Cơ chế mua bán điện trực tiếp: Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và thị trường điện cạnh tranh

Việc xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo và thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh.

Hiện thực hóa chủ trương của Đảng

Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch và đẩy nhanh thực hiện thị trường điện/năng lượng cạnh tranh, minh bạch trong đó có cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ điện là một trong những chủ trương, giải pháp, yêu cầu của Đảng đã được nêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên thực tế, quy định về quyền của khách hàng sử dụng điện lớn đã được đề cập tại Điểm b Khoản 1 Điều 47 Luật Điện lực năm 2004: “Mua điện trực tiếp của đơn vị phát điện thông qua hợp đồng có thời hạn hoặc mua điện giao ngay trên thị trường điện lực”.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 09/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đã giao Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau: “Tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có các giải pháp để ưu tiên thu hút đầu tư, thúc đẩy triển khai nhanh nhất các dự án, công trình phát triển, truyền tải, phân phối điện, nhất là năng lượng tái tạo, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân; khẩn trương ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp…”.

Tiếp theo đó, ngày 13/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 về Giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, trong đó giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện “Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn”.

Khi cơ chế DPPA được thông qua, doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn có thể mua điện trực tiếp từ nhà sản xuất (Ảnh Đình Dũng)

Đáp ứng xu hướng chuyển dịch năng lượng và thị trường điện cạnh tranh

Trước xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới, trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch năng lượng theo hướng giảm thiểu các dạng năng lượng truyền thống có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT). Nhờ các cơ chế chính sách kịp thời, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về thu hút đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian ngắn đạt trên 20.000 MW.

Qua khảo sát và lắng nghe ý kiến thực tế từ cộng đồng doanh nghiệp, cả bên đầu tư điện NLTT, năng lượng sạch và bên sử dụng điện lớn (khoảng 1 triệu kWh/tháng trở lên) đều mong muốn tham gia cơ chế DPPA và mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành cơ chế này với kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Cụ thể, về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của Bên bán (Đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo): trong số 106 dự án có công suất đặt từ 30MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) trong danh sách Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Phiếu khảo sát đã được gửi tới 95 dự án và có 67 dự án phản hồi như sau: (i) 24 dự án (công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia; (ii) 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng; và (iii) 26 dự án trả lời không có nhu cầu tham gia.

Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của Bên mua điện (Khách hàng sử dụng điện là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên): phiếu khảo sát đã gửi tới 41 Khách hàng, trong đó có 20 Khách hàng trả lời mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu khoảng 996MW.

Thực hiện các yêu cầu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về DPPA và đang được lấy ý kiến công khai.

Ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, mục đích của việc xây dựng DPPA nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành năng lượng Việt Nam; đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững NLTT bảo vệ môi trường; Hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; đồng thời nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện.

Trong Nghị định có 2 chính sách lớn bao gồm (1) Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng; (2) Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn thông qua lưới điện quốc gia.

Nguyên Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-che-mua-ban-dien-truc-tiep-thuc-day-phat-trien-nang-luong-tai-tao-va-thi-truong-dien-canh-tranh-315043.html