Có nên bỏ giấy chuyển tuyến?

Vừa qua có nhiều ý kiến yêu cầu bỏ giấy chuyển tuyến vì mỗi khi đi khám bệnh nhân phải xin giấy chuyển viện rất phiền toái.

Là một bác sĩ lâm sàng, tôi thấy không nên bỏ giấy chuyển tuyến, ít nhất là trong thời điểm như hiện nay.

Bởi vì:

- Giấy chuyển tuyến còn là chuyển bảo hiểm y tế theo phân tuyến y tế. Nếu không có giấy chuyển, người dân sẽ "đổ xô" lên các bệnh viện tuyến sau, tuyến sau thì vỡ trận còn tuyến trước thì có thể lâm vào cảnh "chùa bà Đanh". Trừ trường hợp có cấp cứu thực sự thì có thể đi thẳng đến cơ sở y tế gần nhất vẫn được BHYT đúng tuyến.

- Giấy chuyển tuyến còn là biên bản bàn giao bệnh nhân và tình trạng bệnh giữa các tuyến y tế với nhau. Điều này rất quan trọng. Bệnh nhân đã được làm gì, chẩn đoán ra làm sao, điều trị thế nào, tại sao phải chuyển tuyến, cần lưu ý những gì, ... để tuyến sau được biết. Điều này sẽ chỉ có lợi cho bệnh nhân, và chắc chắn sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc.

Tuy nhiên để thuận lợi trong quá trình chuyển tuyến của người bệnh sẽ cần phải sửa đổi:

- Phải cải tiến giấy chuyển tuyến, có form chung theo quy định thì càng tốt, bệnh viện tư hoặc bệnh viện lớn muốn thêm tiếng Anh thì tùy. Giấy chuyển tuyến không đầy đủ thông tin cần được phản hồi lại để các bác sĩ biết và sửa.

- Các tuyến đừng cố giữ bệnh nhân, cần thì cứ chuyển tuyến, thấy quá khả năng thì cứ chuyển, tạo thuận lợi cho người bệnh. Cố giữ có khi còn nguy hiểm cho người bệnh và cho mình.

- Công nghệ thông tin thời đại 4.0 rồi, A.I rồi, thì tiến tới cố gắng để có thể liên thông xét nghiệm và cận lâm sàng, ví dụ như in thêm QR code trên giấy chuyển tuyến để tuyến sau có thể xem được cận lâm sàng của người bệnh. Tuy có một điều khó là phải cải thiện máy móc, chất lượng của cận lâm sàng các tuyến theo quy định, như ISO chẳng hạn.

- Cần cố gắng để mỗi người dân có một bệnh án điện tử với một mã ID riêng, bệnh viện nào cũng được, nhập ID là ra thông tin tiền sử bệnh sử chi tiết của người bệnh.

Mặc dù tôi thấy phần nhiều giấy chuyển tuyến ở ta chưa đạt yêu cầu: Thiếu rất nhiều thông tin về chuyên môn. Không ít lần cá nhân tôi phải gọi điện cho bác sĩ điều trị của bệnh nhân trước đó để hỏi thêm về tình trạng bệnh. Hơn thế nữa nhiều người bệnh không muốn xin giấy chuyển tuyến mà chấp nhận lên tuyến trên điều trị theo diện bảo hiểm trái tuyến.

Vì thế chưa thể bỏ được giấy chuyển viện chừng nào chưa chuẩn hóa về thông tin điều trị của bệnh nhân. Vì khi chuẩn hóa thì sẽ giúp các bác sĩ có phác đồ điều trị tốt hơn, biết bệnh nhân đã dùng các loại thuốc nào trong thời gian bao lâu tình trạng sức khỏe trước đây thế nào…

Trước đó ngày 20/11 giải trình, làm rõ những kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV liên quan tới vấn đề chuyển tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho biết việc điều chuyển tuyến để đáp ứng được yêu cầu chữa bệnh cho người dân nhưng phù hợp với khả năng chữa bệnh ở từng tuyến. Ngoài ra cũng tránh quá tải dồn hết lên trên tuyến trên.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định dựa trên các điều kiện, tiêu chí của các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ được phân làm 4 cấp chuyên môn kỹ thuật. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định thành 3 cấp để đảm bảo được điều kiện các cấp nào được khám, chữa bệnh ở mức độ nào. Từ đó có căn cứ vào khả năng đáp ứng của cơ sở y tế và tình trạng của người bệnh thì bố trí phù hợp.

Bộ đang tập trung chỉ đạo vấn đề sử dụng hình thức chuyển tuyến điện tử cũng như hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử để giảm bớt những khó khăn, thủ tục cho người dân.

BS. Nguyễn Văn Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-nen-bo-giay-chuyen-tuyen-16923112610512671.htm