Có một gia đình như thế

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đã có hàng triệu người con ngã xuống, lấy máu đào tô thắm màu cờ Tổ quốc. Nhiều gia đình đã hiến trọn cho đất nước những người con trai vào chiến trường, ngày hòa bình có người mãi mãi không trở về. Gia đình Cựu chiến binh (CCB) Điện Biên Phủ Nguyễn Văn La, tổ 4, phường Mỹ Lâm (thành phố Tuyên Quang) là một gia đình như thế.

4 người con trai đều là chiến sỹ

Tiết trời oi bức đầu hè như dịu lại khi chúng tôi được thưởng thức ly trà xanh mát của ông Nguyễn Văn La rót mời khách. Năm nay ông La đã ngoài 90 nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn, tinh tường.

CCB Nguyễn Văn La chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên nhà.

Cha mẹ ông sinh được 5 người con, trong đó có 4 người con trai đều là chiến sỹ. Ông La và anh trai Nguyễn Văn Tẩy là chiến sỹ Điện Biên. Dưới ông là 2 em Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Văn Nguyên cũng là bộ đội chống Mỹ và đều hy sinh. Cha và mẹ ông La cũng là những người từng trực tiếp tham gia các hoạt động cách mạng trong kháng chiến và được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Đặc biệt, mẹ ông - cụ Tạ Thị Lụa - đã được Chủ tịch nước truy tặng Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Sự ghi công của Đảng, Nhà nước và Nhân dân là niềm tự hào thiêng liêng của gia đình.

Trong căn nhà thờ ấm áp của gia đình ông Nguyễn Văn La là những huân chương, chứng nhận, huy hiệu của Đảng, Nhà nước trao tặng bố mẹ, anh em và vợ chồng ông được ông bà treo trang trọng. Những tấm huân chương của các bậc tiền bối tựa như một lời nhắc nhở con cháu ông luôn ghi nhớ và phát huy truyền thống gia đình cách mạng.

Tự hào là người lính

Trong niềm xúc động chờ đón ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn La, CCB Sư đoàn 351 pháo binh, tham gia chiến dịch Điện Biên bồi hồi nhớ lại: quê ông ở Việt Trì (Phú Thọ). Năm 1951, chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông lúc ấy 20 tuổi được gọi vào bộ đội và biên chế vào Tiểu đoàn Phú Thọ tăng cường cho Sư đoàn 351 pháo binh. Đây là một trong những đơn vị hỏa lực chủ công của mặt trận.

Trong Chiến dịch Điện Biên phủ, đơn vị ông được giao nhiệm vụ vận chuyển đạn dược do các đội dân công hỏa tuyến hoặc thanh niên xung phong tập kết gần mặt trận đến các đơn vị chiến đấu của Sư đoàn. Theo lệnh điều động của chỉ huy đơn vị, ông và đồng đội của mình đã đội mưa, đạp rừng để mang những lô đạn pháo đến các trận địa. Cứ mỗi lần nghe tiếng pháo ta khai hỏa từ đâu đó bắn vào các cứ điểm địch là một lần tim các chiến sỹ tải đạn như ông lại rạo rực ngóng chờ chiến thắng.

Ông Nguyễn Văn La cùng các con cháu.

Ông La chia sẻ: “Những ngày bộ đội ta bước vào cuộc tổng tấn công trên toàn mặt trận tập đoàn cứ điểm quân sự Điện Biên Phủ đầu tháng 5 năm 1954, một số người lính tải đạn, trong đó có tôi còn được trang bị thêm một khẩu tiểu liên Sten để sẵn sàng đánh bộ binh địch khi đội hình ta tiến sát trận địa của chúng. Sáng ngày mùng 7-5-1954, sau khi quả bộc phá gần 1.000 kg của ta nổ vang trên Đồi A1 và tiếng hô “Xung phong” của bộ đội vang dậy khắp cánh đồng Mường Thanh. Khi được chỉ huy đơn vị báo tin bộ đội ta đã giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ, tất cả chúng tôi sung sướng, mừng vui không tả xiết, nhiều chiến sỹ đã nhảy cẫng lên ôm nhau reo hò.

