thì mới nên bỏ. Các cơ quan chức năng nên xem xét cái gì thuận lợi cho dân thì áp dụng”.

“Bản thân tôi luôn ủng hộ sự đổi mới và áp dụng công nghệ trong cuộc sống. Tôi thấy việc sử dụng CCCD gắn chip có nhiều thuận lợi, giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn. Tuy nhiên, một số thủ tục liên quan đến việc chứng minh nơi cư trú có những nơi lại yêu cầu có giấy xác nhận thay cho sổ hộ khẩu giấy. Như trước đây, khi đi làm các thủ tục hành chính, người dân chỉ cần mang sổ hộ khẩu theo thì hiện nay lại phải đến cơ quan công an xin giấy xác nhận, có khi phải chờ vài ngày mới có giấy này” - bạn đọc Phạm Hoan chia sẻ.

Bạn đọc Hạnh Nguyễn nêu: “Theo tôi, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu và khai thác thông tin cư trú là trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý và cần được đồng bộ hóa. Người dân khi đi làm thủ tục chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin và mọi thông tin cá nhân đều có trong CCCD gắn chip rồi. Chứ giờ đi làm cái gì cũng yêu cầu có giấy xác nhận nơi cư trú có cần thiết hay không?”.

Cần liên thông cơ sở dữ liệu để tiện cho dân

Chị LTT (ngụ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết mới đây cơ quan nơi chị công tác yêu cầu nộp giấy xác nhận nơi cư trú thay cho sổ hộ khẩu để bổ sung vào hồ sơ việc làm.

Khi chị T đến công an phường nơi cư trú xin giấy xác nhận thì được hướng dẫn nộp hồ sơ qua mạng. Do đã có tài khoản từ trước, chị T đăng nhập vào cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện thủ tục này nhanh chóng.

Một số thủ tục hành chính hiện nay vẫn yêu cầu người dân phải có giấy xác nhận nơi cư trú thay cho sổ hộ khẩu. Ảnh: TẤN VIỆT

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV tại TP Đà Nẵng, số người tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia vẫn còn ít. Phần lớn đều phải đến công an phường nơi cư trú để trực tiếp làm thủ tục.

Hai tuần trước, anh NVT (ngụ phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đến TAND quận này để hỏi về thủ tục ly hôn thì được hướng dẫn phải có giấy xác nhận nơi cư trú của hai vợ chồng.

Anh T phải đến Công an phường Mân Thái, điền vào giấy viết tay rồi mang về cho chủ hộ ký xác nhận, sau đó quay lại nộp cho công an phường. Tuy vậy, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia truy cập từ công an phường liên tục bị lỗi mạng nên anh T phải đi lại đến ba lần trong ba ngày mới nhận được giấy xác nhận nơi cư trú.

Trao đổi với PV, Trung tá Cao Lê Duy Hùng (Trưởng Công an phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết mỗi ngày ông phải ký rất nhiều giấy xác nhận nơi cư trú cho công dân. Hiện lực lượng công an phường rất mỏng nhưng nhu cầu của người dân lại lớn nên hiện tại công an khu vực làm việc hầu như không có ngày nghỉ. Ít nhất một cán bộ phải thường trực trên máy tính để truy xuất hồ sơ xác nhận nơi cư trú cho người dân.

“Theo đúng mục đích chuyển đổi số thì phải liên thông hết một cửa để tra cứu trên mạng, làm thủ tục cho người dân chứ không yêu cầu người dân làm gì hết. Nhưng hiện tại cơ sở dữ liệu phía công an địa phương chưa liên thông được qua khối ủy ban” - ông Hùng cho hay.

Tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, ông Đinh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, cũng cho biết về lâu dài phải liên thông được dữ liệu công dân đến tất cả cơ quan, đơn vị nhằm tạo thuận lợi cho người dân. “Thông tin có trên CCCD rồi nhưng khi người dân chuyển đi nơi khác thì mình không biết, hoặc người dân chưa đến cơ quan công an để cập nhật thì mình cũng không biết được. Quan trọng là phải liên thông dữ liệu đến tất cả cơ quan” - ông Phúc cho hay.

Sổ hộ khẩu giấy bỏ nhưng vẫn dùng

Tại một số phường của TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), theo ghi nhận của PV, khi người dân đến mang theo CCCD xin xác nhận tình trạng hôn nhân vẫn được cán bộ phường yêu cầu mang theo sổ hộ khẩu cũ bản chính (có nơi phôtô sao y có công chứng cũng vẫn được) để đối chiếu.

Theo cán bộ tư pháp tại một phường, hiện nay thông tin trên dữ liệu chỉ cung cấp được một số thông tin cơ bản về công dân. Do vậy cũng là khó khăn của các phường khi giải quyết thủ tục cho người dân. Rất cần phía ngành công an cung cấp thêm một số thông tin cần thiết khác như sổ hộ khẩu giấy trước đây để tạo thuận lợi cho người dân…

Phòng Tư pháp TP Vũng Tàu cho biết đã tiếp nhận ý kiến qua trao đổi với tư pháp 17 phường, xã trên địa bàn. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1-1-2023 nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, dữ liệu chưa đồng bộ, hoàn thiện. Việc kết nối dữ liệu, thông tin chưa thông suốt nên không chỉ tạo áp lực cho tư pháp các phường, xã mà còn ở các ngành, đơn vị khác liên quan đến công chứng, chuyển nhượng, mua bán nhà đất cũng vẫn yêu cầu người dân phải xác nhận hộ khẩu, tình trạng hôn nhân...

KHÁNH LY

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-nen-dung-so-ho-khau-giay-thay-giay-xac-nhan-cu-tru-post721177.html