Cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ

Mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều giữa thành phố Hồ Chí Minh và Ấn Độ đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, nhưng hai bên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Dư địa thị trường 1,3 tỷ dân này là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp thành phố nói riêng và cả nước nói chung mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư kinh doanh.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm lương thực, thực phẩm tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa thành phố Hồ Chí Minh và Ấn Độ đạt 1,45 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2020. Hiện, Ấn Độ đứng thứ 25/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh với 179 dự án còn hiệu lực, tổng vốn gần 82 triệu USD.

Trên bình diện giữa hai quốc gia, trong 20 năm qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng lên đáng kể, lần đầu đạt mức 13,2 tỷ USD vào năm 2021, tăng 36,5% so với năm 2020. Dự kiến trong năm 2022, thương mại hai chiều giữa hai nước sẽ tiếp tục gia tăng, đạt khoảng 15 tỷ USD. Một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng rất mạnh trong thời gian gần đây gồm chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, cao-su, than đá, nhất là điện thoại di động, linh kiện điện tử.

Tính đến tháng 2/2022, Ấn Độ đứng thứ 25/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 315 dự án còn hiệu lực, tổng vốn hơn 918 triệu USD; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện và khai khoáng. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có chín dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn hơn sáu triệu USD, đứng thứ 42/78 quốc gia mà Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài. Theo các chuyên gia, hiện hai nước vẫn chưa khai thác hết thế mạnh vốn có của mình. Dư địa để hợp tác toàn diện cả về thương mại và đầu tư, nhất là ở các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghiệp hỗ trợ, thương mại điện tử, bán lẻ, nông sản còn tiềm năng rất lớn.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, mới đây, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC) phối hợp Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam lần thứ 2”. Diễn đàn đã cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp hai nước về các cơ hội hợp tác và đầu tư trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung sáu lĩnh vực quan trọng: Kỹ thuật, công nghiệp hỗ trợ, kỹ thuật số, thương mại điện tử, bán lẻ, nông sản.

Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, cho biết, là hai trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, sự hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Từ 200 triệu USD ít ỏi vào năm 2000, thương mại song phương hằng năm giữa hai nước đã liên tục đạt hơn 10 tỷ USD trong vài năm qua. Khi cả Ấn Độ và Việt Nam đang thoát ra khỏi cái bóng của Covid-19 và tập trung vào phục hồi kinh tế nhanh chóng, đây là thời điểm hoàn hảo để hai nước tập trung xác định con đường phía trước, nâng cao mức độ quan hệ hợp tác kinh tế. Covid-19 đã mang lại những gián đoạn, nhưng nó cũng mở ra những cơ hội mới. Hai nước cần phải làm nhiều hơn nữa để xây dựng, kết nối và những năm tới đây hứa hẹn cho sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước bền chặt hơn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, hai năm qua, thế giới đã trải qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; với những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam và Ấn Độ đã dần kiểm soát dịch bệnh, mở cửa trở lại và đang từng bước khôi phục kinh tế. Thành phố đã xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2025, trong đó giai đoạn phục hồi bắt đầu từ nay đến hết năm 2022 và giai đoạn phát triển là từ năm 2023 đến năm 2025. Năm 2022 được xem là năm hết sức quan trọng, đặt tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Để đạt được mục tiêu hồi phục kinh tế, chính quyền thành phố cần sự chung tay tiếp sức từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, bao gồm cả cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động lên sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Với những lợi thế cạnh tranh của riêng mình, cả Việt Nam và Ấn Độ hiện đang nằm trong trung tâm của sự dịch chuyển này. Điều này thể hiện ở thực tế cả hai nước đều đang nhận được nguồn đầu tư nước ngoài lớn, mở ra cơ hội cùng đón đầu giai đoạn phục hồi kinh tế sau Covid-19, tạo ưu thế cho cả hai quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/co-hoi-xuat-khau-hang-hoa-sang-an-do-691549/