Ngay sau phút giây chiến thắng, các đơn vị khẩn trương củng cố lại đội hình, bộ phận thì tăng cường vào thu dọn chiến trường, bộ phận thì được điều động đi nhận ngay các nhiệm vụ mới. Tôi được biên chế vào bộ phận tham gia dẫn giải một phần tù binh địch di chuyển về hướng tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, sau đó tôi tiếp tục được cùng đơn vị tham gia 300 ngày thực thi Hiệp định Giơ ne vơ ở vùng Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh cho đến khi hết bóng quân xâm lược Pháp tại miền Bắc. Tuy vậy đi đến đâu chúng tôi cũng thấy khí thế chiến thắng Điện Biên Phủ lan tỏa khắp các nẻo đường. Có lẽ trong đời tôi không có sự kiện nào mà mình lại cảm thấy hạnh phúc, vui sướng đến vậy”.

Đám cưới đặc biệt

Trong câu chuyện kể của ông La, chúng tôi ấn tượng về một đám cưới vắng mặt chú rể. Cô dâu ở hậu phương còn chú rể vẫn còn bận đi đánh giặc ở tiền tuyến. Bà Tạ Thị Chuông, vợ ông La ngồi kế bên chồng nở nụ cười hiền hậu, tiếp lời: “Nhà tôi cùng xóm với ông ấy. Từ nhỏ anh em gặp nhau nhưng không có tình ý. Năm 1956, ông đang ở chiến trận, ở nhà bố mẹ thay ông cưới vợ. Một thời gian sau ông được về phép, gặp chồng tôi còn xấu hổ đứng nép mình ở sau cánh cửa. Sau đợt phép vài ngày, ông lại tiếp tục lên đơn vị, còn tôi ở nhà chăm bố mẹ già. Phải ngót 5 năm sau, tôi mới được lên với chồng tại Tuyên Quang. Ấy thế mà giờ đã ở với nhau ngót 70 năm”.

Ông La kể lại, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông vẫn phải ở lại đơn vị làm nhiệm vụ chưa được về. Sau năm 1961, ông chuyển ngành đi học lớp “Nông hóa, thổ nhưỡng”, rồi về xây dựng Nông trường chè Tháng 10, tiền thân của Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm ngày nay. Lúc này, vợ chồng ông mới được ở bên nhau. Cuộc sống thời bao cấp tuy nghèo khó, nhưng vợ chồng luôn yêu thương, sẻ chia, chưa bao giờ có lời nặng nhẹ. Sau những buổi làm việc ở nông trường, vợ chồng lại tất bật trồng cấy, nuôi lợn chăn gà tăng gia.

Tiếp nối truyền thống của gia đình, 3 người con của ông đều trưởng thành và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của đời sống xã hội. Con trai cả của ông, anh Nguyễn Văn Sơn đã tiếp nối truyền thống cha, chú, xung phong đi bộ đội, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Anh Sơn chia sẻ: “Tôi rất tự hào được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, đặc biệt có bác, bố là lính Điện Biên. Tiếp nối con đường binh nghiệp của bố, năm 19 tuổi tôi xung phong nhập ngũ, tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc. Sau khi ra quân, tôi về công tác tại Nông trường chè Tháng 10 đến khi nghỉ hưu. Trong quá trình học tập, công tác, tôi luôn khắc sâu lời dạy của bố: trong mọi điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững bản lĩnh, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, phấn đấu hết mình trong công việc”.

Năm nay, cả nước kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hòa cùng niềm vui chung của cả dân tộc, những ký ức năm tháng chiến đấu hào hùng ở các mặt trận vẫn luôn dội về trong trái tim người lính già Nguyễn Văn La. “Đó là một niềm tự hào, ký ức đẹp của đời tôi” - CCB Nguyễn Văn La chia sẻ.

Phóng sự: Bàn Thanh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/co-mot-gia-dinh%C2%A0nhu-the-191238.html