Chuyện về những ngôi chùa Khmer nuôi giấu cán bộ cách mạng

Không chỉ độc đáo bởi nghệ thuật kiến trúc, hội họa, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Khmer, nhiều ngôi chùa Khmer còn in đậm dấu ấn lịch sử cách mạng của phong trào chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, cứu nước năm xưa và hôm nay các vị sư sãi, các chùa đang tiếp tục xây dựng, bảo vệ đạo pháp, dân tộc.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến chùa Majjmaram Chruitimchas (Trà Tim) tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, khóm Tâm Trung, phường 10, TP Sóc Trăng. Đây là ngôi chùa được UBND tỉnh Sóc Trăng xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2004.

Không chỉ độc đáo bởi nghệ thuật kiến trúc, hội họa, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Khmer, nhiều ngôi chùa Khmer còn in đậm dấu ấn lịch sử cách mạng của phong trào chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.

Trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nơi đây là điểm tập hợp lực lượng bộ đội ta tiến vào thị xã Sóc Trăng, gây tổn thất nặng nề cho kẻ địch. Nhà chùa, phật tử đã nhiều lần biểu tình chống chiến dịch bắt lính đôn quân, nổi dậy chống ý định dời chùa của bọn ngụy quân ngụy quyền, nhằm biến ngôi chùa thành phi trường để bọn chúng mở rộng bàn đạp tấn công đàn áp phong trào kháng chiến của quân dân ta.

“Sự kiện đấu tranh của sư sãi và đồng bào Khmer diễn ra không thương vong, không mất mát, nhưng thắng lợi của nó là tiền đề mở màn cho phong trào đấu tranh chống đôn quân bắt lính và đàn áp sư sãi khắp nơi trong tỉnh. Sự tồn tại của ngôi chùa tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng tổ chức các cuộc tiến công, tập kích đánh phá sân bay, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, góp phần vào thắng lợi chung trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước", ông Điền Vôn, Phó ban quản trị chùa cho biết.

Ông Điền Vôn, Phó ban quản trị chùa Trà Tim kể lại quá trình đấu tranh trực diện chống âm mưu dời chùa đi nơi khác để mở rộng sân bay Sóc Trăng của Mỹ - Diệm.

Trong giai đoạn chiến tranh chống Pháp và Mỹ, chùa Ô Mịch ở xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cũng là nơi nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng, nơi tập trung lực lượng trong vùng tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị. Đặc biệt, có 29 vị sư sãi đã tham gia bộ đội, trực tiếp cầm súng chống đế quốc Mỹ.

Ông Thạch Đa Ny, Ban quản trị chùa Ô Mịch kể lại: "Năm 1957-1958, chùa Ô Mịch dưới sự trụ trì của sư cả Thạch Som đã xây một hầm bí mật dưới bàn thờ Phật tại chính điện để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Nhiều đồng chí cán bộ tại địa phương cũng như cán bộ của huyện, tỉnh đã được nhà chùa nuôi chứa, chở che như: Đồng chí Thạch Sa Bút (Ma ha Sa Bút), Kim Sim (Chín Soái), Bảy Chánh, Bảy Phong, Tư Quỳnh, Hai Hà… Đây là quyết định táo bạo, bởi chính điện là nơi thờ Phật cũng là chốn hành lễ tôn nghiêm, bất khả xâm phạm".

Trong hai năm này, chùa Ô Mịch là trung tâm sinh hoạt chính trị, địa điểm triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, nơi tập trung lực lượng trong vùng đấu tranh chính trị. Dưới sự mưu trí của bà Thạch Thị Thanh, một cán bộ phụ nữ đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị và góp sức của các sư sãi, vào ngày Đon-ta năm 1962, các sư sãi và phật tử đòi địch phải rút khỏi chùa để bà con lễ phật; một mặt lễ phật nhưng mặt khác là hợp đồng với các đơn vị trong huyện với bộ đội của tỉnh do đồng chí Bí thư Huyện ủy Hồ Nam (Năm Đạt) và đồng chí Huyện đội trưởng Phạm Công Trung (Sáu Chánh) trực tiếp chỉ huy tiến hành công kích địch.

Với phương án đánh địch bằng 3 mũi: Chính trị, binh vận và quân sự vạch ra, đêm 23 rạng sáng 24-9-1962, bà con đã đồng loạt nổi lửa tự đốt các các chòi tre rồi kéo lên quận đấu tranh đòi địch phải bồi thường nhà ở và tài sản, vì chính phủ quốc gia đã không bảo vệ được để Việt cộng về đốt phá. Tên quận trưởng buộc phải đích thân đi thị sát và trấn an đồng bào. Trúng kế của nhân dân, đêm 30-9-1962, địch dùng máy bay oanh tạc ném bom bắn phá quanh chùa rồi đưa quân từ Cầu Kè đến chi viện. Đúng như dự đoán, chúng đã đi đúng vào nơi phục kích của du kích hai xã Châu Điền và Hòa Ân cùng Đại đội 509 của tỉnh. Kết quả, ta tiêu diệt một trung đội địch, bắn rơi một máy bay trực thăng, thu nhiều vũ khí. Số sống sót bỏ chạy toán loạn, bọn địch ở trong chùa hoảng hốt bỏ đồn rút chạy về Cầu Kè, ấp Ô Mịch được giải phóng.

Trong giai đoạn chiến tranh chống Pháp và Mỹ, chùa Ô Mịch ở xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh là nơi nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng, nơi tập trung lực lượng trong vùng tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị.

"Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho kháng chiến, chùa Ô Mịch đã đóng góp nhiều của cải vật chất cho cách mạng. Chùa cũng là đơn vị dẫn đầu trong việc góp và vận động quần chúng đóng góp lúa gạo, của cải nuôi quân kháng chiến. Đặc biệt, có 29 sư sãi khi hoàn tục đã gia nhập bộ đội chống Mỹ, cứu nước", ông Thạch Đa Ny cho biết.

Năm tháng trôi qua, nhưng những vết đạn pháo trên các vách tường ở một nơi thờ tự lâu đời của các ngôi chùa là minh chứng cụ thể cho lòng yêu nước của đồng bào Khmer… Và trong những đoàn quân tiến vào giải phóng các tỉnh lỵ khắp Đồng bằng sông Cửu Long ngày đó, có hàng vạn đồng bào Khmer Nam Bộ - những người có tinh thần yêu nước nồng nàn, thấu hiểu giá trị của những cụm từ hòa bình, độc lập, thống nhất và cội nguồn sức mạnh của Tổ quốc Việt Nam, đó là “Đại đoàn kết toàn dân tộc”…

Bài, ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/chuyen-ve-nhung-ngoi-chua-khmer-nuoi-giau-can-bo-cach-mang-774716