Cô giáo suýt rơi vào hôn mê vì lơ là điều trị đái tháo đường

Chị N. (giáo viên THCS ở Bình Dương) được đưa đi cấp cứu do nói ngắt quãng, thở nhanh, sâu và nôn ói. Bác sĩ cho biết do đường huyết tăng cao, có nguy cơ suy đa tạng, phù não. Nếu không điều trị tích cực, chị N. có thể rơi vào hôn mê.

Kali máu giảm nặng

Kết quả xét nghiệm glucose máu của chị P.Y.N. (50 tuổi, Bình Dương) cao đến 32 mmol/l (gấp 6 lần bình thường), được chẩn đoán nhiễm toan ceton (biến chứng đái tháo đường), kali máu giảm nặng 2,2 mmol/l.

Bác sĩ CKII Trang Hồng Thùy Dương, khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU), BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết chị N. bị đái tháo đường và đang điều trị thuốc uống 27 năm. Tuy nhiên, chị không theo dõi đường huyết thường xuyên, có lúc bỏ bữa, không sử dụng thuốc uống điều trị đái tháo đường đều đặn, kèm tình trạng căng thẳng/stress trong cuộc sống dẫn đến nhiễm toan ceton (acid trong máu tăng cao). Nếu không điều trị, chị N. có thể rơi vào hôn mê, phù não, tổn thương thận cấp, rối loạn điện giải như hạ kali máu nặng cũng gây tử vong.

Bên cạnh đó, chị còn đối diện một số biến chứng hiếm gặp khác như phù phổi, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp. Dưới sự động viên của bác sĩ, người thân và đồng nghiệp, chị N. bớt lo lắng và an tâm điều trị.

Chị N. chia sẻ: “Tôi là giáo viên trung học cơ sở, mỗi lần các em học sinh đến đợt thi học kỳ, tôi lại bị stress nặng vì lo các em thi không tốt. Trong những ngày đó, cơ thể thường thấy mệt, tôi đo đường huyết thấy tăng cao, có khi lên tới 210 mg/dl”.

Mỗi khi stress, chị càng lười ăn uống, đặc biệt ăn sáng không đầy đủ, chỉ pha bột thực phẩm chức năng dành cho người đái tháo đường uống rồi đi làm. “Dù biết là thức ăn mua ở ngoài có thể nấu nhiều đường tinh bột không tốt cho bệnh của mình nhưng tôi bận quá, đành vậy cho nhanh tiện”.

Tại khoa ICU, chị N. được truyền insulin để điều trị tình trạng nhiễm toan ceton, bổ sung kali để đưa máu về nồng độ bình thường, tránh hạ đường huyết, thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp cho tình trạng bệnh.

Sau 24 giờ điều trị, chị N. tự đi đứng, ăn uống… bình thường. “Người bệnh vẫn cần được theo dõi đề phòng tái nhiễm toan ceton”, bác sĩ Dương cho biết.

Điều dưỡng khoa ICU đang chăm sóc cho chị N.

Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe của chị N. ổn định và được ra viện. Bác sĩ khuyên chị nên cố gắng sắp xếp công việc để giảm bớt căng thẳng, cần ăn uống điều độ và lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, tuân thủ chế độ ăn kiêng cho người đái tháo đường và không bỏ thuốc điều trị.

Căng thẳng góp phần gây khó kiểm soát đường huyết

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường và tăng đường huyết ở người đái tháo đường, phổ biến nhất là chế độ dinh dưỡng và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, ít người quan tâm đến các vấn đề sức khỏe tâm lý tác động lên tình trạng bệnh thông qua sự thay đổi hormone, hành vi ăn uống, sinh hoạt do tâm trạng thay đổi.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Hữu Thanh Tùng, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết tình trạng nhiễm toan ceton của chị N. là do tác động của nhiều yếu tố cộng lại, trong đó yếu tố chính có thể đến từ việc tuân thủ điều trị không tốt và stress là một trong những yếu tố có góp phần.

Tỷ lệ người mắc stress ở người bệnh đái tháo đường cao hơn so với người khỏe mạnh, tình trạng stress ở người bệnh đái tháo đường ảnh hưởng không nhỏ lên sự tuân thủ điều trị của người bệnh.

Đồng thời, một số nghiên cứu chứng minh căng thẳng/stress có tác động đáng kể đến chức năng trao đổi chất, khi căng thẳng/stress, cơ thể sẽ giải phóng catecholamine và tăng nồng độ glucocorticoid trong máu làm kháng insulin góp phần khiến việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường khó khăn hơn. Điều này khiến tình trạng bệnh chuyển biến xấu đi.

Kèm theo các yếu tố khác như: ăn uống không điều độ hoặc mất kiểm soát, không tập thể dục, thức khuya… khiến việc điều trị không có hiệu quả tốt, có khả năng gây ra các biến chứng bệnh đái tháo đường.

“Bệnh đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng/stress cho người bệnh. Điều trị trong thời gian dài và cố giữ đường huyết đạt mục tiêu sẽ khiến cho người bệnh có tâm lý thất vọng, chán nản, lo lắng”, bác sĩ Tùng chia sẻ.

Người bệnh có thể tham khảo một số phương giáp giúp giảm căng thẳng như sau: dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và có bữa ăn lành mạnh. Luyện các bài tập hít thở sâu, ngồi thiền. Nên tham gia ít nhất một hoạt động thể dục mỗi ngày như: đi bộ, đạp xe, chạy bộ, khiêu vũ… Hãy chia sẻ nhiều hơn với bạn bè và gia đình để giảm bớt căng thẳng từ công việc, cuộc sống.

Đông Hường

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/co-giao-suyt-roi-vao-hon-me-vi-lo-la-dieu-tri-dai-thao-duong-d8865.html