Cô gái xứ dừa khởi nghiệp thành công với mô hình trồng nấm thương phẩm

Trồng và kinh doanh nhiều loại nấm thương phẩm, đó là mô hình khởi nghiệp độc đáo của chị Mai Thị Ánh Xuân ở ấp Phước Khánh, xã An Khánh, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre). Mô hình này mở ra hướng đi mới, làm phong phú thêm ngành thực phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống theo hướng sạch, thân thiện với môi trường.

Từ nhỏ cô gái Mai Thị Ánh Xuân rất thích ăn nấm và trồng cây nấm phục vụ nhu cầu bữa ăn trong gia đình. Năm 2017, Ánh Xuân nghỉ làm công nhân tại khu công nghiệp để khởi nghiệp từ mô hình trồng nấm. Lúc đầu, chị chỉ trồng 5.000 bịch phôi nấm loại nấm rơm và bào ngư tại một trại nấm ở khuôn viên gia đình. Nhờ cần cù, chăm chỉ và học hỏi kinh nghiệm qua báo chí, mạng xã hội nên mô hình trồng nấm đã thành công, tạo động lực để người phụ nữ này dần dần mở rộng mô hình.

Theo chị Ánh Xuân, nghề trồng nấm phải công phu, tỉ mỉ, phải kiểm tra thường xuyên để xử lý ngay khi phát hiện các bệnh về nấm, trại phải luôn giữ môi trường râm mát, độ ẩm nhất định nấm mới phát triển tốt, rồi chăm sóc khi mưa lúc nắng khác nhau, độ ẩm phải đo bằng máy... Có chí thành công, đến nay Mai Thị Ánh Xuân đã là chủ 6 trại nấm sản xuất quanh năm với gần 20 chủng loại nấm như: nấm rơm, bào ngư, hồng ngọc, hoàng kim, sò Thái, nấm mối đen, hoàng đế, thiên phúc, linh chi, nấm mèo...

Chị Mai Thị Ánh Xuân miệt mài với nghề trồng nấm

Chị Mai Thị Ánh Xuân miệt mài với nghề trồng nấm

Tùy theo từng thời điểm, thời tiết mà chị sản xuất các loại nấm khác nhau để cung ứng cho thị trường. Hiện nay, mỗi tháng gia đình chị cung ứng cho thị trường các nơi khoảng 1 tấn nấm; trong đó chủ yếu là thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Về tình yêu với nghề trồng nấm chị Mai Thị Ánh Xuân chia sẻ: “Nghề nấm đem lại sản phẩm sạch, mình có thể đa dạng các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của người dân. Làm nấm phải cần cù, chịu mài mò, tìm cách phát triển sản phẩm lên, chứ mà mình cứ “dặm chân tại chỗ trồng có 1-2 loại thì khó đi lên lắm. Mình phải đi theo hướng mới, đa dạng hóa sản phẩm. Trại của tôi làm gần 20 loại nấm có thể phục vụ nấu lẩu cho khách, dịp 20-10 hay 8-3 khách muốn làm hoa nắm thì bên đây vẫn cung cấp”.

Điều đáng ghi nhận là sản phẩm nấm của chị Ánh Xuân làm ra không sử dụng hóa chất từ khâu sản xuất đến bảo quản và đã đạt tiêu chuẩn Viet GAP. Để phục vụ mô hình, có 5 thành viên trong gia đình hỗ trợ trong khâu chăm sóc, thu hoạch nấm. Hiện tại chị còn liên kết với nhiều trại nấm ở TP.HCM, Lâm Đồng để có nhiều chủng loại phục vụ nhu cầu khách hàng; đồng thời mở một cửa hàng bày bán nấm tại Tp. Hồ Chí Minh.

Nhiều loại nấm thương phẩm giá phải chăng, được khách hàng ưa chuộng

Nhiều loại nấm thương phẩm giá phải chăng, được khách hàng ưa chuộng

Tại gia đình, chị thường xuyên cung cấp phôi giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho người dân nhất là chị em phụ nữ có nhu cầu trồng để phục vụ bữa ăn trong gia đình.

Chị Trần Thị Lệ, khách hàng sử dụng nấm tại cơ sở sản xuất nấm của chị Ánh Xuân cho biết: “Gia đình tôi thường sử dụng nấm trong bữa ăn hàng ngày, tôi thấy nấm ở đây sản xuất rất ngon, chất lượng đảm bảo, giá cả cũng phù hợp với người tiêu dùng. Ăn nấm có nguồn gốc, chất lượng như thế này người dân rất yên tâm".

Thời gian gần đây, do chất lượng nấm, nhất là sản phẩm “sạch” nên mặt hàng của chị làm ra rất hút hàng, có thời điểm không đủ cung ứng cho đối tác; trong đó nấm mối đen có giá trị trên 300.000 đồng/kg, nấm dược liệu đến hơn 1 triệu đồng/kg. Gần đây, chị còn sáng tạo ra các sản phẩm tạo hình từ các loại nấm rất độc đáo để phục vụ thị hiếu khách hàng.

Mô hình trồng nấm sạch của chị Ánh Xuân vừa đoạt giải Nhất cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023 do Hội Liên hiệp phụ nữ Bến Tre tổ chức. Hiện nay chị đã tạo được nhóm sở thích trồng nấm cho nhiều chị em phụ nữ nông thôn trong và ngoài tỉnh, với hơn 200 thành viên. Đây là nhóm chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, buôn bán và hỗ trợ đầu vào, đầu ra trong sản xuất nấm.

Phôi giống được chị Ánh Xuân cung ứng cho người dân có nhu cầu trồng, nhân rộng mô hình

Phôi giống được chị Ánh Xuân cung ứng cho người dân có nhu cầu trồng, nhân rộng mô hình

Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre, mô hình trồng nấm sạch của chị Mai Thị Ánh Xuân là rất tiêu biểu. Chị khởi nghiệp thành công, không chỉ ổn định cuộc sống gia đình mà còn tích cực hỗ trợ nông dân, chị em ở địa phương nhân rộng mô hình này.

Hiện tại, chị Mai Thị Ánh Xuân rất thành thạo trong việc trồng các loại nấm. Chị cho biết, xu hướng của khách hàng là sản phẩm phải sạch, an toàn, giá cả phải chăng. Do đó, thời gian tới chị không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô nhất là sản xuất bằng nhà lạnh, ứng dụng công nghệ sấy, bảo quản lâu ngày.

“Hướng đến tôi đang tìm công nghệ bảo quản, ứng dụng phương pháp công nghệ sấy, làm salad nấm, bột nấu cánh chay. Sau này có cơ hội bên tôi sẽ làm nhà lạnh, kết hợp các trại mà đang bao tiêu vị dụ như nấm đùi gà kim châm, nấm mối đen... có thể mở nhà lạnh” - chị Mai Thị Ánh Xuân nói.

Qua 6 năm khởi nghiệp từ nghề trồng và kinh doanh nấm các loại, gia đình chị Mai Thị Ánh Xuân đã có cuộc sống ổn định với mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Chị cho biết, sẽ cùng các thành viên trong gia đình phát triển mô hình, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng gần xa.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/co-gai-xu-dua-khoi-nghiep-thanh-cong-voi-mo-hinh-trong-nam-thuong-pham-post1062748.vov