Cơ hội của điện ảnh Việt trong năm Giáp Thìn

Trong dịp đầu năm mới Giáp Thìn 2024, các phim Việt Nam tiên phong ra rạp được nhiều người kỳ vọng, mang đến cho khán giả những bữa tiệc giải trí hấp dẫn sau thời gian im ắng của điện ảnh trong nước.

Phương Anh Đào và Tuấn Trần trong phim Mai. Ảnh: Internet

Theo anh Bùi Đặng Đình Nguyên, Quản lý rạp chiếu phim CGV Vincom Phú Yên, nếu như năm 2023, tổng số phim Việt ra rạp khoảng 25 phim, thì ngay từ đầu 2024, các nhà sản xuất và phát hành đã công bố hàng loạt phim sắp trình chiếu, trong đó có nhiều phim đầu tư lớn về kinh phí, ê kíp đạo diễn nổi tiếng, quy tụ dàn diễn viên ngôi sao...

Mai - Tình yêu cuộc sống

Vượt xa mong đợi, doanh thu phim chiếu rạp tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhất là phim Mai tăng mạnh chỉ sau vài ngày trình chiếu trên màn ảnh rộng. Mai đang là cái tên được nhắc nhiều nhất và nhận nhiều phản hồi tích cực từ khán giả bởi câu chuyện xúc động về tình yêu, tình thân và chất lượng từ hình ảnh đến âm nhạc.

Mai chính thức khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc vào mùng 1 tết Giáp Thìn. Theo trang thống kê doanh thu phòng vé độc lập Box Office Vietnam, sau 17 ngày công chiếu, bộ phim này thu về 480 tỉ đồng. Một lần nữa, đạo diễn Trấn Thành tiếp tục vượt qua chính mình khi Mai phá kỷ lục của Nhà bà Nữ (475 tỉ đồng) để trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Mai là phim do Trấn Thành tự sản xuất, đạo diễn và viết kịch bản cùng Bình Bồng Bột (biên kịch Tiệc trăng máu, Trạng Tí). Phim xoay quanh nhân vật Mai (do Phương Anh Đào đóng) có ngoại hình xinh đẹp, nhưng làm nghề mát xa khiến cô gái này không tránh khỏi lời dị nghị, bàn tán ác ý từ những người xung quanh. Còn Dương (do Tuấn Trần đóng) là chàng nhạc công đào hoa, bất cần và bồng bột.

Trong một lần tình cờ, Mai gặp Dương khi chuyển đến nhà trọ mới, tình yêu của họ bắt đầu từ đây. Và đó cũng là sự bắt đầu cho những biến cố của hai người khi gặp phải trắc trở trong tình yêu từ địa vị, xuất thân cho tới tư tưởng trái ngược ở cách sống, cách yêu...

Sau ngày đầu khởi chiếu, diễn xuất nhập tâm và đa sắc thái của Phương Anh Đào, Tuấn Trần khiến người xem ấn tượng. Có lẽ, nguyên nhân một phần là do cái tên Trấn Thành. Mặc dù xoay quanh Trấn Thành còn nhiều bàn cãi, tranh luận về khả năng đạo diễn nhưng qua 2 tác phẩm ăn khách trước đó của anh và đến Mai thì giới chuyên môn cũng như khán giả phải công nhận tài năng, tâm huyết, đam mê của Trấn Thành dành cho điện ảnh.

Hơn nữa, bằng diễn xuất thực lực của mình, các diễn viên đã thể hiện tốt tâm lý nhân vật. Phương Anh Đào và Tuấn Trần đã thể hiện diễn xuất vô cùng ăn ý, tự nhiên và tạo ra phản ứng hóa học siêu ngọt ngào, chạm đến cảm xúc của người xem.

“Phim là góc nhìn chân thực về cuộc đời”, đạo diễn Trấn Thành từng chia sẻ mong mỏi của bản thân về những tác phẩm của mình. Qua phim Mai, Trấn Thành cho biết đây không hẳn là một bộ phim về tình yêu, hay nói cụ thể hơn là “tình yêu” theo nghĩa hẹp mà một số người hình dung ban đầu.

Mai là một bộ phim về tình yêu, nhưng không chỉ về tình yêu lãng mạn giữa Mai và Dương. Tình yêu lớn hơn như vậy nhiều. Tình yêu lãng mạn cũng nằm trong tình yêu lớn nhất này, đó là tình yêu cuộc sống.

Đào, phở và piano - Tín hiệu vui

Bên cạnh phim tư nhân, phim Nhà nước Đào, phở và piano cũng thu hút sự quan tâm của khán giả. Đây là phim của Bộ VH-TT&DL đặt hàng, do đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn viết kịch bản, đạo diễn với kinh phí 20 tỉ đồng. Phim tái hiện trận chiến Đông Xuân kéo dài 60 ngày từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 ở Hà Nội.

Sau khi công chiếu tại cụm rạp Beta từ ngày 22/2, Đào, phở và piano hiện tại đã có mặt tại 11 tỉnh thành, gồm: Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc và Lào Cai.

Theo giới phê bình điện ảnh, tín hiệu vui từ những bộ phim chiếu rạp dịp tết này cho thấy cơ hội phát triển của điện ảnh Việt Nam đang ở thời điểm vàng, bởi chưa khi nào khán giả lại ủng hộ phim Việt nhiều đến như vậy. Do đó, các nhà làm phim phải nắm lấy cơ hội này để đem đến cho khán giả những tác phẩm chất lượng, đạt doanh thu tốt nhất...

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng: Thị hiếu khán giả, doanh thu phòng vé và những đóng góp của người yêu điện ảnh sẽ giúp các nhà làm phim tự điều chỉnh. Quy luật cạnh tranh thị trường sẽ mang đến những bài học đắt giá cho người làm nghề.

Chuyên gia này cũng cho biết, hiện tại, khán giả đến rạp đa phần là giới trẻ, học sinh - sinh viên, vì thế những đề tài nhẹ nhàng, gần gũi, bắt kịp xu hướng và mang thông điệp nhân văn luôn được họ lựa chọn. Ngược lại, dòng phim quá bi lụy, triết lý nhưng khô khan, thiếu logic hoặc đề tài thiếu sáng tạo sẽ không thể hút khách...

“Nhìn lại các tác phẩm chiếu dịp tết Giáp Thìn, giới chuyên gia nhận định vẫn chưa tìm được tác phẩm thực sự mang giá trị nghệ thuật cao. Thế nhưng, mảng phim tết hài nhảm, chọc cười tầm thường đã không còn xuất hiện sau nhiều năm rơi vào thảm họa ế ẩm. Nhờ vậy, các nhà làm phim đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, khán giả cũng có cơ hội thưởng thức những tác phẩm chất lượng hơn”, đạo diễn Charlie Nguyễn nhận định.

Theo chị Phan Xuân Phương, một khán giả ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), phim điện ảnh Việt 2024 hứa hẹn có những yếu tố để thu hút khán giả. “Tôi hy vọng những bộ phim ra mắt trong năm 2024 sẽ hấp dẫn, thu hút nhiều khán giả, tạo cú hích cho phim điện ảnh Việt sau thời gian im ắng”, chị Phương bày tỏ.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313742/co-hoi-cua-dien-anh-viet-trong-nam-giap-thin.html