Cô giáo tiểu học lưu ý phụ huynh có con vào lớp 1

Tuyển sinh đầu cấp với phụ huynh có con vào lớp 1 hẳn có nhiều trăn trở bởi sự thay đổi môi trường, cấp học…

Học sinh tự tin vào lớp 1 (ảnh minh họa).

Từ chuẩn bị tâm thế...

Thời điểm này, nhiều trường tiểu học tại Hà Nội đang triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2024 - 2025, cô Phạm Thị Thu Trang - giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội (Alpha Schools - CGD) chia sẻ kinh nghiệm giúp phụ huynh “bỏ túi” nhiều hành trang cho trẻ.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm là giáo viên tiếng Việt vừa làm công tác chủ nhiệm, cô Phạm Thị Thu Trang bày tỏ, hầu hết phụ huynh đều chung tâm trạng khi con chuẩn bị vào lớp 1. Đó là hoang mang khi đứng trước nhiều sự lựa chọn trường cho con. "Rất nhiều phụ huynh chia sẻ chưa xác định được thiên hướng và năng lực của con. Ngôi trường nào sẽ thực sự phù hợp? Ngôi trường mình lựa chọn có giúp con phát huy được hết năng lực hay không? Con có được hạnh phúc khi đến trường hay không?...", cô Trang chia sẻ câu hỏi.

Ở Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội, trước mỗi kỳ nhập học, các bạn nhỏ sẽ tham gia một buổi đánh giá năng lực thể chất và tâm lý. Nhà trường thực hiện đo nghiệm dựa trên Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi của Bộ GD&ĐT. Từ đó, thầy cô sẽ phát hiện những tố chất, thiên hướng và cả hạn chế trẻ qua góc nhìn khoa học để trao đổi với phụ huynh.

Rất nhiều phụ huynh băn khoăn về khác biệt giữa bậc học Mầm non và Tiểu học, cô Trang lưu ý, học tiểu học sẽ có nhiều khác biệt so với học mầm non. Trong bậc học Mầm non, các con chủ yếu tham gia hoạt động vui chơi, nhưng bước vào trường tiểu học, trẻ phải dành thời gian cho hoạt động học tập nhiều hơn. Từ làm quen với cách học, tư duy và tham gia các hoạt động, môn học, kiến thức lớn hơn.

Cô Phạm Thị Thu Trang.

Với Alpha Schools - CGD, trong 2 tuần đầu tiên, các bạn sẽ được hướng dẫn các kỹ năng như: chào hỏi, tự phục vụ, tự quản, giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, trong giờ bán trú, thầy cô sẽ hướng dẫn các bạn nhỏ trải khăn bàn, lấy thức ăn, di chuyển vào chỗ ngồi sao cho nền nếp, trật tự hay cách mời bạn, mời thầy cô. Khi dùng bữa, các con sẽ biết cách ăn sao cho gọn, cho đẹp và chủ động.

Ngoài ra, các bạn còn được hướng dẫn cách ứng xử với thầy cô, bạn bè, các cô bác làm việc trong trường một cách văn minh, lịch sự. Trẻ được rèn luyện để biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết, biết khi nào nên "mách" cô. Tôi rất tự hào và đánh giá cao việc nhà trường xây dựng các hoạt động rèn nếp cho các bạn lớp Một ngay từ ngày đầu để các bạn “ai cũng làm được” và từ chỗ làm được thì các bạn sẽ thích thú, từ đó hình thành thói quen.

Bên cạnh việc rèn nếp, những hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường mang tính chất “chơi mà học - học mà chơi”, sẽ hình thành và rèn luyện cho các bạn kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hòa nhập với môi trường mới, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng mềm khác.

Tại Alpha Schools - CGD, việc tham gia nhiều hoạt động giúp cho các bạn học sinh cảm nhận được việc đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, mỗi ngày thêm gắn bó, thêm yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô, yêu bạn bè.

Với môn tiếng Việt, cơ bản trẻ mầm non đã thuộc bảng chữ cái, vào lớp 1, khi các bạn đã có nền tảng âm tiết, thầy cô sẽ hướng dẫn các bạn hình thành “tiếng”. "Ở Alpha Schools - CGD, các thầy cô hướng dẫn các con từ kiểu vần đơn giản đến phức tạp, dễ đến khó. Ở những tiết học đầu tiên, học sinh sẽ được học từ kiểu vần đơn giản nhất là vần chỉ có âm chính là nguyên âm với các tiếng đơn giản như: ba, bà, ca, cá, gà, ghế…", cô Phạm Thị Thu Trang chia sẻ.

Nữ giáo viên cũng cho biết, sau đó các con sẽ học đến những kiểu vần phức tạp hơn như kiểu vần có âm đệm và âm chính, vần có âm chính và âm cuối. Dần dần, cho đến đầu học kì 2, các em đã nắm vững toàn bộ các kiểu vần trong tiếng Việt. Một điều đặc biệt của tiếng Việt tại Alpha Schools - CGD đó là khi học đến kiểu vần gì thì các bạn học sinh sẽ được hướng dẫn về luật chính tả. Từ đấy, học sinh hầu như không bị viết sai chính tả, nắm được luật thì học sinh tự tìm ra tiếng mới nên giờ học trở nên thú vị và vốn từ của học sinh được mở rộng rất phong phú.

Theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, hết học kỳ I, các con sẽ phải đọc được 25 - 30 “tiếng” trong một phút. Hết lớp Một, tiêu chuẩn là phải đọc được 40 đến 50 “tiếng” trong một phút. Về tốc độ viết, các bạn sẽ phải viết 25 - 30 “tiếng” trong 15 phút.

Với kinh nghiệm gần 10 năm dạy tiếng Việt ở trường, nữ giáo viên cũng cho hay, thường xuyên sử dụng rất nhiều các hoạt động để khích lệ học sinh luyện đọc. Trong đó có dự án “mỗi ngày một clip”. Mỗi ngày, các bạn được giao “nhiệm vụ về nhà”. Nói là nhiệm vụ nhưng rất nhẹ nhàng, các con chỉ đọc lại bài đã học trên lớp hoặc bài đọc mới phù hợp với năng lực đọc của các bạn tại thời điểm đó.

Để tăng thêm sự hứng khởi, bố mẹ sẽ giúp con quay lại clip và gửi cho cô giáo. Các cô sẽ khích lệ, thưởng cho các bạn những ngôi sao, trái tim nhằm tạo niềm hào hứng với nhiệm vụ đọc. Cách này cũng giúp cha mẹ gắn kết, theo sát quá trình học của con. Ngoài ra, các giáo viên tại Alpha Schools - CGD còn xây dựng các dự án văn hóa đọc với hành trình đọc sách như: Thử thách đọc sách và thuyết trình, giọng đọc CGD...

Theo đó, mỗi tuần, các bạn sẽ vượt qua thử thách đọc với các chủ đề gần gũi, ví dụ như: con vật yêu thích, đất nước mình muốn tới, những nhân vật hoạt hình. Khi xây dựng được thói quen đọc sách, các con sẽ hào hứng, yêu thích việc đọc hơn.

...đến kỹ năng trước khi vào lớp 1

Nữ giáo viên Trường Alpha Schools - CGD chỉ ra nhiều kỹ năng mà phụ huynh, học sinh cần chuẩn bị trước khi vào lớp 1. Đầu tiên, bố mẹ và gia đình cần chuẩn bị tâm thế cho con. Đó là “Con sẽ là học sinh lớp Một”. Cả gia đình hãy thường xuyên nhắc đến sự kiện con sắp vào lớp Một với sự phấn khởi, vui vẻ thậm chí tỏ ra thán phục. Các bạn chắc chắn sẽ cảm thấy vui vì thấy mình đã lớn, cảm thấy mình được quan tâm và tự tin bước vào lớp 1.

Học sinh Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội.

Tiếp đến, bố mẹ cũng có thể giúp con rèn luyện một vài thói quen sinh hoạt cá nhân như tự vệ sinh, ngủ đúng giờ. Tuy nhiên, cha mẹ cần điều chỉnh giờ giấc từ từ, để con làm quen dần dần.

Thói quen tập trung cũng là một kỹ năng quan trọng nên rèn luyện cùng trẻ từ sớm. Trước khi vào năm học mới, bố mẹ hãy kín đáo luyện cho con cách ngồi tập trung trong vòng 10 phút và tăng dần cho đến 15, 20 phút bằng các trò chơi hoặc cùng nhau đọc truyện. Một lưu ý nhỏ, cho dù thực hiện hoạt động gì, các bạn nhỏ phải ngồi ở bàn học chứ không phải ngồi dưới sàn nhà hoặc trên giường. Việc này hình thành phản xạ tự nhiên, tạo ý thức học tập rất tốt.

Cuối cùng, bố mẹ hãy cùng con đi mua sắm, chuẩn bị đồ dùng học tập thật đầy đủ. Mỗi ngày, cha mẹ có thể dành ít phút hướng dẫn con sắp xếp sách vở ngăn nắp, gọn gàng. Một góc học tập sáng sủa, gọn gàng, đẹp mắt sẽ đem lại cảm xúc tích cực, động viên trẻ bước vào chặng đường mới một cách tự tin, vui vẻ.

Theo phương pháp công nghệ giáo dục, mỗi học sinh là chủ thể tích cực của hoạt động học. Bất kỳ môn học hay hoạt động nào của trường cũng đều được giáo viên chủ động dẫn dắt, gợi mở. Không gian học tập mở giúp các bạn chủ động sáng tạo, qua đó kích hoạt não bộ phát triển toàn diện.

Trẻ bước vào lớp 1 như cây non được gieo mầm để trưởng thành, chỉ khi có chuẩn bị ban đầu chu đáo thì sau này cây mới có thể phát triển vững chãi và khỏe mạnh.

Thành lập năm 2013, Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội, nay là Alpha Schools - CGD là trường tiểu học có truyền thống và năng lực sư phạm tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là địa chỉ giáo dục tiểu học được cộng đồng phụ huynh tin tưởng, nhiều thế hệ học sinh yêu mến và tự hào. Kế thừa phương pháp Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại kết hợp với Dạy học trải nghiệm, Alpha Schools - CGD đã và đang tiên phong kiến tạo văn hóa trường học hạnh phúc trong suốt 10 năm qua.

Đăng Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-tieu-hoc-luu-y-phu-huynh-co-con-vao-lop-1-post672842.html