Chuyện về đội săn bắt chó thả rông

Để vây bắt được những chú chó chạy trên các tuyến phố, các thành viên Đội xử lý chó thả rông Vĩnh Nguyên (Nha Trang, Khánh Hòa) phải khôn khéo đặt vợt lưới ở vị trí phù hợp khiến chó lao vào thì không thể thoát ra.

Bắt nhiều chó thả rông

Đội xử lý chó thả rông Vĩnh Nguyên (thuộc phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang, Khánh Hòa) ra mắt giữa tháng 5/2023, với mục đích triển khai các biện pháp quản lý việc nuôi chó, bắt chó thả rông nơi công cộng để ngăn ngừa bệnh dại…

Thành viên Đội xử lý chó thả rông Vĩnh Nguyên chia sẻ, hành trang mang theo trong các buổi tuần tra, bắt chó thả rông gồm 1 chiếc lồng sắt và 1 chiếc vợt có đường kính rộng, tay cầm dài được bao lưới. Chó sau khi bắt sẽ cho vào lồng sắt chở về nơi nuôi nhốt tập trung.

Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, các thành viên trong đội thường lùa theo từ phía sau rồi chụp chiếc vợt từ trên xuống chú chó thả rông nên hiệu quả không cao. Sau này có kinh nghiệm, khi phát hiện chó thả rông, sẽ xua chó vào những con hẻm nhỏ đã giăng sẵn vợt ở đầu hẻm, bị thúc ép từ phía sau, chó thả rông sẽ lao thẳng vào vợt.

Hàng trang của Đội xử lý chó thả rông Vĩnh Nguyên trong mỗi chuyến tuần tra là vợt và lồng sắt.

Tham gia Đội xử lý chó thả rông Vĩnh Nguyên từ những ngày đầu thành lập, anh Nguyễn Thành Phát bộc bạch, đa số người dân trong các khu phố ở phường Vĩnh Nguyên đều ủng hộ việc xử lý chó thả rông. Trước mỗi chuyến tuần tra, bắt chó thả rông, các thành viên trong đội đều được phân công công việc cụ thể, 1 đến 2 người làm nhiệm vụ giăng vợt lưới, còn 3-4 người thì bao vây chó để xua chúng vào vợt.

Thành viên trong đội phải quây chó vào những đường nhỏ, ngõ hẹp, ít người qua lại để bắt vì nếu bắt ở những tuyến phố lớn thì tỉ lệ thành công không cao. Mặt khác, nếu chó sổng ra sẽ gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến người đi đường.

Chó thả rông lao vào vợt.

"Điều đáng mừng là mỗi lần chúng tôi quây bắt chó thì người dân và chủ vật nuôi đều không cản trở. Thời gian đầu, kỹ năng chưa thành thục, một số anh em cũng bị té ngã, xây xước nhẹ nhưng không ai bị chó tấn công cả. Sau khi chó chạy vào vợt thì chỉ việc úp miệng vợt vào lồng sắt, chó sẽ tự chạy vào lồng. Công việc này tuy vất vả, lực lượng lại mỏng nhưng chúng tôi luôn cố gắng với mong muốn sẽ nhanh chóng giúp người dân thay đổi nhận thức, nuôi chó thì không được thả rông" - anh Nguyễn Thành Phát kể.

Theo lãnh đạo UBND phường Vĩnh Nguyên, tháng đầu tiên sau khi thành lập, các thành viên Đội xử lý chó thả rông đi từng ngõ hẻm tuyên tuyền cho người dân hiểu, nuôi chó thì phải xích hoặc nhốt, tháng thứ 2 trở đi mới bắt đầu tuần tra. Kể từ ngày thành lập đến nay, Đội xử lý chó thả rông Vĩnh Nguyên đã bắt được hơn 50 chú chó thả rông.

Chó thả rông bị bắt được xử lý thể nào?

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống về việc xử lý chó thả rông sau khi bắt được, ngày 22/3, ông Trần Quang Thịnh - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết: "Chó thả rông sau khi bắt được sẽ thả vào khu vực nuôi nhốt trong khuôn viên phường Vĩnh Nguyên, hàng ngày có người chăm sóc. Sau đó, chúng tôi thông báo đến các tổ dân phố, phát trên loa truyền thanh xem nhà nào mất chó thì đến nhận. Khi đến nhận, chủ vật nuôi phải ký cam kết tuyệt đối không được thả rông chó nữa, nếu tái phạm sẽ bị xử phạt theo quy định. Trong thời gian qua, phường đã xử phạt 1 chủ vật nuôi tái phạm việc thả rông chó ra đường phố. Trường hợp đã thông báo nhiều ngày mà vẫn không có ai đến nhận chó bị bắt thì sẽ bàn giao cho các đơn vị quân đội trên đóng trên địa bàn để họ nuôi và huấn luyện bảo vệ doanh trại".

Đội xử lý chó thả rông hoạt động hiệu quả giúp thay đổi nhận thức của người dân về việc nuôi chó phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh.

Chó thả rông được đưa về phường Vĩnh Nguyên sau đó thông báo rộng rãi, ai mất chó thì đến nhận. Nếu chú chó nào không có người nhận sẽ được bàn giao cho một số đơn vị quân đội.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Đội xử lý chó thả rông Vĩnh Nguyên, ông Thịnh khẳng định, tuy mới hoạt động thời gian ngắn nhưng hiệu quả mang lại khá rõ rệt, các tuyến phố ở phường giảm mạnh chó thả rông. Cùng với đó, phần lớn người dân đã chủ động quản lý chó nuôi của mình.

Hiện nay, Đội xử lý chó thả rông Vĩnh Nguyên có 7 người, tiến hành tuần tra, bắt chó thả rông 2 lần/tuần, thời gian thay đổi linh hoạt vào sáng sớm hoặc chiều tối (thời gian người dân hay thả rông chó). Nếu trong quá trình bắt chó thả rông, không may có ai bị chó cắn sẽ được tiêm phòng, ngừa bệnh dại ngay.

Hà Đạo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-ve-doi-san-bat-cho-tha-rong-169240322160539703.htm