Cỏ

Đã bao lần tôi lan man nghĩ về 'cỏ'. Nghĩ mà muốn cắt nghĩa một điều gì đó cơ hồ như thân phận con người, nhưng rồi những ý nghĩ cũng lại dường như chưa đủ. Cho đến khi đã hơn 20 tuổi, có người nói với tôi về 'cánh diều kiêu hãnh' và 'phận cỏ'.

Cánh diều kiêu hãnh thề không làm “phận cỏ”, dù có là cỏ linh chi và rồi cánh diều ấy đã chết một mình trong cỏ xanh… Tự dưng, tôi đã nghĩ khác. Suy nghĩ trong tôi về “cỏ” dường như rõ nét và trọn vẹn hơn. Tôi nhớ những giọt sương trong vắt đậu trên ngọn cỏ. Với tôi đó là hạt ngọc, của đất trời ban tặng không chỉ cho cỏ mà cho cả người cảm nhận được vẻ đẹp lung linh ấy. “Phận cỏ”, “cánh diều” là hình ảnh hay còn là con đường? Nếu là con đường, hình như tôi đã chọn lối cỏ.

Cỏ có trong suy nghĩ của tôi, bên cạnh đó tôi cũng chưa quên cánh diều. Tôi không đem so sánh, nhưng tôi biết cỏ cũng bay lên, theo cách của giống loài, ai cấm được những ước mơ bay thật xa, chạm vào nguồn ánh sáng của mặt trời chói chang, để rồi trở về tươi mới và nồng ấm. Với cỏ sự hóa kiếp hay vĩnh cửu dường như ăm ắp trong những rễ thân cành, để mỗi mùa có một sắc thái khác nhau, cho con người ta sự an hòa, tin cậy. Cỏ còn mang tình yêu, giữ hộ tình yêu con người, về với đất là về với cỏ, chặng ngắn dài của số phận không còn quan trọng nữa, cỏ xoa dịu nỗi đau biệt ly.

Tôi đã đứng trước bạt ngàn những cỏ dại cùng lau lách, cỏ voi hay cỏ vua cao ngút đầu người, gió hát hay cỏ hát khó mà phân biệt nổi. Những giai điệu bất tận về cuộc sống này, cỏ bám rễ, cỏ đơm hoa rồi lụi tàn hết mình như vốn thế, như phải thế, để rồi hồi sinh. Tôi thấy tay mình chạm vào một mùi hương, đó là một loài cỏ thơm, có cỏ ngọt, cỏ thơm là rất quý. Tôi từng ước kiếm về làm cái ruột gối mà chưa bao giờ kiếm đủ. Tôi tận hưởng mùi thơm gần gặn trong bao la đất trời. Tôi thấy tôi bé nhỏ bay lên cùng cỏ, để rồi nhớ. Tôi nhớ, gió của cánh đồng làng thơm lựng khi mùa lúa lên hương. Những bờ vùng, bờ thửa, những bờ mương cỏ cũng đã lên mê, đan vào nhau xanh om. Cỏ lan ra lòng đường khiến những con đường chỉ còn lối nhỏ. Những người cắt cỏ cho trâu, bò, ngựa hay bỏ chuồng lợn làm phân xanh cắt xoàn xoạt những túm cỏ ngắn xếp vào xảo trong đôi quang gánh. Mùi cỏ ngái cả một góc đồng, trơ những gốc gác của những loài cỏ dại. Nào là cỏ gấu, cỏ gà, cỏ mần trầu… những loài cỏ mà trẻ con chúng tôi thường đọc vanh vách tên mà chẳng nhớ ai bảo cho. Những cỏ gấu, có cái củ bé xíu, đen sì thường được đào lên, rửa trong mương nước hay một chầu nước ruộng nhà ai rồi lấy móng tay cạo cái vỏ đen với những nhánh rễ mọc ra tua tủa để nhấm nháp. Thưởng cái mùi vị tê, cay của củ gấu ấy để rồi nhớ đến suốt đời. Cỏ gà lan nhanh, rễ bám chắc, thỉnh thoảng 1 nhánh đốt lại cho một “con gà” đám trẻ trâu vẫn tìm thứ này trước những chặng cắt cỏ của các bà các chị. Đồng không mông quạnh chỉ có đám trẻ trâu và gió, thì đúng là cỏ làm bạn. Những tràng cười không dứt vì thắng chọi gà còn trở lại trong giấc ngủ đêm, còn lại cho mãi về sau.

Cỏ lồng mực bị vơ vứt lên bờ, không ngờ lúa xanh, thì lồng mực cũng đã cao hơn. Đôi người phải đi cắt lồng mực không sợ nó ăn hết chất của lúa. Nhiều người bảo, cắt non, chứ cắt già, trâu bò ăn sau phân ra đồng, hạt ấy mọc vẫn át lúa. Đấy là người lớn có kinh nghiệm nói thế, chứ đôi đứa trẻ mải chơi, đi chăn trâu bố mẹ bảo kiếm thêm bao tải cỏ thì cứ cắt đầy bao đem ra mương rửa quáng quàng cho xong, chứ tính gì loại cỏ.

