Cơ hội phát triển cho vùng đất 'địa linh, nhân kiệt'

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc TX. Gò Công và thành lập TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang vào ngày 19-3 đã mở ra một chương mới cho vùng đất 'địa linh, nhân kiệt' này.Với bề dày lịch sử cùng với những lợi thế, tiềm năng hiện hữu, TP. Gò Công chắc chắn còn rất nhiều 'dư địa' để phát triển, xứng đáng là đô thị hạt nhân phía Đông của tỉnh.BỀ DÀY LỊCH SỬ

TX. Gò Công, nay là TP. Gò Công, đã trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử. Đây là vùng đất được khai phá khoảng thế kỷ XVII, XVIII dưới thời các triều Nguyễn. Hiện nay, TX. Gò Công là đô thị hạt nhân Vùng kinh tế - đô thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang, với ba hướng giao lưu kinh tế; phía Bắc là điểm trung chuyển quan trọng của tuyến giao thông nối liền Tiền Giang với TP. Hồ Chí Minh.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 19-3.

Thị xã có khoảng 102 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 151.937 người. Với vị trí là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Tiền Giang, nằm trong trục hành lang kinh tế phía Tây Nam của vùng TP. Hồ Chí Minh, TX. Gò Công là trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử, thương mại - dịch vụ và nghiên cứu khoa học chuyên sâu về chế biến nông sản của vùng; đồng thời là cửa ngõ kết nối vùng TP. Hồ Chí Minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên địa bàn thị xã có Quốc lộ 50 chạy qua nối với TP. Mỹ Tho, tỉnh Long An và TP. Hồ Chí Minh; cùng với các đường tỉnh: 862, 871, 871B, 871C, 873, 873B, 877 kết nối thị xã với các đô thị trong tỉnh. Đây là ưu thế quan trọng của TX. Gò Công đối với các tỉnh, thành trong khu vực.

Những thuận lợi về vị trí, hệ thống giao thông đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho thị xã vận chuyển hàng hóa; giao lưu và hội nhập kinh tế - xã hội với các địa phương trong và ngoài tỉnh. TX. Gò Công được thành lập theo Quyết định 37 ngày 16-2-1987 của Hội đồng Bộ trưởng. Ngày 25-4-2017, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 368 công nhận TX. Gò Công là đô thị loại III.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TX. Gò Công đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, địa phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020, được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận đạt chuẩn Văn minh đô thị giai đoạn 2016 - 2020.

Thời gian qua, TX. Gò Công đã tập trung huy động mọi nguồn lực, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương của Trung ương, của tỉnh để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định theo cơ cấu: Thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.

Nhờ đó, nhiều công trình, dự án đã triển khai đi vào hoạt động, mang dấu ấn và hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, như: Đường và khu dân cư hai bên đường Trương Định nối dài, Trường Mầm non Hoa Lan, bờ kè kinh Salicette, đường và khu dân cư hai bên đường Nguyễn Trãi nối dài, cầu Nguyễn Trọng Dân, cầu Bình Xuân, đường và khu dân cư hai bên đường Nguyễn Trọng Dân nối dài, sân vận động, hồ bơi thị xã... đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị và tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Với sự phát triển rất nhanh về kinh tế - xã hội, trên địa bàn thị xã còn có các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch xây dựng và phát triển như: Khu công nghiệp Bình Đông, Cụm công nghiệp Mỹ Lợi... đã tạo ra nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 5,8%, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến cuối năm 2023 còn 0,43%. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng, các cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, hệ thống điện, cấp nước, viễn thông được đầu tư khá đồng bộ.

Tuy nhiên, từ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị trên địa bàn TX. Gò Công những năm gần đây đã làm nảy sinh những khó khăn, phức tạp trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Sự phát triển của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, tốc độ đô thị hóa nhanh trong thời gian qua đã nảy sinh nhiều tác động xã hội phải tập trung giải quyết kịp thời, như: Quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên đất, thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện nước, nhà ở xã hội.. và quản lý về kinh tế - xã hội như giáo dục, y tế, thương mại, du lịch, hộ khẩu, nhân khẩu, an ninh trật tự, các tệ nạn xã hội. Do đó, việc thành lập TP. Gò Công là nhu cầu khách quan, nhằm giải quyết những bất cập do sự phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hiện nay.

