Chuyện về cử nhân trẻ làm giàu từ nghề nông

Không giống như nhiều người trẻ khác là tìm đến những khu, cụm công nghiệp để làm việc, anh Lê Hữu Hiệu, sinh năm 1988, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (TP. Sông Công), chọn gắn bó với nghề nông. Mô hình chăn nuôi lợn và trồng dưa chuột trong nhà màng đã đem lại cho anh thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Không giống như nhiều người trẻ khác là tìm đến những khu, cụm công nghiệp để làm việc, anh Lê Hữu Hiệu, sinh năm 1988, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (TP. Sông Công), chọn gắn bó với nghề nông. Mô hình chăn nuôi lợn và trồng dưa chuột trong nhà màng đã đem lại cho anh thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Anh Lê Hữu Hiệu.

Anh Lê Hữu Hiệu.

Anh Hiệu quê ở tỉnh Hưng Yên, năm 2013 anh quen và nên duyên với chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa ở tổ dân phố Pha. Mặc dù cả 2 vợ chồng đều có tấm bằng đại học trong tay, nhưng thay vì tìm một công việc phù hợp với chuyên môn được học thì anh chị lại chọn gắn bó với nghề nông. Với lợi thế có gần 1ha đất vườn đồi và được sự hỗ trợ của 2 bên gia đình, anh Hiệu quyết định đầu tư chăn nuôi lợn đực giống, với số lượng 5 con.

Anh Hiệu nhớ lại: Khi mới bắt đầu chăn nuôi do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Có những thời điểm tưởng chừng như phải bỏ nghề do đàn lợn bị dịch bệnh, phát triển không theo ý muốn. Tuy nhiên, được sự động viên và song hành của gia đình, tôi đã quyết tâm học hỏi những người đi trước, đọc sách báo, tìm hiểu trên mạng để có thêm kiến thức chăn nuôi.

Khi có kinh nghiệm, anh Hiệu cùng với bố mẹ vợ đầu tư xây dựng thêm hệ thống chuồng trại để nuôi lợn nái và lợn thịt theo hướng VietGAP. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh tăng dần tổng đàn, từ 10 con lợn lái và 100 con lợn thịt/lứa, anh đã phát triển lên thành 50 con lợn nái, 500 con lợn thịt/lứa và duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Mỗi năm anh Hiệu xuất bán ra thị trường trung bình 15 tấn lợn thịt cùng hàng trăm con lợn giống, sau khi trừ chi phí thu lãi được trên dưới 1 tỷ đồng.

Không dừng lại ở việc nuôi lợn, cách đây 2 năm, anh Hiệu còn đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng dưa chuột trong nhà màng trên diện tích hơn 3.000m2. Để có thể tận dụng lượng phân chuồng trong chăn nuôi, anh áp dụng kỹ thuật trồng dưa chuột trong môi trường giá thể (trộn giữa phân chuồng để hoai mục với xơ dừa).

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình dưa chuột đang cho thu hoạch, anh Hiệu chia sẻ: Trồng dưa theo mô hình này có nhiều ưu điểm như: Hạn chế được sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc, phân bón hóa học, tạo ra sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, chất lượng quả thơm ngon, mẫu mã đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng; ít chịu rủi ro do thời tiết, có thể trồng được quanh năm, thời gian từ trồng đến khi thu hoạch chỉ từ 40-45 ngày, năng suất, giá trị cao hơn so với canh tác theo cách truyền thống.

Năm 2022, anh Hiệu bán ra thị trường 5 tấn dưa chuột với giá 30 nghìn đồng/kg, trừ tất cả chi phí anh thu về trên 100 triệu đồng.

Để tạo niềm tin đối với khách hàng và đầu ra ổn định cho các sản phẩm, năm 2019 anh Hiệu và một số hộ gia đình đã thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi xanh. Hiện, các sản phẩm của Hợp tác xã chủ yếu cung ứng cho chuỗi nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

Bà Dương Thị Lưu, Chủ tịch UBND phường Lương Sơn, cho biết: Mô hình kinh tế của anh Hiệu đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương; giúp bà con nông dân học hỏi được những kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp sạch. Anh cũng là tấm gương cho các bạn trẻ ở địa phương.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/net-dep-doi-thuong/202304/chuyen-ve-cu-nhan-tre-lam-giau-tu-nghe-nong-0ea3a38/