Có một Trường Sa 'thay da đổi thịt'

Hàng trăm dãy nhà ngói mới khang trang, những con đường trải nhựa phẳng lỳ, hàng ngàn cây xanh mọc quanh triền đảo, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) yên tâm tư tưởng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ canh biển, giữ đảo, tình quân dân ngày càng thắm thiết... Đó là bức tranh tổng thể của quần đảo Trường Sa sau 49 năm chiến đấu, giải phóng, xây dựng và trưởng thành kể từ mùa Xuân đại thắng 1975.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc chủ quyền. Ảnh: Mai Thắng

Đến hẹn lại ra Trường Sa thăm, tặng quà quân dân trên đảo

Tháng tư mùa biển lặng. Đến hẹn lại ra Trường Sa thăm, tặng quà cho quân dân nơi đầu sóng ngọn gió. Chuyến đi này, đoàn chúng tôi vượt gần 1.000 hải lý lênh đênh trên biển. Đoàn công tác số 7 do Chuẩn Đô đốc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân Phạm Văn Quang làm trưởng đoàn, cùng hơn 200 thành viên trên tàu KN 390 cập đảo Trường Sa Lớn vào lúc mặt trời đứng bóng. Chúng tôi nhoài người qua ô cửa tàu nhìn về thị trấn Trường Sa. Chen lẫn những mái ngói đỏ tươi là bạt ngàn cây xanh chạy quanh triền đảo.

Sau 49 năm chiến đấu, giải phóng, xây dựng và trưởng thành, quân dân trên 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa được sống trong hòa bình, ổn định và từng bước thay da đổi thịt. Trường Sa hôm nay không còn bóng quân thù, nhưng quân dân Trường Sa chưa bao giờ ngơi tay súng. Với khát vọng hòa bình, quân dân Trường Sa luôn nêu cao cảnh giác, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

Thuyền trưởng tàu KN 390 chỉ tay về đảo, nói: “49 năm trước, đảo Trường Sa Lớn là khói súng, khô cằn và san hô. Sau 49 năm là thị trấn sầm uất giữa ngàn khơi. Tất cả đều do bàn tay, trí tuệ của bộ đội Hải quân Việt Nam gây dựng nên. Cuộc sống của CBCS đầy đủ tiện nghi như ở đất liền. Thông tin cập nhật từ đất liền hằng ngày. Ngồi tại đảo có thể nói chuyện và nhìn thấy người thân, gia đình qua điện thoại thông minh. Đến với Trường Sa là đến với trái tim biển của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió”.

Tàu KN 390 cập đảo, chúng tôi khoác ba lô, túi xách đi nhanh về phía cổng Trường Sa. Tất cả ai cũng hồi hộp. Tôi chạy nhanh về phía trước, quay lại đưa máy ảnh “chộp” luôn mấy kiểu trong niềm xúc động vô bờ. Nữ văn công Hoàng Lan đi trong đoàn “hét” lên: “Trường Sa ơi, đất liền đã cập đảo rồi. Vui quá đi” và bắt đầu đưa điện thoại check-in những bức hình đẹp nhất. Trước phong cảnh lãng mạn Trường Sa, Hoàng Lan chia sẻ: “Lần đầu em đi tàu biển, lần đầu em đến Trường Sa, cảm giác gần gũi, thân quen đến lạ. Lúc nghe bài hát “Gần lắm Trường Sa" dưới tàu, em đã không kìm được nước mắt. Thực sự em ngỡ ngàng không nghĩ ở nơi xa nhất của Tổ quốc, Trường Sa đẹp đẽ, thân thương đến vậy. Chuyến đi này là chuyến đi không thể nào quên trong đời ca hát của em”.

Như thường lệ, mỗi lần thăm đảo Trường Sa, bao giờ tàu cũng chở đầy ắp những phần quà từ đất liền gửi tặng CBCS và nhân dân huyện đảo. Chỉ tính riêng đoàn công tác số 6 và số 7, CBCS các đảo nổi, đảo chìm đã nhận được hàng trăm tấn hàng, quà các loại, phục vụ đời sống sinh hoạt và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu do các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, thành phố Hải Phòng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam,Kiểm toán Nhà nước trao tặng... Tổng số hàng quà quy đổi ra tiền hàng trăm tỉ đồng.

Khắc sâu lời thề giữ đảo

Trước khi tỏa đi các phân đội thăm, giao lưu, trò chuyện với CBCS, chúng tôi xếp hàng ngay ngắn theo lệnh người chỉ huy trên đường băng để làm lễ chào cờ. Giọng của chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn đanh thép giữa không trung: “Toàn đội hình thành hàng ngang, các đơn vị hàng dọc, tập hợp. Nghiêm. Chào cờ... Chào!”. Chúng tôi ngước mắt lên cờ Tổ quốc, đồng thanh hát “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...”.

Biển Trường Sa tháng tư lặng như mặt gương. Ảnh: Mai Thắng

Giữa biển trời Tổ quốc, từng lời quốc ca như thấm vào máu thịt. Tôi đưa máy ảnh chụp những tấm lưng chiến sĩ đẫm mồ hôi, những ánh mắt xúc động rưng rưng của các nữ văn công lần đầu tiên chào cờ giữa Trường Sa nắng gió.

Xúc động nhất là giây phút nghe 10 lời thề danh dự. Giọng Đại úy Phan Tú Trạc ở phân đội hỏa lực dõng dạc hô to: “Hi sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”... “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng - xin thề”.

Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, Thượng tá Phạm Xuân Trung chia sẻ, 10 lời thề danh dự của quân nhân mang bản chất Bộ đội Cụ Hồ. Dù bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đảo Trường Sa tổ chức thường xuyên lễ chào cờ hằng tuần và mỗi lần đoàn công tác từ đất liền ra thăm.

CBCS quần đảo Trường Sa luôn khắc sâu và ghi nhớ tinh thần của Đại tướng Lê Đức Anh trong bài phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Trường Sa ngày 7/5/1988: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của CBCS đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”; đồng thời khẳng định, CBCS các lực lượng và nhân dân toàn huyện đảo quyết tâm đoàn kết một lòng, vượt mọi khó khăn thử thách, xây dựng và phát triển huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Mai Thắng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-mot-truong-sa-thay-da-doi-thit-post475265.html