Cô giáo 9X giữ gìn ngôn ngữ dân tộc Mông

Cô giáo Hoàng Thị Chư (dân tộc Mông) sinh ra và lớn lên tại xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương trong gia đình có 10 anh chị em. Từ nhỏ, Chư đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên mầm non. Mặc dù nhà đông con, nhưng gia đình vẫn lo cho chị em Chư được ăn học đầy đủ. Năm 2008, Chư trúng tuyển ngành Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Hoàng Thị Chư chia sẻ: Nơi tôi sinh ra và lớn lên chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống vô cùng khó khăn, trẻ em đến trường gặp khó khăn trong việc giao tiếp và lĩnh hội kiến thức do do bất đồng ngôn ngữ với giáo viên. Nếu có cơ hội được trở về quê hương giảng dạy, tôi sẽ có nhiều thuận lợi trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh người Mông bằng song ngữ.

Tuy nhiên, khi ra trường, Chư lại được sắp xếp công tác dạy tiếng Mông tại Trung tâm. Không được làm giáo viên mầm non như cô từng mơ ước, Chư cũng rất buồn. Bố của Chư - Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Chúng đã động viên con gái: Dù giảng dạy ở môi trường nào thì nghề giáo cũng luôn là nghề đáng tự hào và tự hào hơn khi được dạy tiếng Mông - ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của mình. Bởi, do biến cố lịch sử không mong muốn, người Mông đã bị mất đi chữ viết cổ xưa. Việc giữ gìn văn hóa và ngôn ngữ, nhất là mong muốn có chữ viết là nguyện ước lớn của dân tộc Mông.

Hơn 10 năm công tác, học viên của Chư chủ yếu là các cán bộ công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ công an, biên phòng đang công tác tại tỉnh Lào Cai nên ngoài dạy chữ, dạy tiếng, Chư còn lồng ghép các kiến thức về phong tục, tập quán của người Mông, từ đó học viên sẽ vận dụng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới Nhân dân, ngoài ra còn giúp bảo tồn ngôn ngữ, phát huy, làm giàu thêm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chư chia sẻ: Ở Việt Nam, ngoài bộ chữ Mông được Chính phủ ban hành từ năm 1961. Trong đời sống đồng bào Mông còn thường xuyên tiếp xúc với bộ chữ Mông Latin thông qua phim ảnh, ca nhạc trên internet. Điều đó tất yếu dẫn đến kết quả một số người Mông có thể nghe, nói, đọc, viết được các văn bản bằng chữ Mông khu vực mà không thể đọc hay viết bằng chữ Mông Việt Nam. Chính vì thế, tôi mong muốn nhanh chóng phổ cập được bộ chữ Mông Việt Nam tới cộng đồng dân tộc mình.

Thời điểm này, cô giáo Hoàng Thị Chư đang tập trung cùng nhóm tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Mông theo Chương trình Giáo dục phổ thông môn tiếng Mông (Ban hành kèm theo Thông tư 34/2020/TT-BGD&ĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện nay nhóm tác giả đã biên soạn xong sách giáo khoa tiếng Mông lớp 1 đến lớp 3 và đang tiếp tục biên soạn sách giáo khoa tiếng Mông lớp 4,5. Với kinh nghiệm 10 năm giảng dạy tiếng Mông, cô giáo Chư đã có nhiều đóng góp hiệu quả để hoàn thiện bộ sách, được hội đồng biên tập sách đánh giá cao.

Niềm đam mê, tâm huyết của cô giáo Chư đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của Trung tâm trong công tác bồi dưỡng nói chung, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số nói riêng. Kết quả đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Ông Đỗ Hải Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/co-giao-9x-giu-gin-ngon-ngu-dan-toc-mong-post370825.html