Có chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chiều 31/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành thêm chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng.

Theo đó, ông Nguyễn Đại Thắng đề nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu và có các chính sách đột phá, tương ứng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để có chính sách riêng, ưu đãi về thuế đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, lắp ráp xe điện... đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe điện và phụ tùng xe điện của khu vực và thế giới; đồng thời, sớm có lộ trình chuyển đổi các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện; quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện ngày càng tăng tại Việt Nam, bắt kịp xu thế của khu vực và trên thế giới.

Những chính sách ưu đãi về xe điện khi ban hành sẽ góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 lần thứ 26 (COP26).

Theo đó, đến năm 2050, Việt Nam đạt tỷ lệ phát thải ròng bằng 0. Đây là cam kết đồng thời cũng là mục tiêu để Việt Nam cải thiện môi trường sống đang ngày càng ô nhiễm từ khí thải của các phương tiện giao thông”, ông Thắng nhận định.

Xe điện của liên doanh GM (Mỹ) - HongGuang MiniEV.

Xe điện của liên doanh GM (Mỹ) - HongGuang MiniEV.

Hiện nay, để hỗ trợ cho xe điện phát triển, Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi như: Miễn phí trước bạ 0% cho các xe mới (từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2025); thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho xe điện giảm từ 15% xuống còn 3%, áp dụng đến ngày 28/2/2027.

Các chính sách này đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam. Tuy nhiên, so các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vẫn cần có thêm các chính sách đột phá hơn nữa dành cho xe năng lượng sạch, nhất là xe điện.

Chính phủ có chính sách ưu đãi miễn phí trước bạ 0% cho các xe mới (từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2025); giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện từ 15% xuống còn 3%, áp dụng đến ngày 28/2/2027... đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện. Tuy nhiên, so các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vẫn cần có thêm các chính sách đột phá hơn nữa dành cho xe năng lượng sạch, nhất là xe điện.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng

Trên thế giới, nhiều nước đã ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển xe điện, mang lại nhiều kết quả nổi bật. Từ năm 2009-2022, Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 29 tỷ USD) vào các khoản trợ cấp và giảm thuế cho xe điện, hỗ trợ các công ty xe điện duy trì hoạt động trong những năm đầu, triển khai chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân mua xe điện.

Trung Quốc đã ban hành chính sách trợ giá cho người mua xe điện dựa vào dung lượng pin. Xe ô-tô thuần điện có phạm vi chạy hơn 400km sẽ được trợ giá 3.600 USD, từ 250 đến 400 km được nhận 2.600 USD, dưới 250km không được trợ giá. Với những chính sách đột phá, Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu, chiếm 44% tổng lượng xe điện thế giới.

Chính phủ Thái Lan cũng đưa ra lộ trình phát triển xe điện và phê duyệt kế hoạch ưu đãi thuế đối với sản xuất xe điện từ năm 2016. Theo kế hoạch, đến năm 2036, Thái Lan đặt mục tiêu tăng số lượng ô-tô điện lên 1,2 triệu chiếc và có 690 trạm sạc hoạt động trên cả nước. Các dự án đầu tư sản xuất xe thuần điện (BEV) được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 5-8 năm.

Chính phủ Thái Lan cũng quy định 10 linh kiện được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm, gồm: pin, hệ thống sạc thông minh, bộ chuyển đổi DC/AC, động cơ điện, phần mềm quản lý pin, bộ biến tần, bộ sạc điện di động và bộ ngắt mạch điện.

Tại Tây Ban Nha, những chính sách ưu đãi của Chính phủ dành cho xe điện đã thúc đẩy tăng trưởng số lượng phương tiện sử dụng năng lượng thuần điện và xe Plug-in Hybrid (xe lai xăng-điện). Bên cạnh đó, số trạm sạc cũng tăng từ 400 năm 2012 lên 8.820 trạm vào năm 2019. Người mua xe điện cũng được ưu đãi về thuế và các trợ cấp trực tiếp vào giá thành xe, hỗ trợ tối đa 6.000 euro/xe.

Với những chính sách đột phá, Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu, chiếm 44% tổng lượng xe điện thế giới.

Với những chính sách đột phá, Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu, chiếm 44% tổng lượng xe điện thế giới.

Trung Quốc có chính sách trợ giá cho người mua xe điện dựa vào dung lượng pin. Xe ô-tô thuần điện có phạm vi chạy hơn 400km sẽ được trợ giá 3.600 USD, từ 250-400km được nhận 2.600 USD. Chính phủ Thái Lan cũng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm đối với 10 loại linh kiện như pin, hệ thống sạc thông minh, bộ chuyển đổi DC/AC...

Tại Tây Ban Nha, người mua xe điện được ưu đãi về thuế và các trợ cấp trực tiếp vào giá thành xe, tối đa 6.000 euro/xe.

Trong tờ trình Chính phủ và các bộ ngành (Tờ trình số 9658/Ttr-BGTVT ngày 29/3/2023) đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ô-tô điện, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo về hiện trạng về thị trường xe điện tại Việt Nam và trên thế giới, đồng thời đề xuất một số chính sách dành cho các nhà sản xuất xe điện và người tiêu dùng, cũng như đề xuất các giải pháp để phát triển ngành xe điện tại Việt Nam.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất một số chính sách khuyến khích hỗ trợ người sử dụng xe điện như miễn, giảm lệ phí đăng ký biển kiểm soát với xe ô-tô điện; thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua ô-tô điện; ưu đãi vốn vay đối với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ô-tô điện; trợ cấp cho người dân khoảng 1.000 USD tiền hỗ trợ khi mua xe ô-tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ ô-tô chạy xăng, dầu sang ô-tô điện...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/co-chinh-sach-thuc-day-phat-trien-nganh-cong-nghiep-xe-dien-post780536.html