NHIỀU DƯ ĐỊA PHÁT TRIỂN

Xác định vị thế quan trọng của TX. Gò Công, ngày 27-4-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 12 về lãnh đạo xây dựng TX. Gò Công trở thành TP. Gò Công. Để cụ thể hóa chủ trương này, ngày 9-6-2022 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành Chương trình hành động 13 để thực hiện Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với mục tiêu xây dựng và phát triển TX. Gò Công thành TP. Gò Công trước năm 2025 để xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, dịch vụ và du lịch của khu vực phía Đông tỉnh Tiền Giang.

Đô thị Gò Công ngày càng khang trang, hiện đại.

Đồng thời, TX. Gò Công thể hiện vai trò là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng chung của tỉnh; đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; có hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, văn minh, hiện đại, có môi trường đô thị xanh - sạch - đẹp; gắn phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Và hiện nay, mục tiêu lên thành phố của TX. Gò Công đã trở thành hiện thực.

Việc thành lập TP. Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của TX. Gò Công là phù hợp với các quy định hiện hành, hoàn toàn tương xứng với vị thế địa chính trị, địa kinh tế của TX. Gò Công, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang đến năm 2035 của UBND tỉnh Tiền Giang.

Đây sẽ là hạt nhân tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa của đô thị Gò Công, với vai trò là đô thị hạt nhân Vùng kinh tế - đô thị phía Đông tỉnh Tiền Giang, từ đó hình thành và phát triển hệ thống đô thị của tỉnh Tiền Giang và vùng TP. Hồ Chí Minh.

TP. Gò Công được thành lập sẽ tạo điều kiện khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh phát triển vùng đất Gò Công phù hợp với phát triển đô thị Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - thương mại và du lịch, trọng tâm là du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn; xây dựng nếp sống văn minh đô thị và công dân thân thiện; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong chặng đường sắp tới chắc chắn TP. Gò Công còn nhiều việc phải làm. Một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế là phấn đấu tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo cơ cấu kinh tế “thương mại - dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp”; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tập trung thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ gắn với phát triển công nghiệp, chỉnh trang đô thị…

Một trong những điểm nhấn đặc biệt, dựa trên những lợi thế hiện hữu, trong định hướng phát triển, TP. Gò Công cũng sẽ tập trung thu hút các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp nằm dọc theo Quốc lộ 50 và sông Soài Rạp như: Khu công nghiệp Bình Đông, Cụm công nghiệp Mỹ Lợi…

Ngoài ra, trong chặng đường sắp tới, TP. Gò Công còn mời gọi các dự án lĩnh vực giao thông và khu dân cư trong khu vực lân cận nội thị, phát triển cơ sở hạ tầng để đạt tiêu chuẩn thành phố như: Dự án Đường và khu dân cư hai bên Vành đai phía Đông đoạn 1; đường và khu dân cư hai bên Vành đai phía Đông đoạn 2; đường và khu dân cư hai bên Vành đai phía Đông đoạn 3; đường và khu dân cư hai bên đường kinh bến xe; khu dân cư Long Thuận 1; khu dân cư Long Thuận 2; khu đô thị Nguyễn Trọng Hợp, khu nhà ở thương mại - dịch vụ Bình Đông…; đồng thời, chú trọng những giải pháp cơ bản cho đột phá về hạ tầng giao thông, trong đó có đường tỉnh 873 và đường Vành đai phía Đông.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ đầu tư hoặc mời gọi đầu tư nhà máy chế biến trái cây; hình thành các khu, cụm công nghiệp; đồng thời, còn tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và định hướng phát triển không gian đô thị theo hướng bền vững để xứng tầm là đô thị hạt nhân Vùng kinh tế - đô thị phía Đông của tỉnh…

A.P

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202403/su-kien-tx-go-cong-len-thanh-pho-co-hoi-phat-trien-cho-vung-dat-dia-linh-nhan-kiet-1006061/