Cô gái biến vỏ ốc vô tri thành tác phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa

Với niềm đam mê thủ công từ nhỏ, chị Trần Thị Ngọc Hiếu đã nảy ra ý tưởng làm tranh từ vỏ ốc, chứa đựng ý nghĩa 'thoát khỏi vỏ bọc bên ngoài' để trở nên tự tin hơn.

Tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên

Vào TP. HCM lập nghiệp từ năm 2008, chị Trần Thị Ngọc Hiếu (quê Đồng Nai, 38 tuổi) đã có cơ hội bén duyên với nghề làm tranh đá quý. Đến năm 2014, sau khoảng thời gian theo nghề thủ công, chị Hiếu đã hợp tác làm tranh từ vỏ ốc với một thương gia người Anh.

Bài liên quan

Độc đáo nghệ thuật khắc trên bút chì của chàng trai 9X

Độc đáo mô hình nuôi cua biển trong nhà ở Hà Nội

Người đàn ông biến mắt tre bỏ đi thành đồ vật tâm linh vô cùng độc đáo

Độc đáo quán cà phê trưng bày mô hình Bearbrick đắt đỏ thu hút giới trẻ Hà Nội

Nhận thấy sự thành công, cùng niềm yêu thiên nhiên, đặc biệt là biển, chị quyết định đi theo con đường này. Do có đam mê với tranh ảnh, thói quen vẽ lại khung cảnh thiên nhiên ngay từ nhỏ, ý tưởng làm tranh từ vỏ ốc cứ luân phiên xuất hiện mỗi khi chị bắt tay vào làm việc.

Thời gian đầu, chị Hiếu gặp không ít khó khăn trong quá trình tìm kiếm nguồn nguyên liệu và các công đoạn thực hiện. Chị đã đặt mua vỏ ốc của người dân khắp bờ biển các tỉnh Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Yên… Ngoài vỏ ốc, chị Hiếu còn tận dụng những chai nhựa, ly vỡ,… để biến chúng thành vật dụng trong gia đình, thay vì vứt đi.

“Ở các bãi biển có rất nhiều vỏ ốc trôi nổi trên cát, dễ làm du khách bị thương nếu không may đạp trúng. Bản thân tôi cũng là người từng bị thương bởi vỏ ốc, nên tôi muốn biến chính thứ làm mình bị thương thành vật dụng hữu ích cho con người”, chị Hiếu nói.

Để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi tính tỉ mỉ. Trước hết, chị Hiếu sẽ thu thập các vỏ ốc nhặt từ biển, rồi đem đi rửa cho thật sạch bằng một ít rượu, phơi khô sao cho mất mùi tanh trên vỏ.

Tiếp đó, lượng vỏ ốc này sẽ được gắn kết lại với nhau, thành những bông hoa, lá cây,… tạo nên tổng thể một bức tranh hoàn thiện. Không giống như các sản phẩm thủ công khác, chị Hiếu không sản xuất theo kiểu đại trà, có khuôn mẫu nhất định, mà mỗi bức tranh đều có hình dáng, chi tiết và ý nghĩa khác nhau. Vỏ ốc được chị gom góp từ các vùng biển khắp cả nước dù lành lặn hay đã vỡ, cũng được chị khéo léo sử dụng, tạo ra ý nghĩa riêng cho nó.

Mỗi sản phẩm làm từ vỏ ốc đều có một ý nghĩa, hình dáng, kết cấu riêng.

“Thông qua những chiếc vỏ ốc này, tôi muốn mọi người hiểu được rằng bản thân của chúng ta có những điều giấu sâu trong chính ‘vỏ ốc’ của mình. Vì vậy, hãy thoát ra khỏi vỏ bọc đó để nhìn ngắm vẻ đẹp của mình. Có thể mỗi chiếc vỏ sẽ có một chút khiếm khuyết, nhưng nếu được đặt đúng chỗ, nó sẽ tỏa sáng và mang lại ý nghĩa to lớn cho cả tổng thể”, chị Hiếu chia sẻ.

