Cơ hội và thách thức trên đường hướng đến Net Zero

Hướng đến giảm phát thải ròng về bằng không (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam, doanh nghiệp muốn tham gia thị trường toàn cầu cần có lộ trình giảm phát thải carbon cụ thể.

Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia phiên thảo luận tại sự kiện. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Việt Nam cam kết về giảm phát thải ròng về bằng không (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), đã trở thành dấu mốc tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế xanh, đòi hỏi doanh nghiệp chủ động nắm bắt xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam.

Đồng thời, tham gia tiến trình Net Zero không chỉ có cơ hội, mà còn tiềm ẩn nhiều thách thức đối với cả quốc gia và doanh nghiệp.

Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn kinh tế xanh 2023: Net Zero - Đường đến phát bền vững, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18/8.

Theo các chuyên gia, cuộc đua hướng đến Net Zero vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp; trong đó những doanh nghiệp nào sớm cam kết sẽ hưởng lợi thế của đơn vị tiên phong. Ngoài ra, doanh nghiệp kịp thời định vị thương hiệu trước xu hướng thay đổi của người tiêu dùng sẽ khai thác được tiềm năng đa dạng thị trường, nhất là đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân và người tiêu dùng cũng sẽ thúc đẩy tạo ra làn sóng phát triển kinh tế xanh và xây dựng nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh. Vì vậy, Chính phủ, địa phương cần có cơ chế chính sách đổi mới và sáng tạo mang tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, gia tăng nhận thức cộng đồng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Giáo sư. Tiến sĩ. Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của tổ chức phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Liên quan đến Net Zero, Giáo sư, Tiến sĩ Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của tổ chức phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phân tích, chuyển đổi trong lĩnh vực năng lượng, ứng dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng... là một trong những vấn đề quan trọng.

Muốn thực hiện được sự chuyển đổi này, thì cả nền kinh tế quốc gia và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần giải pháp công nghệ, sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo... đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Trong khi đó, ông Hà Đăng Sơn, Phó Giám đốc kỹ thuật chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) của USAID cho rằng, cần nhìn nhận phát triển năng lượng tái tạo là một cơ hội, nhưng cơ hội chỉ đến khi có cơ chế chính sách thúc đẩy như phối hợp trong và ngoài nước.

Mỗi quốc gia phải có kế hoạch dài hạn, riêng đối với Việt Nam nên đẩy mạnh những mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với thị trường năng lượng tái tạo và mục tiêu tăng trưởng xanh.

Hiện nay, nhiều ngân hàng, tổ chức trong và ngoài nước có những cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh, nhưng làm sao tận dụng nguồn vốn này phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi xanh tại Việt Nam là vấn đề không chỉ của doanh nghiệp, mà đòi hỏi sự hỗ trợ của bộ, ngành.

Bởi nhà đầu tư khi đầu tư vào thị trường nào, hay doanh nghiệp nào thì luôn hướng đến kế hoạch dài hạn, nên cơ chế chính sách phải đảm bảo độ tin cậy và tạo được niềm tin cho họ.

Điển hình, Chính phủ các nước đã sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế chính sách, khuyến khích sự tham gia của tất cả các bên trong chia sẻ trách nhiệm, cũng như lợi ích vì nền kinh tế xanh. Làm sao chuyển biến mục tiêu Net Zero thành những định hướng, thu hút đa dạng thành phần trong xã hội tham gia triển khai mục tiêu Net Zero, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tài chính... cũng là vấn đề quan trọng đối với quốc gia hướng đến Net Zero.

Hiện nay, mục tiêu Net Zero không còn dừng lại ở lợi ích và sự hứng khởi, mà là yêu cầu cấp thiết của phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thị hiếu tiêu dùng... Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm hợp tác nhà đầu tư, thu hút nguồn vốn chảy vào dự án chuyển đổi xanh, năng lượng sạch, hạ tầng năng lượng...

Ở góc doanh nghiệp, ông Tan Boon Thor, Giám đốc khối bất động sản thương mại và quản lý thiết kế, Công ty Frasers Property Vietnam chia sẻ, khi doanh nghiệp đưa ra những cam kết thì cần hiện thực hóa và đảm bảo hoàn thành mục tiêu với những chứng nhận của địa phương hoặc quốc tế. Bởi chính những chứng nhận cho cam kết phát triển bền vững, tăng trưởng xanh sẽ minh chứng cho hành trình doanh nghiệp hướng đến Net Zero.

Còn bà Lâm Tố Trinh, Phó Tổng giám đốc sáng tạo đổi mới và phát triển kinh doanh, Công ty NS BlueScope Việt Nam chỉ ra rằng, doanh nghiệp muốn tham gia thị trường toàn cầu thì cần có lộ trình giảm phát thải carbon cụ thể, nên NS BlueScope Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ tiến đến Net Zero năm 2050.

Cùng với đó, doanh nghiệp bám sát những định hướng của Chính phủ Việt Nam về cam kết Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).

Hướng đến Net Zero, tại doanh nghiệp đặt ra những mục tiêu cho từng giai đoạn theo thời gian, triển khai quy trình đến từng khâu, ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng... và lan tỏa nhận thức Net Zero trong quản trị doanh nghiệp, nhà cung cấp, người lao động... Khi muốn chuyển đổi xanh, doanh nghiệp phải đến từ ý muốn của Ban lãnh đạo, đồng hành của người lao động; đồng thời muốn dẫn đầu thì phải dấn thân tiên phong trong xu hướng Net Zero.

Về phía địa phương, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã ban hành chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xanh thông qua xây dựng thể chế chính sách chuyển đổi xanh ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Cơ chế chính sách của Tp. Hồ Chí Minh tập trung một số lĩnh vực, gồm: năng lượng, công nghệ, sản xuất... và doanh nghiệp là đối tượng trung tâm được hỗ trợ phát triển.

Mặt khác, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh chú trọng thúc đẩy xây dựng hạ tầng đô thị xanh, nguồn nhân lực xanh... thông qua học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình quốc tế và cơ chế thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Tp. Hồ Chí Minh sẽ dành nguồn lực và huy động nguồn lực xã hội hóa, nhằm chung tay cùng chính phủ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đồng hành doanh nghiệp... Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh đã chọn Cần Giờ là địa phương thí điểm chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, giảm phát thải carbon.../.

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-hoi-va-thach-thuc-tren-duong-huong-den-net-zero/303489.html