Cơ hội để tự chủ sản xuất công nghiệp

Thời gian qua, tác động của dịch COVID-19 đã làm bộc lộc những điểm yếu của ngành công nghiệp địa phương cũng như phạm vi cả nước. Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu nguồn cung ứng nguyên vật liệu đã làm cho các Công ty sản xuất công nghiệp phải sản xuất cầm chừng. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực thì đây chính là cơ hội để ngành công nghiệp nhìn nhận lại thực lực của mình và hướng đến tự chủ trong sản xuất.

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công.

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công.

Tập đoàn Thành Công liên tục nhiều năm liền là đơn vị có số nộp ngân sách lớn nhất tỉnh. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng doanh thu công nghiệp vẫn đạt 25.301,7 tỷ đồng, chiếm gần 40% số doanh thu của tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN). Tập đoàn đã nộp ngân sách 10.356,0 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa 7.472,3 tỷ đồng và thuế xuất nhập khẩu 2.883,7 tỷ đồng, chiếm 89,2% số nộp ngân sách của lĩnh vực công nghiệp ô tô; chiếm 82,28% số nộp ngân sách của các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn toàn tỉnh. Tính bình quân 1ha đất của Tập đoàn Thành Công đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 235 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 575 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tư có hiệu quả cao nhất trong các KCN trên địa bàn tỉnh.

Sự có mặt của Nhà máy Hyundai Thành Công tại Ninh Bình đã thu hút hàng loạt các dự án công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ ô tô. Theo thống kê của các ngành chức năng đến nay toàn tỉnh đã thu hút được 26 dự án lĩnh vực công nghiệp sản xuất, lắp ráp và phụ trợ ô tô. Trong đó, các KCN thu hút được 12 dự án với tổng vốn đầu tư 13.706 tỷ đồng; diện tích thuê đất là 127,5 ha; doanh thu năm 2020 là 26.720,1 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước là 11.609,3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3.774 lao động, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Đối với các CNN, đến nay đã thu hút 14 dự án với tổng vốn đầu tư 3.066,95 tỷ đồng; diện tích thuê đất 31,95 ha, doanh thu năm 2020 là 484,39 tỷ đồng; nộp ngân sách 35,24 tỷ đồng; tạo việc làm cho 679 lao động.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các nguyên liệu sản xuất, lắp ráp của Nhà máy Hyundai Thành Công đều được nhập khẩu từ các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc... do vậy khi ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nguyên phụ liệu sản xuất bị thiếu hụt, các nhà máy sản xuất các mẫu xe có thời điểm phải cắt giảm đến 20% công suất. Hậu quả là Công ty vừa thiếu hàng để bán ra thị trường, vừa bị tồn kho các linh kiện khác nhập về không đưa được vào sản xuất.

Ông Trần Mạnh Hiển, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào do khó khăn trong khâu nhập khẩu thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ "đứt gãy" chuỗi sản xuất. Nguyên nhân do dịch bệnh bùng phát ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc…. nên hạn chế việc xuất nhập khẩu các nguyên vật liệu, nhất là linh kiện điện tử để sản xuất tai nghe điện thoại, chất bán dẫn để sản xuất, lắp ráp ô tô khan hiếm… Thực trạng này cho thấy đã đến lúc cần những giải pháp cấp bách và đồng bộ hơn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tự chủ sản xuất, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào thị trường thế giới.

Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành cũng như UBND tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhưng đến nay, các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh mới chỉ thu hút được 47 dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó có 26 dự án công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp ô tô; 13 lĩnh vực công nghiệp điện tử, 1 dự án lĩnh vực may mặc, 7 dự án lĩnh vực cơ khí .

Tuy nhiên, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong dây chuyền sản xuất tại các công ty trong tỉnh. Hiện nay ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may; da giày; sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử...

Chính vì vậy, khi dịch COVID-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh kiện, phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... các ngành công nghiệp trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo các yếu tố đầu vào cho sản xuất. Phải đến khi các quốc gia nêu trên đã qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất mới được phục hồi.

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng sự tác động của dịch COVID-19 đến các ngành sản xuất công nghiệp trong tỉnh cho thấy điểm yếu lớn nhất của chúng ta là nội lực của ngành sản xuất hạn chế do phụ thuộc phần lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển khiến cho các doanh nghiệp không tự chủ được yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng "đứt gãy chuỗi sản xuất". Bên cạnh đó, tình trạng nhập siêu kéo dài nhiều năm nay cũng đã làm cho giá trị gia tăng của ngành sản xuất công nghiệp ở mức thấp.

Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt yêu cầu về quy mô, chất lượng chiếm tỷ lệ nhỏ, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, bộ, ngành và địa phương.

Theo ông Hoàng Trung Kiên, mục tiêu quan trọng nhất lúc này chính là thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó xác định trọng tâm ưu tiên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Sở Công Thương cũng đã xác định phải tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết trong nước để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, điện tử… theo hướng bền vững, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác như hiện nay.

Tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI vào phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh... Để đẩy mạnh Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương cũng ban hành văn bản đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển doanh nghiệp và các chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh phát triển, nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

Bên cạnh đó, tập trung các nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh thành một trong các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh, trong đó đặc biệt ưu tiên thu hút vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và điện tử.

Các hoạt động chính cần triển khai như: Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng và tổ chức chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ...

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/co-hoi-de-tu-chu-san-xuat-cong-nghiep/d20211210080745470.htm