Chuyện về 2 nhà cựu vô địch ASIAD

Dương Thúy Vi và Bùi Thị Thu Thảo từng vô địch ASIAD lần lượt các năm 2014 và 2018; là niềm tự hào của thể thao Việt Nam cũng Hà Nội. Đến ASIAD 19 này, cả hai vẫn thi đấu và kết quả đã phần nào đánh giá được hết khả năng hiện tại.

Chiếc Huy chương Đồng dành cho nghị lực “vàng”

Trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam dự ASIAD 19, thể thao Hà Nội đóng góp 2 nhà vô địch ASIAD Dương Thúy Vi và Bùi Thị Thu Thảo. Trong đó Dương Thúy Vi từng giành HCV duy nhất cho thể thao Việt Nam ở ASIAD năm 2014. Đó cũng là lần đầu tiên thể thao Hà Nội có VĐV giành HCV cá nhân ở ASIAD. Khi giành tấm HCV vào năm đó, Dương Thúy Vi mới 21 tuổi, độ tuổi sung sức nhất của một võ sĩ thi đấu nội dung biểu diễn trong môn Wushu. Đến năm 2018, khi không có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cô gái người Hà Nội không thể bảo vệ được ngôi vô địch, đành nhận HCĐ. Nhưng đó cũng là thành tích đáng kể, đáng ghi nhận của Dương Thúy Vi khi cô luôn tỏ ra chuyên nghiệp trong khâu tập luyện, chuẩn bị thi đấu.

Lần dự ASIAD 19, cũng là kỳ ASIAD thứ tư trong sự nghiệp VĐV của cô, mọi việc còn khó khăn hơn so với 5 năm trước. Chấn thương, tuổi tác, những khó khăn khách quan đến từ khâu tập huấn nước ngoài trong nhiều năm qua, đặc biệt khi xảy ra dịch COVID-19, đã ảnh hưởng nhiều đến khâu chuẩn bị cho kỳ ASIAD này của Dương Thúy Vi. Ở tuổi 30, thi đấu nội dung biểu diễn với hàng loạt động tác khó cũng đã là thách thức. Ngay chính người trong cuộc dù không dám hy vọng nhà cựu vô địch ASIAD 17 sẽ một lần nữa bước lên bục vinh quang ở ASIAD 19 nhưng cũng mong, ít ra Thúy Vi cũng vào nhóm giành huy chương. Bởi xét cho cùng, trong tất cả VĐV nội dung biểu diễn (Wushu) hiện nay của Việt Nam, chỉ Thúy Vi hội tụ đủ cả yếu tố chuyên môn, bản lĩnh để tranh chấp sòng phẳng huy chương ở các sân chơi châu lục, thế giới.

Cô từng kể rằng: "Trong tập luyện, tôi tự đặt ra cho mình tiêu chuẩn rất cao và luôn nỗ lực để hoàn thành. Còn khi bước lên thảm thi đấu, tôi chỉ xác định mình thực hiện được đúng như khi tập luyện và cố gắng để mọi thứ diễn ra một cách bình thường nhất. Thực sự, tôi luôn cố gắng thể hiện tốt nhất những gì mình sở hữu, còn kết quả đến đầu lại là câu chuyện khác”. Điều đó cũng lý giải vì sao khi cô chỉ xếp hạng 6 nội dung Kiếm thuật nhưng đến phần thi sở trường là Thương thuật, cô lại có sự bứt phá ngoạn mục để giành tấm HCĐ ở ASIAD 19.

Đối với người trong nghề, đó không đơn thuần là tấm HCĐ. Giá trị, ý nghĩa của nó tựa như “vàng” vì tiếp tục chứng tỏ được bản lĩnh, khả năng duy trì phong độ chuyên môn trong thời gian dài của Dương Thúy Vi. “Với tôi, khi rời thảm đấu là mọi vinh quang đều đã ở sau lưng. Còn khi bước vào thảm đấu là một hành trình mới”, Dương Thúy Vi từng nói như vậy và đó cũng là một trong những lý giải để thấy được thành công trong sự nghiệp của cô. Không kể, Dương Thúy Vi còn tỏ ra trội hơn nhiều VĐV khác ở sự chủ động trong công việc, cuộc sống.

Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh từng kể rằng, đưa đội Wushu – trong đó có Dương Thúy Vi đi thi đấu ở World Games tại Mỹ năm 2022 là một trong những lần dẫn quân “nhàn hạ” nhất của ông. Ở đó, Thúy Vi trong vai đầu tàu đã quán xuyến từ chuyện di chuyển, lịch tập luyện, thi đấu... mà không phải để các thầy “động chân, động tay”. Đấy là điều mà ông Hoàng Quốc Vinh đặc biệt đánh giá cao ở Dương Thúy Vi và tin rằng cô sẽ còn tiến xa nếu tiếp tục lựa chọn công việc HLV sau khi nghỉ thi đấu.

