Chuyện về 'máy tính sống' của NASA

Katherine Johnson - nữ khoa học gia được mệnh danh là 'máy tính sống' của NASA mất vào ngày 24/2, ở tuổi 101.

Katherine Johnson thực hiện công việc giải toán tại NASA, bức ảnh được chụp năm 1962 - Ảnh: NASA

Bà là một trong những tượng đài ít được nhắc tên, mãi đến khi bộ phim “Hidden Figures” ra mắt, toàn thế giới mới biết đến công lao của bà.

"Hidden Figures" là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh thế giới năm 2016. Bộ phim xoay quanh 3 người phụ nữ Katherine Johnson, Mary Jackson và Dorothy Vaughan có công lớn nhất trong hành trình giúp nước Mỹ đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng lần đầu tiên. Để đạt được thành tích này, họ đã phải trải qua cuộc chiến khắc nghiệt bao gồm phân biệt giới tính và chủng tộc. Bộ phim dựa trên cuộc đời thật của 3 người phụ nữ được xem là khối óc sáng tạo của NASA nhưng lại bị lịch sử bỏ quên chỉ bởi họ là phái yếu và không phải người da trắng.

Tổng thống John F Kenedy tham quan Trạm Hàng không Cape Canaveral, nơi đỏi hỏi tính toán siêu chính xác mà bà Katherine Johnson tham dự, đảm bảo các phi hành gia trở về Trái đất an toàn.

Khi nhớ về những ngày đầu của NASA và các nhiệm vụ của tàu Apollo, người ta thường có xu hướng tập trung vào những người đàn ông đặt chân lên Mặt trăng. Việc tôn vinh những người đã đạt được những kỳ tích tuyệt vời về sự khám phá táo bạo không có gì sai trái, nhưng ít ai biết rằng họ sẽ không bao giờ làm được điều đó nếu không có phần công việc của bà Kinda Johnson.

Nếu không có sự chính xác trong từng phép tính của Katherine Johnson, cùng nhóm những nhà toán học nữ da màu gọi là “Computer Pool”, lịch sử của NASA có thể đã rất khác. Không có họ, sẽ không có những thuật toán đưa con người cùng tên lửa đi vào không gian và trở về một cách an toàn, và cũng sẽ không có chuyện Mỹ giành chiến thắng cuộc đua vũ trụ trước Liên Xô.

Nữ toán học huyền thoại Katherine Johnson. Ảnh: CNN

Giám đốc NASA Jim Bridenstine viết trên Twitter rằng, gia đình NASA sẽ không bao giờ quên sự can đảm của bà Katherine Johnson cùng những thành tựu mà NASA đã đạt được với sự đóng góp của bà. Ông Bridenstine thêm rằng câu chuyện về bà Johnson sẽ tiếp tục là niềm cảm hứng cho nhiều người trên thế giới.

Trước đó, ông từng nói: "Sau 50 năm kể từ khi tàu Apollo 11 đáp xuống mặt trăng, chúng ta mới đứng đây tri ân những con người thầm lặng này - những người mà ở thời điểm đó, chưa được nhắc đến".

Tổng thống Barack Obama tặng Huân chương Tự do cho Katherine Johnson

Năm 2015, bà được cựu Tổng thống Obama trao Huân chương Tự do, 1 trong 2 giải thưởng dân sự cao quý nhất ở Mỹ, kèm lời tán dương: "Bà là người tiên phong phá tan ranh giới của chủng tộc và giới tính, và cho lớp trẻ thấy rằng ai cũng có thể có thành tích đỉnh cao trong khoa học tự nhiên và vươn tới các vì sao". NASA quyết định lấy tên bà Katherine Johnson đặt tên cho tòa nhà Điện toán để vinh danh và ghi nhớ những đóng góp lớn lao của bà về du hành vũ trụ ngày 5/5/2016.

Mai Bùi

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-ve-may-tinh-song-cua-nasa-post74092.html