Có biên chế vẫn thiếu giáo viên

Ngành GD-ĐT tiếp tục đứng trước tình trạng thiếu giáo viên, trong khi nhiều trường được giao biên chế vẫn không tuyển dụng được. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, không riêng Đồng Nai.

Giáo viên Trường tiểu học Phan Đình Phùng (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy học sinh lớp 1. Ảnh: C.Nghĩa

Bài toán có biên chế nhưng vẫn thiếu giáo viên sẽ khó lòng giải quyết được nếu các chính sách liên quan đến đào tạo không được khơi thông, chế độ tiền lương và thu nhập của giáo viên chưa thể cải thiện một cách căn cơ.

* Thiếu 1.711 giáo viên

Tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhất là khi toàn ngành GD-ĐT bắt tay vào triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 ở tất cả các bậc học phổ thông. Nhu cầu biên chế giáo viên ở Đồng Nai luôn ở mức cao, vì tỉnh có số lượng học sinh lớn thứ 5 cả nước, chỉ sau Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Thanh Hóa.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, toàn tỉnh có 922 trường học trong đó 723 trường công lập, còn lại là trường tư thục. Biên chế ngành GD-ĐT được giao năm 2023 là 31.817 người, gồm: cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Số lượng biên chế đang sử dụng là 29.430 người, còn thiếu so với biên chế được giao là 2.387.

Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:

Kiến nghị điều chỉnh chính sách cho giáo viên

Ngành GD-ĐT Đồng Nai đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT điều chỉnh khung lương với bậc mầm non. Cụ thể, vào thời điểm tuyển dụng, nếu giáo viên đủ chuẩn thì được hưởng ngay lương bậc 2. Mặt khác, kiến nghị nâng phụ cấp cho giáo viên mầm non đang làm việc từ 75% như hiện nay lên 100%.

Tổng số giáo viên còn thiếu (không tính cán bộ quản lý) là 1.711 giáo viên, trong đó mầm non thiếu 487 giáo viên, tiểu học thiếu 675 giáo viên, THCS thiếu 348 giáo viên, THPT thiếu 201 giáo viên.

Hiện bậc mầm non và tiểu học đứng đầu về số lượng giáo viên còn thiếu so với biên chế được giao. Đối với các bậc học còn lại, chủ yếu thiếu giáo viên ở các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Giáo dục công dân...

Không ít trường tại Đồng Nai thời gian qua đã liên tiếp tuyển dụng giáo viên ở các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học nhưng đến nay vẫn không tuyển được. Hiệu trưởng Trường tiểu học Long Đức (xã Long Đức, H.Long Thành) Nguyễn Lam Kiều cho hay, trường đã đăng thông báo tuyển dụng từ đầu năm đến nay 2 lần, nhưng vẫn chưa tuyển được giáo viên.

* Không thể “tự quyết”

Đứng trước tình trạng thiếu giáo viên, khó tuyển dụng, tháng 6-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã làm việc với ngành GD-ĐT và các địa phương. Tuy nhiên, đến nay ngành GD-ĐT và các địa phương vẫn rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm” khi giáo viên thiếu vẫn hoàn thiếu.

Đứng trước tình trạng thiếu giáo viên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tham mưu gửi Bộ GD-ĐT xin ý kiến với các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật cho phép tỉnh được hợp đồng với những người được đào tạo qua các lớp âm nhạc, mỹ thuật. Tuy nhiên, văn bản gửi từ tháng 11-2022 đến thời điểm này Bộ vẫn chưa trả lời.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho rằng, việc khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên không nằm trong khả năng giải quyết của chính ngành GD-ĐT Đồng Nai cũng như các địa phương khi “nguồn cung” giáo viên từ các trường đại học sư phạm rất ít so với nhu cầu. Nhiều trường chuyên ngành đào tạo sư phạm nhưng không đào tạo các ngành sư phạm mà tỉnh đang thiếu giáo viên. Cụ thể là Trường đại học Đồng Nai, cơ sở có đào tạo các ngành sư phạm duy nhất của tỉnh thì các ngành: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Thể dục lại không có đào tạo.

Hiện nhiều địa phương, nhất là một số địa bàn vùng sâu, vùng xa đang gặp nhiều khó khăn do giáo viên không muốn đến công tác như: xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu), xã Đak Lua (H.Tân Phú), xã Thanh Sơn (H.Định Quán). Thậm chí có giáo viên sau khi trúng tuyển, nhận quyết định phân công về trường công tác nhưng chỉ đến một lần rồi không quay trở lại, vì đi lại quá xa, thu nhập quá thấp.

Theo lãnh đạo các phòng GD-ĐT, dù có thực hiện phân cấp, phân quyền cho các trường được phép tuyển dụng thay vì UBND huyện trực tiếp tuyển dụng rồi phân công về các trường nhưng cũng chưa đủ mạnh để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Thực tế lương giáo viên hiện vẫn ở mức thấp so với mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, với giáo viên mầm non mới tuyển dụng, hệ số lương khởi điểm là 2,1 và chỉ được hưởng 85% lương (khoảng 3 triệu đồng). Mức lương này còn thấp hơn cả vị trí bảo vệ và nhân viên tạp vụ ở trường.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202401/co-bien-che-van-thieu-giao-vien-4e840dc/