Đồng có nhiều cỏ mần trầu, nhất là bên những con đường bờ vùng. Mấy chị tóc dài đi tháo nước hay vơ cỏ lúa về thường vẫn nhổ một buộc rơm đem về đun nước gội đầu. Thứ cỏ này cùng với bồ kết, vỏ bưởi thêm quả chanh hay quả khế chua gội đầu thì chỉ có nhất. Có những mái tóc thơm để nhớ đến suốt đời, có người nuối tiếc cho đến khi bạc tóc, không kiềm nổi trong câu chuyện vẫn nói “giá như”. Có một mùa Xuân nàng đã chẳng tìm cỏ mần trầu lối đồng Me mà theo chồng lên tỉnh. Người ở lại đi tháo nước ruộng mạ trách mình sao vụng, không sắm cau trầu sang ngay nhà bên ấy từ vụ tháng 10, vì gái có thì ai người chờ được, người trên tỉnh thì lại “liền tay” đi dầu, dạm hỏi. Con đường cỏ mần trầu vẫn xanh, lạ cho thứ cỏ này, mùa nào cũng có, nhưng vắng một người không kiếm cỏ như mùa qua, để những ngẩn ngơ cho anh thợ cày bấy lâu chả hết.

Có những con đường lại rợp cỏ may, người ta truyền miệng rằng cỏ may là hóa kiếp của một người phụ nữ thủy chung, theo chân người đời đi tìm chồng. Nàng chịu làm phận cỏ tha phương để tìm dấu yêu của mình. Có lẽ khi nàng gặp lại chồng, loài cỏ này sẽ hết. Nhưng người đời chưa bao giờ thấy hết, hoa cỏ may bám chân người đi đâu không cần biết, nàng chỉ ước mong tìm được người xưa. Tình yêu đẹp và xót xa quá! Nghe như đâu đó, với người đời, nghe như đâu đó, giọt nước mắt vì tình yêu cũng chưa khô trên khóe mắt phụ nữ bao giờ…

Tôi nhớ những đêm hội làng, sân quán ướt mưa, cỏ tắm mưa ướt sượt, để rồi người trong làng, trong tổng về đây chiêm bái thánh, cỏ nát dưới chân bao người. Trong không khí trang nghiêm của đêm tế thánh canh đêm, bao người đã thức trọn. Những ước nguyện theo khói hương về với trời xa thăm thẳm, ước nguyện theo mưa Xuân thấm xuống đất nâu thâm trầm. Còn trời đất, có thánh nhân, người hồn hậu đi trong lẽ thuận sẽ đón nhận phúc lành. Cỏ nát dưới chân bao người, nồng ngái một mùi rất đặc biệt. Dường như chỉ thấy mùi này trong những đám hội mùa Xuân. Những nhớ nhung cũng rong ruổi trong mưa, rơi xuống cỏ. Hội Tổng nên người nhiều làng đi xem hội, đám con trai đội mưa đi tìm cô gái của mình. Hội vắng bóng người, đêm tĩnh lặng, cỏ giữ lại những hạt mưa, để rồi không lâu sau đó, sân quán cỏ lại mọc ken dầy, như chưa từng nát. Những bông hoa màu trắng, màu vàng hay tím, hồng vẫn nở từ những mảng cỏ nát hội đêm nào. Những bông hoa vẫn nở đẹp nhất chẳng vì ai, chẳng vì những lẽ thông thường như người đời vẫn nghĩ. Hoa sinh ra giữa đất trời, hoa đến mùa sẽ nở, đẹp xinh, thao thiết trong gió mây. Dẫu đời hoa có khi chỉ là khoảnh khắc, rồi mưa dội, người vô tình bước qua, nhưng hoa cũng đã ló rạng, đã mỉm cười. Phận cỏ có lẽ thanh thản vậy nên dẫu có đi đến tận cùng thì vẫn hồi sinh rất nhanh.

Tôi lại nhớ, nhớ những bông hoa cỏ dại tôi đã hái, loài có tên, loài lại không có một cái tên. Người vô tình, cũng lại có những người thảng thốt vì vẻ đẹp của hoa. Tôi đã từng ngắt những bông hoa ấy, cùng với hoa chua me đất hay hoa ké vàng, ké đầu ngựa, hoa nhọ nồi… cắm vào một cành gai cam cút, lấy đất sét bọc làm chân đế, tôi đã có một cành hoa lung linh trong ánh chiều tà ở cánh đồng làng mình thủa nào. Mãi sau này, khi lớn hơn tôi mới định hình được giấc mơ thủa rằng, tôi mơ là một bông hoa cỏ, hoa trắng, nhị vàng, dịu dàng và khôi nguyên, tôi sẽ thuộc về đồng cỏ, sẽ hồi sinh như cỏ sau những chặng đường. Tôi thơm ngái như lá cỏ, đến mùa là đơm những bông hoa đẹp nhất. Tôi an nhiên và đón nắng mưa như tất thảy, đương nhiên tôi cũng chịu những lôi đình của bão dông, của số phận.

Bao năm qua, tôi thủy chung với cỏ, tôi nhận cái vị ngái nồng ấy thuộc về mình, tôi nhận bông hoa không tên gọi ấy là tôi. Tôi sống chan hòa trong đất trời, chấp nhận bão dông, ngày mai có khắc nghiệt, thì còn tiềm tàng trong trời đất khát vọng và đức tin rằng mình sẽ hồi sinh. Tôi tự bay lên trời xanh bằng cách của mình, rễ lan bám sâu vào lòng đất, uống hạt sương mai trong lành, ngọt lịm, để tâm hồn thanh sạch chạm vào mây. Tôi đã thấy bao la theo cách của gió, theo cách của thiên thần.

Tôi đã kiêu hãnh bởi thành thực với mình, thành thật với số phận và không bao giờ ngừng ước mơ.

Tôi là cỏ.

Nguyễn Minh Hoa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/co-tintuc464585