Cơ hội của mùa xuân

Trước đây, ngay bản thân tôi luôn bị động trước những cái Tết. Ngày Ba mươi Tết năm nào cũng ập đến quá nhanh và rồi đến mồng Ba, mồng Bốn khi chưa kịp cảm nhận hương vị Tết đã vội vã hóa vàng đưa chân tổ tiên. Thoắt cái đã hết hai tháng đầu tiên của một năm lại hối hả với công việc đang bị dồn ứ…

Nhờ sự “quyết liệt” ấy mà Tết nay đã khác. Từ chỗ loại bỏ được đống đồ “muôn năm cũ”, cương quyết khước từ “cơn thèm” mua sắm nhiều món đồ năm mới. Nhà rộng, lòng nhẹ tênh, chiếc ví cũng không còn trống rỗng. Nghe xong lời tâm sự ấy, ông bạn thân vỗ vai bảo: “Ông cũng Gen Z phết đấy chứ”.

Concept chụp ảnh Tết xưa như một cách ứng xử với Tết của giới trẻ.

Câu nói ấy làm tôi tò mò và háo hức tìm hiểu xem xem thế hệ trẻ trung nhất đón Tết thế nào, và đây, nhà báo Hoàng Anh Tú đã chỉ ra: “Tết của Gen Z nhờ chiếc điện thoại mà thăm hỏi được nhiều người hơn bên cạnh những người thân chúng ta có điều kiện gặp trực tiếp. Tết của Gen Z là không rượu chè bê bết mất cả Tết như lũ trẻ nhắc bố. Tết của Gen Z là mẹ đừng mất công bày biện nhiều, bọn con cần giữ cân qua Tết. Tết của Gen Z là ngồi quây quần bên ông bà nghe ông bà kể chuyện "bố mày ngày xưa", "mẹ chúng bay hồi bé" rồi cười rúc rích với nhau” (theo Báo Dân trí).

Là người am hiểu về giới trẻ, nhận định của “anh Chánh Văn” đã chỉ ra ra chuyển biến bất ngờ: Hóa ra, người trẻ đã âm thầm suy ngẫm và rút ra những bài học để không rượu chè bê tha, không tự trói buộc mình vào nhiều nghi thức nhưng để giữ gìn sức khỏe một cách khoa học và trân quý người già bằng sự lắng nghe. Sự khác biệt ấy dù chỉ ở một bộ phận nhưng đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng.

Thành thật mà nói, trong Tết Nguyên đán vừa qua, không ít trường hợp lái xe ở độ tuổi trung niên vi phạm gấp đôi mức kịch khung trong Nghị định 100 về nồng độ cồn. Lướt trên mạng xã hội, nhiều phụ nữ đã và đang có riêng những khái niệm cho mình như: Tết mệt, Tết lo, Tết tốn kém… Những bất cập ấy cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa các thế hệ về cách tiếp cận Tết, cách chuyển giao sang năm mới hay còn gợi mở điều gì lớn lao hơn.

Theo người viết, Tết không đáng sợ, và đáng ra không nặng nề, tốn kém nếu như chúng ta biết vận dụng đúng đắn. Hẳn nhiều bạn đọc còn nhớ câu chuyện anh Phan Quốc Huy (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã cứu sống cháu bé 3 tuổi bị một kẻ phê ma túy ném xuống kênh. Hãy thử đặt một giả thiết: nếu trong chiều mồng Hai Tết (11/02/2024) đó anh Huy vẫn đang mải mê nhậu nhẹt mà chưa mở hàng thì liệu có biết mà kịp cứu cháu bé. Nhiều nơi, vào thời điểm này hàng quán vẫn đóng cửa, nhiều dịch vụ vẫn ngừng trệ như một thói quen hằn sâu trong tâm trí: Tết là nghỉ. Chúng ta hay lo nguy cơ chưa giàu đã già nhưng lại hay đánh mất những cơ hội mà mùa xuân là một ví dụ.

Hãy nghĩ từ tháng Giêng, một câu chuyện khá thú vị đứng từ nhiều góc độ. Dù cuộc sống hôm nay không còn chịu sự chi phối của văn minh nông nghiệp nhưng câu cửa miệng: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” - ăn chơi ấy mỗi thời được hiểu và vận dụng khác nhau nhưng vô hình chung tạo ra một sức ì về văn hóa. Trên các trạng mạng xã hội, nhiều bạn từng nói vui rằng: “Ăn Tết hay để Tết ăn mình”. Vui là thế nhưng chứa đựng trong đó một khát vọng thay đổi.

