Chuyện về người chiến sĩ Điện Biên năm xưa

Đến thăm cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thanh, người lính Điện Biên năm xưa, hiện ở thôn Đồng Minh, xã Hoàng Thanh (Hiệp Hòa), trước mắt tôi là rất nhiều Huân, Huy chương được đóng khung cẩn thận treo trang trọng trên tường và một cụ ông tuổi đã cao nhưng dáng nhanh nhẹn, nói chuyện rất duyên.

Trong câu chuyên, khi tôi hỏi về cuộc đời quân ngũ, mắt ông sáng lên và chậm rãi kể rành mạch về những dấu ấn trong cuộc đời mình. Theo đó, ông Thanh sinh ngày 10/10/1929 - năm nay 95 tuổi, quê ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Tháng 1/1945, mới 16 tuổi ông vào thiếu sinh quân, làm liên lạc ở chiến khu Việt Bắc. Sau khi cả nước giành chính quyền tháng 8/1945, ông được giao phụ trách đội thiếu sinh quân, sau đó được cử đi học lớp A trưởng (tức tiểu đội trưởng) trinh sát của quân khu.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thanh.

Tháng 10/1947, khi thực dân Pháp huy động lực lượng mở cuộc hành quân lên Việt Bắc hòng tiêu diệt quân chủ lực, tiêu diệt cơ quan đầu não của ta với hy vọng kết thúc chiến tranh. Quân Pháp chia làm 3 cánh quân tiến lên Việt Bắc. Cánh thứ nhất đổ quân xuống Chợ Đồn, Chợ Mới, thị xã Bắc Kạn. Cánh thứ hai theo đường số 4 từ Lạng Sơn đánh lên Cao Bằng rồi vòng xuống Bắc Kạn. Cánh quân thứ 3 ngược sông Hồng lên Tuyên Quang, Chiêm Hóa. Chiến dịch này, ông Thanh và đồng đội tham gia đánh trận trên sông Thao. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ngày 15/5/1948 ông vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Về chiến dịch Điện Biên Phủ, người lính già tâm sự: “Năm nay tròn 70 năm kể từ ngày chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tham gia chiến dịch này khi đó tôi là chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Về chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi không thể không nói đến những ấn tượng trong tôi. Trước hết, Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương, là “pháo đài khổng lồ không thể công phá” và rải truyền đơn thách thức quân ta tấn công. Rồi việc quân ta thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Ấn tượng thứ hai là kéo pháo ra khỏi trận địa để chuẩn bị bố trí thế trận theo phương châm tác chiến mới. Hành trình vô cùng vất vả và trong các đơn vị từ chỉ huy đến chiến sĩ không phải không có tư tưởng nóng vội, ngại khó khăn, gian khổ. Nhưng quân lệnh như sơn, tất cả phải chấp hành. Kéo khẩu pháo nặng 2,5 tấn bằng sức người vượt qua những sườn núi cao hơn một nghìn mét không phải chuyện dễ dàng. Trong khi máy bay địch nhòm ngó, thả bom, bắn phá liên tục khiến công cuộc kéo pháp càng thêm gian khổ, hy sinh. Với quyết tâm cao độ, các đơn vị đã hoàn thành việc kéo pháo ra, rồi kéo pháo vào các hầm che chắn. Thực tiễn chiến dịch, cùng với quân và dân ta, lực lượng pháo binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cùng đó, do chuyển phương châm tác chiến nên phải đào hầm. Quân ta đào hàng trăm km hầm hào như thòng lọng siết chặt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hầm đào chia cắt cả sân bay Mường Thanh. Đào hầm vô cùng gian khổ, quân ta phải chia ra từng đoạn. Bộ đội ta còn bện những con cúi bằng rơm để chắn đạn, đào đến đâu lăn đến đấy. Đặc biệt ấn tượng là chiến công của quân ta khi đào hầm đặt ngót một tấn bộc phá ở đồi A1 làm nổ tung hầm ngầm của địch, tạo thuận lợi cho quân ta xung phong chiếm lĩnh trận địa ”.

Thoáng trầm ngâm, CCB Nguyễn Xuân Thanh tiếp dòng hồi tưởng: “Nếu không thay đổi theo cách đánh của Đại tướng- Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thì sự hy sinh không thể đong đếm, hậu quả khôn lường. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi tham gia đánh Đồi Độc Lập ở phân khu Bắc với cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn 3. Trong trận đánh Bản Kéo tôi bị thương vì mảnh pháo của địch. Nay vài mảnh đạn vẫn trong đầu. Để có được chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy là thành quả chung của cả dân tộc; là những tấm gương chiến đấu anh dũng, quả cảm, tiêu biểu như các anh hùng: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phùng Văn Khầu, Chu Văn Mùi, Hà Văn Nọa, Tạ Quốc Luật, Trần Can và biết bao anh hùng khác. Chúng tôi chỉ là những giọt nước nhỏ nhoi trong biển cả ấy".

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1955, CCB Nguyễn Xuân Thanh được phong quân hàm Đại úy, chuyển về công tác tại Sư đoàn 305, rồi Sư đoàn 338. Năm 1964 ông vào miền Nam, biên chế tại Sư đoàn 5 chiến đấu ở ở miền Đông Nam Bộ… Ở chiến trường 9 năm, năm 1973 ông được điều ra Bắc. Năm 1979 ông được phong quân hàm Trung tá, Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 431, sau đó nghỉ hưu theo chế độ.

Trở về đời thường, người lính chiến năm xưa sống cuộc đời bình dị và có nhiều đóng góp xây dựng quê hương. Ông từng được lên sóng Đài Truyền hình Việt Nam trong chuyên mục “Chuyện người tử tế”. Thấy tôi thắc mắc về lý do xây dựng gia đình muộn, ông tâm sự: “Tôi xây dựng gia đình từ lâu, có một con trai. Tuy vậy, tháng 11/1970, vợ và con trai 10 tuổi của tôi bị Mỹ sát hại tại Sơn Tây. Khi đó tôi đang chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, mãi sau này mới biết thông tin". Được biết, hơn 10 năm sau ông mới đi bước nữa. Ô bà có hai con trai, con cả Nguyễn Xuân Thái (sinh năm 1985) là Tiến sĩ, con thứ là Nguyễn Xuân Hải (sinh năm 1988) là Kỹ sư thủy lợi.

Đào Hồng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chuyen-ve-nguoi-chien-si-dien-bien-nam-xua-174052.bbg