CIEM: Tăng trưởng năm 2024 có thể đạt 6,48%

Trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 2 kịch bản cho năm 2024 với mức tăng trưởng có thể đạt 6,13% - 6,48%.

“Chúng ta đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế

Chia sẻ tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”, do CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức sáng 15.1, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng, năm 2023 đã khép lại với rất nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế thế giới và khu vực.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đ. Thanh

Trước bối cảnh đó, Việt Nam vẫn kiên định với các định hướng cải cách, giải pháp điều hành nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

“Thực tế cho thấy, Việt Nam không chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế. Các động lực ấy đến từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và thể chế liên kết vùng”, Viện trưởng CIEM bình luận.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, đại diện cho nhóm nghiên cứu, kết quả nổi bật nhất của năm 2023 là chúng ta đã tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế đã thể hiện khá rõ nét đà phục hồi tăng trưởng trong nửa cuối năm.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 tăng 5,05%, thấp hơn 1,45 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (6,5%) nhưng đã có sự cải thiện giữa các quý. Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế không đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát.

Khu vực doanh nghiệp cũng chứng kiến những chuyển biến tích cực trong nửa cuối 2023. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt mức kỷ lục, đạt gần 160.000 doanh nghiệp, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm.

Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2023.

“Kết quả này cho thấy khu vực doanh nghiệp đang có sự cơ cấu lại, song niềm tin vào triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn được củng cố”, nhóm nghiên cứu của CIEM đánh giá.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đ. Thanh

Bên cạnh đó, kinh tế có nhiều điểm sáng như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023 (4,5%).

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 33,5% GDP, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Vốn FDI thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với 2022, đánh dấu số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua…

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vẫn là ưu tiên quan trọng

Trên cơ sở nền tảng của năm 2023, đánh giá những cơ hội, tiềm năng trong năm 2024, các chuyên gia của CIEM đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng của nền kinh tế.

Theo kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt mức 6,13%; xuất khẩu tăng 4,02%; thặng dư thương mại ở mức 5,64 tỷ USD; lạm phát bình quân ở mức 3,94%.

Theo kịch bản 2, tăng trưởng sẽ đạt 6,48%; xuất khẩu tăng 5,19%; thặng dư thương mại đạt 6,26 tỷ USD; lạm phát bình quân 3,72%.

CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt 6,48%. Ảnh minh họa: ITN

Để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, chuyên gia của CIEM đề xuất, bước vào năm 2024, Việt Nam càng phải quyết liệt hơn với cải cách thể chế kinh tế để tăng tốc phục hồi tăng trưởng.

Tư duy nhấn mạnh hơn vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là phù hợp, song không đủ. Việt Nam phải sớm cụ thể hóa các giải pháp chính sách cho đổi mới sáng tạo gắn với cải thiện năng suất lao động và đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu thông qua các FTA là rất quan trọng, nhưng không làm mất vai trò của tư duy thích ứng với thị trường.

“Chính ở đây, tư duy chính sách cần tiếp sức cho doanh nghiệp trong quá trình thích ứng, và bản thân doanh nghiệp cũng cần nhận thức yêu cầu bán sản phẩm thị trường cần, chứ không phải bán sản phẩm mà doanh nghiệp có”, Báo cáo của CIEM nhấn mạnh.

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vẫn là những ưu tiên quan trọng đối với Việt Nam. Khác với các năm trước, trong năm 2024, Việt Nam đã có “hành trang” là khung chính sách tương đối hoàn thiện hơn. Song, cần sớm có các cơ chế thử nghiệm phù hợp để “chắp cánh” cho các mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp hướng tới tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

Về cải cách nền tảng kinh tế vi mô, cần tiếp tục thực hiện thông qua hướng dẫn, tổ chức triển khai hiệu quả các luật căn bản của thể chế kinh tế thị trường như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Quản lý nợ công; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật an ninh mạng; Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)….

Tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nhận diện, ban hành khung chính sách và chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm hình thành một hệ sinh thái hiện đại cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam; rà soát, tháo gỡ các vấn đề về chính sách cạnh tranh trong kinh tế số.

Cùng với đó, cần hoàn thiện khung pháp lý để tận dụng cơ hội từ các mô hình kinh tế mới. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, ban hành các Nghị định của Chính phủ về cơ chế thí điểm trong các lĩnh vực fintech, kinh tế tuần hoàn. Rà soát các quy định pháp lý liên quan đến các mô hình, hoạt động kinh tế ban đêm để sớm kiến nghị hướng tháo gỡ. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA…

“Chính phủ cũng đã nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị về các vấn đề cần tháo gỡ, trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, khó khăn đối với hấp thụ vốn,… để từ đó có những chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ. Nếu duy trì và làm sâu sắc hơn chất lượng cải cách thể chế, kinh tế Việt Nam có thể tự tin về khả năng có những kết quả tích cực trong thời gian tới”, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh tin tưởng.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/ciem-tang-truong-nam-2024-co-the-dat-6-48--i357563/