Tính đến thời điểm hiện tại, chị Hiếu đã cho ra đời hơn 1.000 tác phẩm tranh ốc và các sản phẩm làm từ vỏ ốc các loại như: bình hoa, hộp đựng bút, hộp nữ trang, hoa cưới, cài tóc, vòng tay, khung ảnh... Chị còn dùng vỏ ốc để trang trí đồng hồ, heo đất.

Trung bình mỗi sản phẩm, tùy theo kích thước và độ chi tiết, người thợ phải mất từ 3 - 4 tiếng, lâu hơn sẽ kéo dài từ 1 – 2 ngày để hoàn thành. Tranh của chị có giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng.

Câu chuyện về ‘nàng ốc’ tự thoát khỏi vỏ bọc

Theo lời kể của chị Ngọc Hiếu, năm lên 4 tuổi, trải qua cơn sốt khiến chị bị bại liệt 2 chân và bàn tay phải. Suốt 20 năm làm bạn với 4 góc tường, trong lòng cô gái luôn canh cánh ý định bước ra ánh sáng để tự cởi trói cho bản thân, giảm gánh nặng cho ba mẹ.

Thời điểm đó, chị xin gia đình cho lên TP. HCM để lập nghiệp nhưng vì quá lo lắng, ba mẹ của chị đã phản đối. Bất chấp gia dình không ủng hộ, chị Hiếu quyết tâm lên TP. HCM để ngắm nhìn thế giới xung quanh.

Lúc đầu, chị xin làm công việc trông giữ trẻ. Vì không thể linh hoạt di chuyển, chị cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, vói ý chí và lòng tin, chị khẳng định mình vẫn có thể làm được, những lúc cao điểm, chị có thể trông được 6-7 đứa trẻ.

Đến khi học làm tranh đá quý, chị đã gặp được người mình yêu, bén duyên vợ chồng và có một đứa con.

Quá trình khởi nghiệp làm tranh từ vỏ ốc, dù gặp nhiều trắc trở, chị vẫn lấy những khó khăn đó và sự ủng hộ của gia đình làm động lực bước tiếp. Sau hơn 8 năm theo nghề, cũng như nhiều năm trải nghiệm cuộc sống, chị Hiếu hiểu rằng mỗi con người đều có một vẻ đẹp, ước mơ riêng.

Niềm tin là thứ giúp chị Hiếu vượt quá nhiều khó khăn.

“Hồi đó tôi cũng hay tự ti và thu mình trong chính ‘vò ốc’ ấy. Nhưng hiện tại tôi đã thoát ra được, biến nó thành những ‘bông hoa ốc’ đại diện cho sự tự tin, lạc quan và cả những khiếm khuyết của mình. Không có ước mơ nào không thể chạm tay đến nếu như mình không thực sự cố gắng và bắt tay vào làm. Tôi tự tin là bản thân đã chiến thắng được, hi vọng tất cả mọi người cũng thế”, chị Hiếu cười, nói.

Trước đó, năm 2020, do dịch bệnh nên chị Hiếu chỉ ở nhà và không thể bán được tranh. Thời điểm đó, chị đã nảy ra ý tưởng tạo nên bức tranh mang tên “Trái tim hòa bình”, nhằm truyền tải thông điệp gắn kết tình yêu thương của con người, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Bức tranh này cũng đã được mang ra đấu giá, chị Hiếu trao tặng toàn bộ số tiền đó cho lực lượng chiến sĩ biên phòng. Chị Hiếu cũng đã từng quyên tặng 2 bức tranh của mình cho các tổ chức để đấu giá ủng hộ bà con vùng lũ, góp phần công sức san sẻ cùng những hoàn cảnh khó khăn với trị giá là 120 triệu đồng.

Trong tương lai, chị Hiếu có mong muốn sẽ được học hỏi, giao lưu để mở rộng thêm kiến thức về kinh doanh lĩnh vực này. Đồng thời, chị đang và sẽ hướng dẫn, dạy nghề cho những ai có niềm yêu thích với công việc này, đặc biệt là các anh, chị khuyết tật.

Một số sản phẩm từ vỏ ốc tại cửa hàng Tranh đá quý của Hiếu:

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-gai-bien-vo-oc-vo-tri-thanh-tac-pham-nghe-thuat-day-y-nghia-post198950.html