Có nên đánh cược với 'sự tự diệt' của Delta?

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 được cho đã 'tự diệt' tại Nhật Bản lúc này, mở ra hy vọng về khả năng đại dịch Covid-19 có thể biến mất hoàn toàn một cách tự nhiên trên toàn cầu. Tuy nhiên, giới khoa học cảnh báo chưa thể lạc quan...

Nhật Bản bất ngờ “sạch” Delta

Vào tháng 8 năm nay, Nhật Bản đã ghi nhận khoảng 23.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh gia tăng nhanh ở nước này chủ yếu bởi biến thể Delta nguy hiểm. 3 tháng sau, trong khi các quốc gia khác vẫn đang vật lộn với dịch bệnh, Nhật Bản chỉ còn ghi nhận số ca nhiễm virus mỗi ngày không đáng kể - trung bình khoảng 140 người/ngày trên cả nước. Theo The Japan Times, Nhật Bản cũng không ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào do Covid-19 kể từ hôm 7/11.
Làn sóng dịch bệnh đột ngột “dừng lại” tại Nhật Bản, thu hút các chuyên gia địa phương lý giải điều gì đã giảm tốc độ lây truyền của virus. Trong số các giả thuyết xung quanh đó là ý kiến cho rằng chủng Delta tại Nhật đã cạn kiệt các đột biến và hiện đạt đến mức tự diệt. Điều này xuất phát từ một trong những đặc điểm chung của virus là khả năng đột biến hoặc phát triển.

Người dân đeo khẩu trang đi bộ tại một tòa nhà ga ở Tokyo, Nhật Bản, tháng 11/2021. Ảnh: AP

Bất cứ khi nào virus trải qua quá trình nhân lên, gen của nó cũng đồng thời trải qua quá trình liên quan đến “sao chép lỗi”. Theo thời gian, các quá trình ngẫu nhiên tích tụ và dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc tổng thể của virus. Những đột biến này rất khác nhau, dẫn đến một số chủng dễ lây truyền hơn và độc tính hơn. Nhưng cũng có những trường hợp đột biến trở thành cái mà các nhà khoa học gọi là “ngõ cụt của quá trình tiến hóa”.

Một nhóm các nhà khoa học do Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản dẫn đầu đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về biến thể Delta. Tập trung vào enzyme sửa lỗi của chủng này, có tên là nsp14, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng một số thay đổi di truyền nhất định trong virus đã dẫn đến sự dừng đột ngột trong quá trình biến đổi của nó. Điều này cuối cùng đã khiến virus tự bị phá hủy.

“Chúng tôi thực sự bị sốc khi thấy những phát hiện này” - Giáo sư Ituro Inoue, một chuyên gia di truyền học của viện nới với The Japan Times - “Biến thể Delta ở Nhật Bản có khả năng lây truyền cao và khiến các biến thể khác không còn chỗ lây lan. Nhưng khi các đột biến chồng chất lên nhau, chúng tôi tin rằng cuối cùng nó đã trở thành một loại virus bị lỗi và không thể nhân lên được nữa. Với việc các trường hợp bệnh không gia tăng, chúng tôi nghĩ rằng tại một số thời điểm trong quá trình đột biến như vậy, virus đang tiến thẳng đến sự tuyệt chủng một cách tự nhiên”.

Cùng quan điểm, người đứng đầu Bộ phận Kỹ thuật Y sinh và Khoa học Y sinh của Đại học Reading, Tiến sĩ Simon Clarke nhận định trong một cuộc phỏng vấn với The Sun rằng, sau khi hoành hành khắp thế giới, virus SARS-CoV-2 có thể tiến tới quá trình tự tuyệt chủng. “Virus tích lũy quá nhiều đột biến và do đó không thể tái tạo. Con người nhiễm loại virus như vậy… giống như người mất khả năng sinh sản, là điểm kết thúc của chuỗi lây truyền” - Tiến sĩ Clarke giải thích.

2 kịch bản hậu Delta

Mặc dù phát hiện của các nhà khoa học Nhật Bản có vẻ đầy hứa hẹn, nhưng Tiến sĩ Clarke cảnh báo rằng cái gọi là “ngõ cụt của quá trình tiến hóa” chỉ xảy ra trong “một tập hợp các trường hợp rất hẹp”. Cũng cần lưu ý rằng, tương tự như con người, không phải ai rồi cũng mất khả năng sinh sản. Tiến sĩ Clarke cho biết: “Sẽ còn rất nhiều virus Corona xung quanh có khả năng lây nhiễm sang người và sẽ tiếp diễn quá trình đó cho đến khi con người có đủ khả năng miễn dịch, hoặc chúng ta có thể phá vỡ chuỗi lây truyền”.

