Cơ hội phát triển ngành du lịch tỉnh Trà Vinh

Ngày 29/3, tại thành phố Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo 'Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch ĐBSCL'. Dịp này, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công bố và trao quyết định công nhận mới và tái công nhận 04 điểm du lịch tiêu biểu khu vực ĐBSCL năm 2024; trong đó, tỉnh Trà Vinh có 02 điểm: du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô và Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh, nâng tổng số đến nay Trà Vinh có 06 điểm du lịch tiêu biểu cấp khu vực được công nhận, mở ra cơ hội phát triển cho ngành du lịch tỉnh nhà.

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh.

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer

Đây là đơn vị trực thuộc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh, là địa chỉ nghiên cứu vănhóa, trưng bày, giới thiệu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer với cộng đồng các dân tộc cả nước và các nước trên thế giới.

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh có cảnh quan, môi trường xanh, sạch, thân thiện, an toàn, diện tích rộng trên 10.000m2, tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh. Bảo tàng nằm trong quần thể Khu Văn hóa - Du lịch, liên hoàn với Di tích danh thắng ao Bà Om, Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Âng. Đây chính là địa chỉ rất thuận tiện cho học sinh, sinh viên, người nghiên cứu văn hóa dân tộc và khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu.

Bảo tàng hiện có 05 phòng trưng bày và khu trưng bày Ghe ngo… được trưng bày theo các chủ đề khác nhau với hơn 13.000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu phản ánh đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer Trà Vinh, từ truyền thống đến đương đại. Tại đây, khách tham quan có dịp tìm hiểu một cách khái quát về các giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán độc đáo của đồng bào Khmer.

Khách quốc tế tham quan Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh.

Đồng chí Lê Thành Vinh, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Trà Vinh cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện phương án bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Về khai thác du lịch, đơn vị tăng cường khai thác các loại hình du lịch như: tham quan, nghiên cứu về lịch sử hình thành, phát triển của nền văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh. Đồng thời liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch trong việc quảng bá về giá trị của bảo tàng để thu hút du khách.

Điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô

Đây còn được gọi là cồn Cá Hô, được đưa vào khai thác du lịch từ tháng 10/2020, có địa chỉ tại ấp Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long. Cồn Hô hiện có diện tích khoảng 25ha với 21 hộ dân (trên 60 nhân khẩu) sinh sống.

Cồn Hô được bao bọc bởi sông Cổ Chiên, với đặc điểm lưu vực chảy từ sông ra biển, được thiên nhiên ban tặng lợi thế về tài nguyên phù sa, hệ sinh thái đa dạng, phong phú với các vườn cây trái sum suê, cùng hệ thực vật phong phú rất phù hợp để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm dựa vào cộng đồng.

Du khách trải nghiệm dịch vụ ngâm chân vào thảo dược tại điểm du lịch sinh thái Cồn Hô.

Hiện tại, nơi đây vẫn thường được gọi là “ốc đảo” do địa hình tách biệt đất liền. Đến đây du khách sẽ được trải nghiệm không gian sống đúng chất. Một cù lao không có điện, nơi chỉ có vườn cây ăn trái cùng những con người hiền hòa, mến khách. Các sản phẩm, dịch vụ chủ yếu phục vụ du khách là nguyên liệu từ vườn nhà, do chủ nhà chế biến theo mô hình du lịch “tự thân”.

Khi du khách khi đến đây sẽ bắt gặp lại những hình ảnh xa xưa của nông thôn miền Tây với hình ảnh những chiếc đèn dầu. Du khách sẽ được thưởng thức trà hoa đậu biếc, đậu phộng luộc; trải nghiệm ngâm chân thảo dược, chèo xuồng ba lá, câu cá, xem quy trình nấu rượu truyền thống, cảm nhận nhịp sống bình yên, thưởng thức các món chè bưởi, mứt bưởi, mứt dừa… và thưởng thức ẩm thực dân gian đặc sắc của Cồn Hô.

Ông Huỳnh Văn Nguyên, Tổ trưởng Tổ hợp tác, quản lý Điểm du lịch sinh thái Cồn Hô cho biết, từ khi ra mắt đến nay, người dân Cồn Hô đã đón tiếp trên 6.600 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Trong đó, chủ yếu là khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, đặc biệt có trên 1.500 lượt khách quốc tế. Ước doanh thu từ các hộ dân làm các dịch vụ du lịch được hơn 2,4 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 20 - 25% góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Ông Huỳnh Văn Nguyên cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện bộ máy tổ chức điều hành, gắn với việc các bộ phận chuyên môn được hình thành để phát huy hiệu quả điểm du lịch. Bên cạnh, Tổ sẽ vận động các hộ dân tham gia thêm với nhiều hoạt động gắn với văn hóa địa phương để tạo thêm dịch vụ cho khách tham quan. Đồng thời, sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn để nâng cao kỹ năng, tay nghề cho lao động phục vụ du lịch và đưa đội văn nghệ địa phương vào phục vụ, giao lưu trong chương trình tham quan…

Bài, ảnh: BÁ THI

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/co-hoi-phat-trien-nganh-du-lich-tinh-tra-vinh-36097.html