Bạn trẻ Trần Thu Minh (Thành phố Thái Nguyên) đã chia sẻ thẳng thắn về quan niệm đón Tết của mình: “Nghỉ Tết thì cũng nên có mức độ thôi. Như mình năm ngoái, nghỉ Tết xong chơi nhiều quá lúc thi điểm không được cao nên năm nay mình sẽ cố gắng hoàn thành nốt việc học rồi sau đấy sẽ chơi sau". Từ góc độ của chuyên gia văn hóa PGS.TS Phạm Ngọc Trung, cho rằng: “Những bộ phận phòng ban ấy thường nghĩ rằng dịp bắt đầu đi làm sau Tết này chưa căng thẳng. Cho nên vẫn có thể tranh thủ đi chúc Tết nhau. Rõ ràng những hiện tượng này năm nào chúng ta cũng nhắc đến nhưng mà năm nào cũng có những đơn vị, cơ quan vi phạm. Và nếu như mình không thích ứng, không chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý và tinh thần ấy thì mình không tham gia giải quyết công việc tốt được”.

Người viết cho rằng, thay vì tìm ra cách vượt qua sức ì của kì nghỉ Tết, chúng ta hướng đến việc tìm ra cách ăn Tết sao cho phù hợp với nhịp sống công nghệ hôm nay. Biến Tết, biến những ngày nghỉ thành các hoạt động tâm hồn vừa sâu lắng, ấm áp vừa có ý nghĩa. Từ chỗ từng người, từng nhà ăn Tết đến chỗ nhân lên vẻ đẹp của phong tục ấy đến với cộng đồng, với bạn bè trên thế giới.

Gói bánh chưng xuất khẩu tại cơ sở Trần Gia, tỉnh Đồng Nai cũng là cách nắm bắt cơ hội kinh doanh sản phẩm văn hóa. Ảnh: LÊ SƠN

Nếu bạn theo dõi sẽ thấy gần đây cụm từ “xuất khẩu Tết Việt” được nhắc đến như một sáng kiến táo bạo nhưng không hề viển vông. Hàng năm, Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đều phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao tổ chức những ngày văn hóa Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với đó là sự quảng bá các sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về các giá trị tinh thần Việt. Bởi vậy. Trong xu thế toàn cầu hóa, lâu nay chúng ta đã đón nhận các lễ hội có nguồn gốc từ văn hóa phương Tây như: Noel, Valentine, Halloween… vậy thì tại sao không chỉnh đốn những hủ tục, tốn kém, bổ sung những yếu tố tích cực mang giá trị nhân văn sâu sắc để quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Văn hóa sẽ được bảo tồn, phát huy mạnh mẽ hơn trong sự đối thoại, giao lưu và hội nhập sâu rộng.

Anh Jet Anthony De La Cruz, một công dân Philippines, người có hơn mười năm đón Tết ở Việt Nam nhận xét rằng: “Tết là minh chứng sống động cho việc bảo tồn lâu dài di sản văn hóa, được tôn vinh một cách nhiệt thành và duyên dáng đến ngày hôm nay". Cảm nhận của Jet cũng chính là mong ước của rất nhiều người vẫn yêu Tết, thích Tết và không muốn Tết đi chệch hướng bởi những tục lệ tốn kém và thiếu khoa học. Hãy để mùa xuân bắt đầu một cách uyển chuyển, hãy để ngày Tết diễn ra như một sự kiện văn hóa, hãy để mỗi người được thảnh thơi thăm nom, gặp gỡ người thân; đi du lịch và xã hội duy trì những hoạt động cần thiết để sẵn sàng bắt nhịp vào chu trình mới.

Tết và những lễ hội, tháng Giêng và những ngày làm việc đầu xuân là một khúc dạo đầu mới mẻ, cất lên khúc ca thăng hoa của mùa xuân. Là một người từng đón Tết Việt ở trời Tây, tác giả Võ Nhật Vinh chia sẻ: “Ngày Tết đến ở trời Âu, nhận được những lời chúc mừng của người dân bản địa, tôi luôn nghĩ tới một ngày, Việt Nam có thể xuất khẩu Tết - cả về văn hóa lẫn hàng hóa - để người sản xuất trong nước có thêm thị trường, và cộng đồng người Việt tại nước ngoài lại có thêm niềm tự hào”.

Quả thật, đang có những dịch chuyển đáng kể về quan niệm ăn Tết tích cực. Bạn sẽ thấy bất ngờ khi ngắm những "concept" hoài cổ hay trước xu thế “li tâm” kiểu: "Tết thức dậy ở một nơi xa" của giới trẻ. Họ đã yêu Tết, yêu văn hóa Việt và năm bắt cơ hội của mùa xuân bằng cách của riêng mình. Không ai có thể hiểu được giá trị của những cơ hội ấy bằng chính sự nhạy cảm và tinh tế của mỗi người…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/co-hoi-cua-mua-xuan-i723173/