Nhật Bản đã chính thức bỏ tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng 10 vừa qua, mở cửa lại xã hội sau một thời gian bị hạn chế nghiêm trọng. Hiện nước này có thể tự hào là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp nhất so với bất kỳ quốc gia phát triển nào, nhưng giới chuyên gia trong và ngoài nước cảnh báo rằng Nhật Bản không có khả năng miễn dịch với các chủng virus mới tiềm ẩn, ngoại nhập trong quá trình mở cửa biên giới.

Trong nửa cuối năm 2020, các nhà dịch tễ học đã bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu của một hiện tượng đáng lo ngại, được gọi là tái tổ hợp virus. Trong đó, các phiên bản khác nhau của SARS-CoV-2 trao đổi các đột biến và kết hợp để tạo thành một chủng hoàn toàn mới. Sự tái tổ hợp này - theo Giáo sư vi sinh lâm sàng Ravi Gupta tại Đại học Cambridge - dường như không xảy ra thường xuyên, nhưng nó vẫn là một nguồn có khả năng sản sinh ra một “siêu biến thể” mới. Đặc biệt là khi một số khu vực trên thế giới vẫn có tỷ lệ lớn dân số chưa được tiêm chủng và các chủng virus có thể vẫn đang lưu hành tự do.

Kịch bản thứ hai được đưa ra là virus SARS-CoV-2 có thể phát sinh một chuỗi các đột biến nghiêm trọng, dẫn tới một phiên bản Delta nguy hiểm hơn. Với việc Delta đang là chủng virus thống trị - hiện chiếm 99,5% tổng số trình tự gen của bệnh nhân Covid-19 trên toàn thế giới, nhiều chuyên gia vaccine tin rằng tất cả các biến thể trong tương lai sẽ là nhánh của Delta. Một "thế hệ cháu" đáng chú ý của Delta, được gọi là AY.4.2 và tập trung phần lớn ở Vương quốc Anh, nơi nó chiếm khoảng 10% các mẫu virus được giải trình tự, đang được giới khoa học theo dõi sát sao.

Vaccine ngừa Covid-19 được điều chế với mục đích đón đầu sự tiến hóa của virus. Do đó sẽ rất khó khả năng xảy ra các đợt bùng dịch, hoặc nếu xảy ra thì quy mô của nó được tin sẽ không còn nghiêm trọng như trong 2 năm qua. Ngoài ra, giới khoa học bắt đầu sản xuất vaccine Covid-19 thế hệ thứ 2, nhằm tạo ra kháng thể trung hòa có thể phản ứng với các biến chủng tốt hơn. Các “ông lớn” ngành dược phẩm như Merck, Pfizer, cũng đang trong quá trình xin cấp phép các loại thuốc trị Covid-19 đường uống tiềm năng, nhắm mục tiêu can thiệp sớm vào quá trình nhân lên của virus trong giai đoạn đầu ở người bệnh.

Nhìn chung, các nhà dịch tễ học không quá tin khả năng xuất hiện bất kỳ “siêu biến thể” mới nào có thể vô hiệu hóa hoàn toàn vaccine, nhưng đồng thời tin rằng con người không thể chỉ dựa vào một mình vaccine để vượt qua đại dịch này. Giáo sư Gupta cho rằng chúng ta vẫn nên áp dụng một số biện pháp hạn chế để virus không lây lan mạnh hơn và giảm cơ hội làm virus tiếp tục đột biến, thay vì đánh cược “chờ đợi” virus biến đổi đến tận diệt.

“Nếu nhìn vào các biến thể hiện có, tất cả chúng đều xuất hiện ở các quốc gia có tỷ lệ lây truyền rất cao và khó kiểm soát - Ấn Độ, Anh, Brazil” - ông Gupta nhấn mạnh - “Hiện tại, số ca nhiễm vẫn rất cao nên việc ngăn ngừa các ca nhiễm mới sẽ tốt hơn nhiều. Nói cách khác, chúng ta nên tránh tụ tập ở những nơi đông người mà không đeo khẩu trang”.

"Virus tích lũy quá nhiều đột biến và do đó không thể tái tạo. Con người nhiễm loại virus như vậy… giống như người mất khả năng sinh sản, là điểm kết thúc của chuỗi lây truyền." - Người đứng đầu Bộ phận Kỹ thuật Y sinh và Khoa học Y sinh của Đại học Reading - Tiến sĩ Clarke

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/co-nen-danh-cuoc-voi-su-tu-diet-cua-delta-442115.html