Cô gái Hà Nội đi biển ngày Tết

Minh họa: Trần đỗ nghĩa

16 tuổi. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy biển.

Cha mẹ tôi không phải là công chức nhà nước nên chúng tôi chẳng bao giờ có những chuyến nghỉ mát thường niên như nhiều gia đình khác. Tết năm ấy, tôi chợt nảy ra ý định đi ra biển. Một trong những cô bạn thân nhất của tôi hưởng ứng ngay tức thì. Lúc đó là dịp năm mới, chúng tôi được tiền mừng tuổi đủ để có một chuyến đi.

Mà lần này là một chuyến đi biển vào mùng 3 Tết với thành viên đoàn vỏn vẹn có hai người. Sáu rưỡi sáng hôm sau, cái Hiền đã đạp xe đến nhà tôi. Tôi nhìn qua ban công, thấy bạn đồng hành đang ngồi trên xe đạp, đứng chân trên chân dưới, đầu đội mũ cát két (loại mũ thịnh hành vào mùa đông năm 1993, chúng tôi đứa nào cũng sắm cho mình một chiếc). Tôi nháy mắt rồi nhanh chóng mặc quần áo và nhẹ nhàng ra khỏi cửa. Cha mẹ tôi vẫn còn đang ngủ say và tôi không muốn bị vặn hỏi lôi thôi. Chuyện đi biển sẽ được coi là một lý do bịa đặt và điên rồ.

Đó là một buổi sáng trời rét. Chúng tôi ra ga Trần Quý Cáp, mua hai chiếc vé tàu đi Hải Phòng và đứng co ro dưới sân ga. Đúng là một chuyến tàu Tết, hành khách thoải mái ngồi một mình hai ba ghế. Trong toa cũng có một nhóm học sinh nữa đang trò chuyện rôm rả. Họ có tất cả sáu người, cả nam lẫn nữ, ăn vận sang trọng ra dáng ngày Tết, những cậu con trai vận áo ba đờ xuy và nữ đội mũ cát két kẻ ca rô. Tôi đoán họ cũng có ý định giống chúng tôi, chỉ có điều nhóm của họ đông hơn. Suốt chặng đường, chúng tôi hầu như không chuyện trò gì. Chúng tôi là hai đứa bạn thân, ngày nào cũng gặp nhau hai bận, trên lớp và ở nhà, mọi chuyện kể như đã nói hết rồi, nay quả chẳng còn gì để trao đổi. Giá thử “đoàn” của chúng tôi đông hơn, giống như nhóm học sinh kia chẳng hạn, thì chuyện đã nổ như pháo rang. Song chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến nhà ga chính của thành phố Hải Phòng.

Ra khỏi ga, với vai trò trưởng đoàn, tôi đi tìm ngay một chú cảnh sát giao thông. Tôi vẫn cho rằng mọi vấn đề về đường sá, cứ hỏi cảnh sát giao thông là khôn ngoan hơn cả. Họ vừa biết tất cả mọi ngõ ngách, lại chẳng nỡ lòng nào chỉ sai đường cho nhân dân. Chú cảnh sát chỉ dẫn: Còn hơn 20km nữa sẽ ra đến Đồ Sơn, giờ ra bến xe bắt xe đò, một tiếng nữa sẽ có chuyến, muốn tìm được đường ra bến xe, gọi một chiếc xích lô, lái xe xích lô sẽ chở đến.

Xe chạy đi Đồ Sơn, ngày Tết chật ních người. Cô bạn đồng hành của tôi đã được đi biển một vài lần rồi. Còn tôi thì chưa. Tôi e rằng phần lớn những người khác không có được cảm giác này, những người đã được tắm biển từ lúc còn chập chững, hoặc những người sinh ra ở biển. Trong giáo trình dạy văn phổ thông có trích đoạn “Vượt biển”, một truyện thơ dân gian Tày, Nùng. Biển trong “Vượt biển” là biển ma, với hải trình 12 rán nước đầy thủy quái, các sa dạ sa đồng (phu chèo thuyền trên biển ma) bị “ngọ lồm” (quỷ biển ma) dọa cắn xé nên cất tiếng khóc não nùng. Tôi vô cùng ấn tượng với tác phẩm văn học dân gian này. Phần vì nội dung ai oán, u tịch của nó, phần vì người xưa sáng tạo nên một “hình tượng biển” rất buồn cười. Cũng phải thôi, hành trình từ nơi cư ngụ của người Tày, Nùng ra đến biển chắc ngót 500 cây số. Tôi sống trong thời đại tên lửa, từ nhà ra đến biển hơn hai tiếng tàu hỏa và nửa tiếng xe đò, vậy mà cũng tới 16 năm ra đời mới được chiêm ngưỡng biển, xưa đồng bào dân tộc thiểu số trèo đèo lội suối bằng chân không, đời này qua đời khác có khi chưa được nhìn thấy biển là phải. Nên họ vẫn hình dung biển có từng khúc giống ghềnh thác quê nhà.

Là con gái Hà Nội, ở nhà đã có vô tuyến truyền hình, ngày ngày xem du khách nhảy sóng dưới nắng trời rực rỡ qua màn ảnh nhỏ, nhưng tôi vẫn không khỏi hồi hộp trước hơi biển, gió biển mà các nhà văn vẫn miêu tả trong những áng văn siêu phàm.

Khi bạn đồng hành kéo tuột tôi ra khỏi xe, ngay tức thì tôi đã cảm thấy hương vị mặn mòi và những tiếng ầm ì đặc trưng của biển. Gió mang hơi nước và tiếng sóng biển lạnh vây quanh năm giác quan tôi.

