Cơ hội nào cho phim lịch sử?

Phim Huyền sử vua Đinh để lại một bài học điện ảnh trong năm cũ. Nguồn: NSX

Trong bối cảnh nhiều bộ phim được sản xuất vội vàng và trở thành “thảm họa phim Việt” thì đề tài lịch sử trên màn ảnh cũng là một mối quan tâm của công chúng. Liệu giữa trào lưu phim hài nhảm đang chiếm ưu thế, có cơ hội nào cho phim lịch sử không?

Bài học từ Huyền sử vua Đinh

Một câu chuyện đáng chú ý trong năm 2022 vừa qua: Bộ phim lịch sử Huyền sử vua Đinh sau 10 ngày trình chiếu ở các rạp, chỉ thu được 42 triệu đồng, phải chấp nhận thất bại trước công chúng đang dần khắt khe hơn.

Phim lịch sử chưa bao giờ dễ làm với những nhà điện ảnh thường thường bậc trung. Sự thất bại về doanh thu của phim lịch sử Huyền sử vua Đinh hoàn toàn không nằm ngoài tiên liệu của những người quan tâm đến nghệ thuật thứ bảy nước nhà. Tuy nhiên, sự thất bại trước công chúng của Huyền sử vua Đinh một lần nữa cho thấy những đơn vị đầu tư cần lượng sức mình và Việt Nam cần có chiến lược hỗ trợ để phát triển phim lịch sử.

Huyền sử vua Đinh được Cục Điện ảnh cấp giấy phép phổ biến, sau một lần phải chỉnh sửa theo yêu cầu của cơ quan thẩm định và bị ràng buộc thêm một điều kiện “không phổ biến đến khán giả ở độ tuổi dưới 16”. Giấy phép phổ biến dành cho Huyền sử vua Đinh ghi rõ: “Bộ phim mở đầu bằng việc Đinh Bộ Lĩnh dập tắt nội loạn, ổn định gia tộc. Sau đó, người lần lượt kết minh, chiêu hàng hoặc tiêu diệt các sứ quân khác. Những màn đấu trí, đấu dũng, đấu mưu gay cấn cùng những pha ám sát, phục kích đầy bất ngờ, lột tả hết những khó khăn trong quá trình dẹp loạn 12 sứ quân, từ đó khắc họa hình ảnh vua Đinh đầy tài năng và mưu lược”.

Trái ngược với đánh giá của Cục Điện ảnh, Huyền sử vua Đinh khi ra rạp đã bị khán giả chê bai tơi tả. Bộ phim có dung lượng 78 phút này phơi bày sự yếu kém cả về phục trang, bối cảnh lẫn những pha hành động. Giữ cả hai vai trò biên kịch và đạo diễn, Anthony Võ (Võ Huy Cường) không quán xuyến được các tình tiết dễ dãi và khiên cưỡng. Chỉ thu được 42 triệu đồng sau 10 ngày công chiếu, Huyền sử vua Đinh trở thành một trong những bộ phim có doanh thu thấp nhất từ trước đến nay. Đạo diễn Anthony cay đắng thừa nhận: “Tôi rút ra kinh nghiệm đó là không nên tin tưởng vào bất cứ lời hứa hẹn của đơn vị nào khi đưa phim ra rạp”.

Chất lượng nghệ thuật của Huyền sử vua Đinh giống như phim chiếu mạng hơn là phim chiếu rạp, cũng là câu chuyện phải trăn trở về phim lịch sử. Đạo diễn Anthony Võ không phải không có lý khi biện hộ: “Tôi luôn cố gắng tận dụng những gì mình đang có để xây dựng bộ phim tốt nhất có thể. Bên cạnh khó khăn về kinh phí, đề tài phim kén người xem là vấn đề giấy phép phát hành và kiểm duyệt. Phim phải chú ý từ tạo hình nhân vật, các cột mốc lịch sử cho tới từng lời thoại… Khó khăn nhất vẫn là làm thế nào có một bộ phim sử thi thuần Việt, người xem không phải thốt lên như đang xem phim Trung Quốc”.

Không dành cho những nhà sản xuất nghiệp dư

Phim lịch sử không dành cho những nhà sản xuất nghiệp dư. Phim lịch sử không dành cho những nhà sản xuất ham vui, xem màn ảnh như một cuộc dạo chơi xiêm áo lộng lẫy, hoặc những nhà sản xuất hồn nhiên xem công chúng như đối tượng nhàn rỗi học cách chi tiêu mát mẻ. Dù không đua chen thị hiếu như phim hài nhảm hay phim kinh dị, nhưng phim lịch sử không phải đề tài kén khán giả. Áp lực lớn nhất của phim lịch sử chính là kinh phí. Càng làm chỉn chu thì càng tốn kém cho bối cảnh, phục trang, máy móc, diễn viên quần chúng ở các đại cảnh...

Làm phim lịch sử rất dễ thâm hụt, nếu không có một tổng giám chế đủ tầm bao quát. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, các nhà làm phim thường áp dụng chung công thức cũ kỹ cho nên phim na ná nhau. Dân tộc ta là cái nôi của nhiều đề tài hấp dẫn, vô số câu chuyện lịch sử độc đáo, xúc động, nhân văn..., nhưng khi lên màn ảnh, cách kể của từng phim vẫn thiếu cá tính, thiếu sự hấp dẫn và đổi mới cần thiết để tạo dấu ấn mạnh mẽ. Không ít nhà làm phim đi theo lối mòn, quen với quy trình làm phim theo kế hoạch được đầu tư, khai thác lại những câu chuyện đã được xã hội tiếp nhận. Chưa kể, phim về lịch sử thường được đặt hàng cho nên nhiều bộ phim làm gọi là cho xong, thiếu sự quan tâm, nghiên cứu kỹ và đầy đủ từ lịch sử đến văn hóa, khán giả...

Kinh nghiệm về phim lịch sử từ các nước cho thấy không quá đắn đo giữa chính sử và huyền sử. Nhiều phim lịch sử của Trung Quốc hoặc Hàn Quốc lôi cuốn khán giả luôn xóa nhòa hai khái niệm này. Tác phẩm nghệ thuật tái hiện lịch sử bằng thái độ trân trọng lịch sử, chứ không phải bằng nguyên tắc sao chép lịch sử. Những nghệ sĩ Việt Nam đều e ngại làm phim lịch sử vì sợ yếu tố phân định đúng - sai thì không thể có tác phẩm rung động người xem.

TUY HÒA

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/292442/co-hoi-nao-cho-phim-lich-su.html