Cũng không ngẫu nhiên khi lãnh đạo thể thao Hà Nội luôn xem cô là một trong những biểu tượng để truyền cảm hứng cho các VĐV trẻ. Và tấm HCĐ ở ASIAD 19 một lần nữa cho thấy niềm tin được lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam cũng như thể thao Hà Nội dành cho cô đã được đền đáp xứng đáng.

Võ sĩ Dương Thúy Vi (ngoài cùng bên phải) nhận Huy chương Đồng tại ASIAD 19.

Chuyến thi đấu “tay trắng” được báo trước

Đối với nhà vô địch nhảy xa ở ASIAD 18 năm 2018 Bùi Thị Thu Thảo, kỳ ASIAD 2019 cũng đã được cô coi là kỳ ASIAD cuối cùng trong sự nghiệp VĐV. Ở tuổi 31, đến được ASIAD 19 cũng được xem như là vinh hạnh của cô. Bởi thực tế, trong danh sách VĐV chuẩn bị cho ASIAD 19, ban đầu không có tên Bùi Thị Thu Thảo. Tất nhiên, người có trách nhiệm có lý do để đưa ra đề xuất khi thành tích của cô trong các kỳ SEA Games 31 và 32 (năm 2022 và 2023) đều không tiệm cận được mức dự báo giành chỉ là HCĐ tại ASIAD 19. Chấn thương gót chân và nhiều yếu tố khác khiến cô không còn duy trì được phong độ như thời gian chuẩn bị cho ASIAD 18, nơi cô lên ngôi vô địch. Ngay ở sân chơi trong nước, cô cũng không còn giữ được sự áp đảo trên hố nhảy và với mức nhảy trong tập luyện từ 6,2m đến 6,3m thì thật khó nói tới chuyện tranh chấp huy chương ở ASIAD 19.

Thế nhưng, cũng vì hy vọng cô có thể tạo nên bất ngờ, nên những người có trách nhiệm lại điền tên cô vào danh sách chuẩn bị cho ASIAD 19. Tuy vậy, phép màu đã không xảy ra dù Thảo vẫn thi đấu nỗ lực và “liều lĩnh” trong việc lựa chọn điểm dậm nhảy – luôn mong manh giữa phạm quy hoặc không phạm quy, nhằm “giành giật” từng cm cho thành tích của bản thân. Lần thi đấu ở ASIAD 19 này, Thảo phạm quy tới 4/6 lần nhảy và thành tích tốt nhất cũng chỉ là 6m09, xếp hạng 9 chung cuộc.

Trong khi đó, nếu giữ được thành tích 6m55 như khi đăng quang ở ASIAD 18 năm 2018, Thu Thảo cũng chạm tới tấm HCĐ (VĐV Trung Quốc Xiong Shiqi với thành tích 6m73 giành HCV, VĐV Ấn Độ Sojan Ancy với thành tích 6m63 giành HCB, VĐV Yue Nga Yan (Hong Kong, Trung Quốc) với thành tích 6m50 giành HCĐ). Qua đó, sẽ nối dài mạch đoạt huy chương ở sân chơi ASIAD (năm 2014 giành HCB, năm 2018 giành HCV). Tất nhiên để đạt đến chữ “nếu” kia, Thảo phải hội tụ thêm nhiều yếu tố khác. Còn với sự chuẩn bị và phong độ của cô gái người Ba Vì trong suốt thời gian qua thì việc không giành được huy chương cũng bình thường.

Sau khi kết thúc thi đấu ở ASIAD 19, Bùi Thị Thu Thảo bảo rằng, đây là kì đại hội thể thao châu Á cuối cùng mà cô tham dự. Vẫn sự bản lĩnh, đón nhận thất bại một cách bình tĩnh nhất, nhà cựu vô địch ASIAD 18 không quên cảm ơn các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm đến mình trong nhiều năm qua, rồi đội ngũ y tế đã hỗ trợ, giúp đỡ, và cả những người hâm hộ đã luôn động viên theo dõi, cổ vũ cô trong lúc thành công cũng như khó khăn. Có lẽ, sự chân thật đó cũng là điều khiến người ta luôn có cảm tình với cô và tin rằng cô có thể vượt qua những thời khắc khó khăn để hướng đến mục tiêu khác.

Trong ngắn hạn, Bùi Thị Thu Thảo chắc không còn nhắm đến những sân chơi quốc tế. Nhưng với sân chơi trong nước, chí ít với đơn vị chủ quản Hà Nội, cô vẫn là một trụ cột. Quan trọng nhất là cô giữ được đam mê đến đâu để có thể tiếp tục theo đuổi và đạt mục tiêu hay không?

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/chuyen-ve-2-nha-cuu-vo-dich-asiad-i709311/