Rõ ràng xung quanh tôi vẫn là phố phường, vậy thì biển ở đâu? Cô bạn tôi khoát tay.

- Biển đằng kia, đi bộ một đoạn là tới, nhưng phải ăn sáng cái đã.

Chúng tôi bước vào một quán phở ven đường. Tôi ăn rất nhanh bát phở kỳ kỳ kèm vô số rau sống. Chúng tôi cũng ghé qua hiệu ảnh mua thêm pin và phim chụp. Cả hai bắt đầu đi bộ ra biển. Tôi đi nhanh hơn. Tiếng biển, mùi biển và hơi biển mỗi lúc một gần.

Thì ra biển cách ấy có một quãng, tuy nhiên rặng thông rậm rì trồng ven bờ cát đã che khuất tầm mắt khách bộ hành. Giờ tôi mới thấy mình cũng đâu có khác gì người Tày, Nùng sống ở hồ Ba Bể, tự hình dung ra biển một cách hết sức kỳ cục, cứ nghĩ rằng biển mênh mông là thế, ắt đứng từ bất cứ vị trí nào cũng có thể nhìn thấy bãi biển trải dài. Nhưng, còn hơn cả thế nữa, biển không hề giống như tôi đã hình dung.

Đâu rồi làn nước trong xanh nhìn tận đáy, mà phía gần bờ ánh màu xanh lam, xa xa chuyển gam xanh ngọc.

Đâu rồi những cô gái xinh đẹp mặc bikini lười biếng nằm phơi nắng.

Đâu rồi những chú bé đen như củ súng đang đắp lâu đài bằng cát dưới bóng râm của những chiếc dù đủ màu.

Bãi biển mùa lạnh thưa người, chỉ có rặng dừa cô đơn hứng chịu từng đợt gió rét đang ùa theo những sóng nước mang màu nâu của đất và cát.

Biển hoang sơ với những con sóng dài dặc cuồn cuộn trôi bờ.

Tôi đứng trước biển, khép lại vạt áo khoác và dán mắt vào đường chân trời mờ nhạt.

- Đi chơi thôi nhỉ - cô bạn gióng lên.

Song quả thực tôi không biết đi chơi đâu, chơi gì trên bãi biển thưa vắng này. Chúng tôi đi dọc theo con đường dẫn lên tòa nhà cổ mà một năm sau được trùng tu thành casino, rồi men theo đồi thông, nhặt vài quả thông nhét vào túi rồi quay trở về thành phố Cảng.

Chúng tôi ăn tối tại một hàng bún cá vỉa hè trong con ngõ nhỏ ở trung tâm thành phố. Lần đầu tiên tôi được ăn món này mà không biết rằng bún cá và bánh đa cua là đặc sản của Hải Phòng. Kèm theo bún và nước dùng là rau cần, thì là, cá quả rán vàng mặt. Trời rét, năng lượng tiêu hao sau chuyến dạo bộ khá dài trên những con đường ven biển, chúng tôi ăn bát bún cá một cách ngon lành và thấy chưa có món gì ngon hơn thế. Xong xuôi, chậm rãi đi về phía nhà ga.

Tôi những tưởng sẽ được duỗi đôi chân mỏi nhừ trên một toa tàu vắng vẻ và có thể ngủ một giấc ngon lành cho tới khi về đến nhà. Nhưng như mọi tour “du lịch mạo hiểm” khác, đều phải có sự cố phát sinh.

Nhà ga báo chuyến tàu cuối cùng trong ngày đã khởi hành cách đây 15 phút. Tôi tá hỏa. Tôi chưa lường trước vấn đề này. Tại sao chúng tôi lại không hỏi giờ tàu chạy từ lúc xuống ga? Tại sao chúng tôi ngây thơ đến mức nghĩ rằng đã là… tàu hỏa thì lúc nào cũng sẵn sàng chuyển bánh? Ngoài tàu hỏa ra, tôi chịu không biết khi ấy sẽ vượt qua quãng đường hơn trăm cây số để về Hà Nội bằng cách nào.

Một người phụ nữ bán hàng nước trông thấy cảnh rất… đáng thương ấy mới mách cho chúng tôi chỗ bến xe dù, không quên nhắc thêm rằng thường xe về cũng khá sớm, giờ này chưa chắc còn. Chúng tôi chạy hết tốc lực và nhìn thấy một chiếc xe cuối cùng đang gom khách. Và hai đứa tôi cũng chính là những hành khách cuối cùng. Vé xe đắt như thể chủ xe biết rõ dưới đế giày của tôi vẫn còn một chút tiền và muốn vét sạch những đồng xu cuối cùng cho chúng tôi khỏi nhọc công mang đi vác lại.

Năm tháng qua đi, chúng tôi đi làm, lấy chồng rồi sinh con. Tôi cũng từng đặt chân đến bãi biển Nice đầy nắng và gió nơi miền Nam nước Pháp hay bờ vịnh Baltic lạnh đến tê người. Nhưng có thể nào, tôi quên được khoảnh khắc đầu tiên khi nghe tiếng sóng biển. Sau này, tôi nghe nhiều người phàn nàn về tình trạng ô nhiễm bãi biển, về các dịch vụ bắt chẹt khách và đủ thứ tệ nạn ở Đồ Sơn nên tôi chưa quay lại nơi ấy lần nào nữa. Cũng chỉ bởi, tôi vẫn muốn vẹn nguyên một hình ảnh biển ngày Tết trời còn lạnh ngày ấy, lặng lẽ tràn bờ những con sóng màu nâu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/co-gai-ha-noi-di-bien-ngay-tet-post565793.antd