Chuyện về nghị lực của người phụ nữ khuyết tật

Khi vừa lọt lòng mẹ, chị Lê Kim Tiền, ấp Lộ Ngang, xã Bình đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã bị khuyết tật. 30 năm trôi qua cũng là khoảng thời gian chị Tiền không thể đi lại bình thường như bao người khác. Tuy nhiên, dù đôi chân không lành lặn, nhưng bằng ý chí và nghị lực của mình, chị Tiền đã cố gắng vươn lên trong cuộc sống, cần cù lao động để nuôi bản thân và con nhỏ, không là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đứa con trai 5 tuổi kháu khỉnh, ngoan ngoãn là động lực để chị Tiền cố gắng hơn trong cuộc sống.

Đứa con trai 5 tuổi kháu khỉnh, ngoan ngoãn là động lực để chị Tiền cố gắng hơn trong cuộc sống.

Ấn tượng mà chị Tiền để lại trong tôi khi lần đầu gặp gỡ, trò chuyện đó là người con gái khá xinh đẹp và đặc biệt là tinh thần lạc quan, vượt lên số phận, có khát vọng tự nuôi sống bản thân, gia đình. Chị Tiền chia sẻ: "Là chị lớn trong gia đình có 3 chị em. Khi sinh em ra thì 2 chân của em không có đùi, chân trái lại ngắn hơn chân phải. Mặc dù ba mẹ đã cố gắng vay mượn, chạy chữa khắp nơi nhưng số phận vẫn nghiệt ngã với em. Đến năm 10 tuổi, em hoàn toàn không đi được mà chỉ “trườn và bò”. Hằng ngày, ba mẹ phải đưa rước em đến trường. Thấy các bạn chạy nhảy vui đùa mà em chỉ âm thầm cố gắng luyện tập để đi được trên 2 chân mà không phải “bò” nữa. Sau nhiều năm luyện tập, em đã đi được trên chính đôi chân của mình".

Khi thấy bản thân thấp bé, chỉ cao có 80 cm, để ba mẹ không phải vất vả, lo lắng cho mình, chị Tiền luôn cố gắng, không cho phép mình đầu hàng số phận, luôn phấn đấu trong học tập. Khi học xong lớp 12, chị thi đậu vào ngành Kế toán của Trường Đại học Tiền Giang. Trong thời gian học, chị nhận được nhiều sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè.

Hằng ngày, chị Tiền đưa con trai đi học trên chiếc xe lắc điện.

Hằng ngày, chị Tiền đưa con trai đi học trên chiếc xe lắc điện.

Tốt nghiệp ra trường, chị Tiền xin làm thu ngân cho một quán ăn. Sau 1 năm, do hoàn cảnh gia đình, chị Tiền xin vào bán căn tin cho một công ty tại Khu công nghiệp Mỹ Tho. Tại đây, chị quen và nên duyên với một người con trai đang làm công nhân tại đây. Cuộc sống hạnh phúc đến với chị không được bao lâu, sau khi sinh con được 2 tuổi thì người chồng đã lặng lẽ bỏ đi. Vì con, chị một lần nữa phải mạnh mẽ vượt lên số phận.

Được các nhà hảo tâm giúp đỡ xây cho mẹ con chị Tiền căn nhà nhỏ và hỗ trợ vốn đủ để chị mở tiệm tạp hóa tại nhà. Hơn 3 năm qua, chị Tiền kiên trì với công việc bán hàng tạp hóa để nuôi bản thân và chăm lo cho đứa con trai kháu khỉnh. Giờ đây, hằng ngày chị Tiền đưa con đi học trên chiếc xe lắc điện được nhà hảo tâm trao tặng. Về nhà, vừa bán tạp hóa chị vừa đăng bán sản phẩm hàng hóa trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook.

Chị Tiền cho rằng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác vì xung quanh luôn có những người thân, gia đình và bạn bè hỗ trợ. Do đó, chị sẽ cố gắng hết mình để không phụ lòng yêu thương của gia đình, bạn bè và những người xung quanh. Chị hy vọng những người khuyết tật như chị luôn tự tin vượt lên số phận, chăm chỉ làm việc, sống vui vẻ, hãy làm điều có ích cho gia đình và xã hội.

Chia tay mẹ con chị Tiền, tôi thật sự khâm phục nghị lực phi thường của cô gái nhỏ nhắn đã tự đứng lên trong khó khăn để chữa lành cuộc đời mình. Câu chuyện về cuộc đời của chị Tiền đã đọng lại trong tôi và những người xung quanh một nguồn năng lượng mạnh mẽ để tiếp tục phấn đấu, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

PHƯƠNG MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202404/chuyen-ve-nghi-luc-cua-nguoi-phu-nu-khuyet-tat-1007387/