Cơ hội cho người trẻ khởi nghiệp

Nhận thấy những lợi ích từ kinh doanh trực tuyến, Tỉnh đoàn Bắc Giang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên đưa sản phẩm kinh doanh lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Qua đó, giúp nhiều đoàn viên khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Nắm bắt lợi thế

Với mong muốn tái hiện hình ảnh xưa cũ, quen thuộc về cuộc sống tuổi thơ của chính mình cũng như nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 9X, năm 2022, chị Nguyễn Thị Nhung (SN 1994) ở xã Liên Sơn (Tân Yên) lập kênh Tiktok Hồi ức 1997. Mỗi video clip của chị đưa người xem về những kỷ niệm đáng nhớ bằng những thước phim giản dị về đời sống thường ngày của những năm 90 thế kỷ XX. Nhiều người không khỏi ấn tượng với “bộ sưu tập đồ vật cổ” như: Kiềng, nồi đất, nồi gang, bếp củi, âu sứ… Những hình ảnh xưa cũ được tái hiện trong mỗi clip khiến nhiều người xúc động, nhớ quê hương. Nhờ sự chỉn chu trong từng video clip, hiện nay, tài khoản Tiktok của chị thu hút hơn 700 nghìn người theo dõi, nhiều clip có hàng triệu lượt xem.

Đoàn viên thanh niên xã Hồng Giang (Lục Ngạn) tập huấn kỹ năng livestream bán hàng trên Tiktok.

Sử dụng lợi thế đó, chị Nhung bắt đầu kinh doanh trên sàn TMĐT Tiktok shop. Sản phẩm chị bán là chè lam, kẹo lạc… các món quà mộc mạc, mang đậm hương vị tuổi thơ. Bằng việc giới thiệu khéo léo, sản phẩm hợp khẩu vị với nhiều người tiêu dùng nên doanh thu mỗi tháng của chị đạt trên 100 triệu đồng, trong dịp Tết Nguyên đán lên tới gần 300 triệu đồng.

Năm 2019, nhận thấy thị trường có nhiều người tiêu dùng tìm mua cây xạ đen để hỗ trợ điều trị bệnh, vốn là người có kiến thức về dược liệu, chị Nông Thị Huệ ở xã Hồng Kỳ (Yên Thế) đã tìm hiểu, sản xuất thử nghiệm trà xạ đen. Thời gian đầu, sản phẩm của chị chưa được nhiều người biết đến. Nhằm giúp đỡ đoàn viên thanh niên quảng bá, tiếp cận đa dạng đối tượng người tiêu dùng, Huyện đoàn Yên Thế hỗ trợ chị Huệ tham gia nhiều lớp tập huấn doanh nghiệp, gian trưng bày giới thiệu sản phẩm của thanh niên do Tỉnh đoàn tổ chức; đồng thời đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Voso, Lazada

Việc giới thiệu sản phẩm trên sàn TMĐT đã tạo hiệu ứng tốt, góp phần nâng cao doanh thu. Chị Huệ cho biết: “Chỉ sau 1 tháng lên sàn TMĐT, sản phẩm đã tiếp cận khoảng 400 lượt mua. Dần dần, doanh thu trở nên ổn định”. Hiện nay, sản phẩm đã có mặt trên 5 sàn TMĐT, được nhiều người quan tâm. Nhờ đó, doanh thu tăng cao, đạt gần 1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu được khoảng 600 triệu đồng.

Theo anh Lương Quang Tuyên, Bí thư Huyện đoàn Yên Thế, Huyện đoàn thường xuyên rà soát các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhận thấy những lợi thế từ phát triển TMĐT, năm 2023, Huyện đoàn tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ năng bán hàng trên sàn TMĐT.

Hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT

Các kênh mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi hơn như sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… trở thành phương thức mua bán ngày càng phổ biến, quan trọng trong thời đại công nghệ 4.0. Việc chuyển đổi từ bán hàng truyền thống sang kinh doanh online mở ra cánh cửa mới cho người dân, đặc biệt là đối tượng trẻ với lợi thế nhanh nhạy về công nghệ thông tin và chuyển đổi số (CĐS).

Thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên; phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ Đoàn trong CĐS giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang", đoàn các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm ứng dụng CĐS trong tiêu thụ nông sản, quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của thanh niên.

Thời gian qua, Tỉnh đoàn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp gắn với CĐS. Đó là tổ chức chương trình “Thanh niên khởi nghiệp với CĐS”, “Chợ phiên OCOP”; phối hợp với các sàn TMĐT Shopee, Lazada thực hiện dự án “Vải chuẩn từ tâm - Nâng tầm nông sản”; ký kết kế hoạch phối hợp với Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về tiêu thụ vải thiều và các nông sản đặc trưng của tỉnh trên sàn TMĐT...

Thời gian qua, Tỉnh đoàn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp gắn với CĐS. Đó là tổ chức chương trình “Thanh niên khởi nghiệp với CĐS”, “Chợ phiên OCOP”; phối hợp với các sàn TMĐT Shopee, Lazada thực hiện dự án “Vải chuẩn từ tâm - Nâng tầm nông sản”; ký kết kế hoạch phối hợp với Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về tiêu thụ vải thiều và các nông sản đặc trưng của tỉnh trên sàn TMĐT; tổ chức chương trình tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mở lớp khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp.

Nhờ kinh doanh trên sàn TMĐT, nhiều thanh niên đã đưa sản phẩm của mình tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Hòa (Tân Yên), chị Bạch Thị Mến (Yên Dũng), chị Hồ Kiều Oanh (Lục Ngạn), anh Hoàng Xuân Mau (Yên Thế)…

Mặc dù TMĐT mang lại nhiều cơ hội mới cho kinh tế số song ở một số địa phương, đặc biệt còn gặp nhiều khó khăn do khoảng cách về hạ tầng số giữa vùng nông thôn và thành thị; việc bảo quản, thu gom, phân phối hàng hóa nông sản vẫn còn manh mún, thiếu tính kết nối gây lãng phí; chi phí logistics cao…

Để mọi đối tượng thanh niên có thể kinh doanh trên sàn TMĐT, đồng chí Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết, thời gian tới, trong các nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh đoàn sẽ tập trung hỗ trợ đoàn viên thanh niên tham gia CĐS, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể một số hoạt động như: Xây dựng “Xã TMĐT”, hỗ trợ tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn; tập huấn, phổ biến kiến thức quản trị doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử, mạng Internet.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/co-hoi-cho-nguoi-tre-khoi-nghiep.bbg