Có một thế hệ 'nói không' với internetTin khácĐẩy mạnh tuyên truyền cổng thông tin khai thác cơ sở dữ liệu đất đaiHải quan Lạng Sơn: Hỗ trợ xuất khẩu nông sản thuận lợi

Internet đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu để tra cứu, khai thác cập nhật thông tin và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân ở mọi ngõ ngách trên toàn cầu. Thế nhưng tại Đức và một số quốc gia châu Âu vẫn có nhiều người chưa từng một lần sử dụng internet vì những lý do khác nhau.Đại dịch Covid-19 khiến mô hình mua sắm qua mạng nở rộ. Ảnh: The Economic Times

Hãng thông tấn DPA mới đây dẫn số liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang của Đức (Destatis) cho biết, hiện có tới 3,8 triệu người ở nước này chưa bao giờ sử dụng internet và trong số đó, cũng có nhiều người nghĩ rằng họ có thể tiếp tục cuộc sống bình thường ngay cả khi internet không tồn tại.

Theo Destatis, khoảng 6% người Đức ở độ tuổi từ 16 đến 74 chưa bao giờ sử dụng internet. Báo cáo của Destatis cũng nhận định rằng, càng cao tuổi thì người Đức càng có xu hướng thờ ơ, thậm chí kiên quyết từ chối internet. Bằng chứng là tại Đức, hiện nay có 21% số người trong nhóm 65-74 tuổi không sử dụng internet, trong khi tỷ lệ này là 8% ở nhóm người 55-64 tuổi và 3% ở nhóm người dưới 55 tuổi.

Tại nước Đức là vậy, còn tính chung trên khắp châu Âu, tỷ lệ dân số thuộc Liên minh châu Âu (EU) không sử dụng internet trong năm 2021 cũng lên tới 8%. Mặc dù vậy có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ không sử dụng internet giữa các quốc gia ở khu vực này.

Chẳng hạn, theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), có hơn 5% dân số trong nhóm 16-74 tuổi tại Ireland, Luxembourg, Hà Lan và các quốc gia thuộc khu vực Scandinavia không sử dụng internet, trong khi tỷ lệ này ở Hy Lạp, Bulgaria và Bồ Đào Nha lần lượt là 20%, 17% và 16%.

Kết quả một cuộc khảo sát công bố vào tháng 2 vừa qua cho thấy, gần 1/4 người trên 55 tuổi ở Cộng hòa Czech hoàn toàn không sử dụng internet. Phần lớn những người này nói rằng họ không thích dùng internet vì quá phức tạp, quá đắt hoặc lo ngại về các mối đe dọa xuất hiện trên mạng. Những người còn lại thì cho rằng họ không cần internet trong cuộc sống hằng ngày.

Thống kê do Liên minh Viễn thông Quốc tế của Liên hợp quốc (ITU) đưa ra vào năm ngoái cũng cho thấy, có tới 2,9 tỷ người (tương đương 37% dân số toàn cầu) chưa bao giờ sử dụng internet và 96% trong số này hiện sống ở các quốc gia đang phát triển. “ITU sẽ làm việc với các bên liên quan nhằm bảo đảm mọi thứ được đặt đúng vị trí để kết nối 2,9 tỷ người còn lại. Chúng tôi quyết tâm bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Houlin Zhao, Tổng thư ký ITU nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Destatis đã chỉ ra một thực tế là trong hai năm trở lại đây, khi diễn ra đại dịch Covid-19, cuộc sống của những người không sử dụng internet trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Đó là bởi, rất nhiều dịch vụ được triển khai trong khoảng thời gian này đều cần tới internet, chẳng hạn như đặt lịch hẹn trực tuyến với bác sĩ hay giấy chứng nhận tiêm vaccine kỹ thuật số.

Còn theo ước tính của ITU, trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch Covid-19, số lượng người sử dụng internet trên toàn cầu tăng hơn 10% và đây là mức tăng hằng năm cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Như giải thích của ITU, việc áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa trường học cộng với nhu cầu tiếp cận các dịch vụ như ngân hàng từ xa là những nguyên nhân dẫn tới thay đổi.

Tuy nhiên, tờ The Guardian (Anh) nhận định, sự tăng trưởng này đang diễn ra không đồng đều và việc truy cập internet ở các nước nghèo thường khó khăn hơn. Ước tính gần 3/4 số người chưa bao giờ truy cập internet hiện sinh sống ở 46 quốc gia kém phát triển nhất thế giới. Ngoài ra, những người trẻ tuổi, nam giới và cư dân tại các đô thị lớn cũng có xu hướng dùng internet nhiều hơn so với những người cao tuổi, phụ nữ và cư dân ở khu vực nông thôn.

Thật khó tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu một tháng, một tuần hay thậm chí một ngày, chúng ta không có internet. Song đó lại là cuộc sống hiện tại của hàng tỷ người và điều này góp phần tạo nên một thế hệ “nói không” với internet ngay trong thế giới hiện đại.

Theo Quandoinhandan

ĐẶNG DŨNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/494619-co-mot-the-he-noi-khong-voi-internet.html