Chuyện trồng dược liệu của đồng bào người Dao trên nẻo cao Hà Giang

Nếu như trước đây người Dao ở Nậm Đăm (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chỉ biết đi rừng tìm dược liệu về sử dụng hoặc bán thì nay nhờ có sự giúp đỡ của HTX cộng đồng Nậm Đăm, cây dược liệu đã giúp người dân thoát nghèo.

Cách đây chục năm, người Dao ở thôn Nậm Đăm bắt đầu trồng dược liệu thay thế cho cây ngô, cây lúa. Bước đầu, những loại dược liệu như atiso, đương quy cho hiệu quả tốt, thu nhập gấp 2-3 lần, mỗi năm thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng.

Ông Lý Thà Tủng một trong những gia đình đi đầu trong việc trồng dược liệu cho biết: "Gần chục năm nay dược liệu giúp tôi mua sắm đồ đạc trong nhà. Chỉ từ hơn 300m2 diện tích ban đầu, đến nay gần như toàn bộ diện tích đất trồng ngô lúa trước đây đã được chuyển sang trồng dược liệu".

Người Dao vừa kết hợp nuôi trồng vừa ươm giống để bảo tồn dược liệu.

Người Dao vừa kết hợp nuôi trồng vừa ươm giống để bảo tồn dược liệu.

Tuy nhiên, để cây dược liệu đạt được giá trị kinh tế cao hơn nữa và ổn định, HTX cộng đồng Nậm Đăm đã ra đời và được vận hành bởi chính những người Dao trên mảnh đất Nậm Đăm.

HTX đã giúp bà con người dao trồng dược liệu theo nhu cầu thị trường, đảm bảo đầu ra sản phẩm và chế biến nhằm tăng giá trị sản phẩm.

Anh Lý Tà Rèn (Giám đốc HTX) chia sẻ:" Do ban đầu, người dân trồng dược liệu theo kiểu tự phát nên chưa thực sự hiệu quả. Bởi việc trồng dược liệu vốn dĩ đem lại giá trị cao hơn nhưng lại khó trồng hơn so với các loại cây khác. Sau khi HTX đã vào hoạt động, đến nay trung bình mỗi tháng mỗi xã viên có thu nhập từ 3-4 triệu đồng và một vài khoản thu từ việc góp cổ phần vào cuối năm".

Không chỉ dừng lại ở việc trồng và chế biến dược liệu. HTX cộng đồng Nậm Đăm còn chú trọng tới dự án "Bảo tồn nguồn gene cây thuốc quý của người Dao". HTX đã áp dụng các kỹ thuật gieo trồng đúng theo quy chuẩn GAP, đảm bảo dược liệu không chứa các chất độc hại, hóa chất… Dự án đã góp phần giúp cho một số loại dược liệu trong tự nhiên không rơi vào tình trạng "tuyệt chủng" do người dân khai thác triệt để nhằm thu mua với số lượng lớn nhưng không bảo tồn.

Người đồng bào Dao ở Nậm Đăm còn kết hợp trồng dược liệu gắn liền với du lịch để tăng cao hiệu quả kinh tế.

Người đồng bào Dao ở Nậm Đăm còn kết hợp trồng dược liệu gắn liền với du lịch để tăng cao hiệu quả kinh tế.

Sau gần 7 năm triển khai (từ năm 2016) đến nay HTX kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền Việt Nam đã có vườn ươm cây dược liệu rộng 3.000m2. Đây là nơi lưu giữ hơn 100 loài cây dược liệu, và hiện vẫn đang tiếp tục bổ sung thêm các loại dược liệu khác đồng thời nhân giống một số loại như bình vôi, cơm cháy, đương quy đỏ, kim ngân, atiso… Tới nay, vườn ươm đã cung cấp đủ giống cho hơn 5ha trồng dược liệu và 10ha diện tích trồng dưới tán rừng. Không những thế vườn ươm còn cung cấp giống cho hơn 40 hộ gia đình đang có nương, vườn nhàn rỗi để ươm trồng.

Việc phát triển vùng trồng dược liệu luôn được đảm bảo đúng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn GAP. Bên cạnh đó người dân và xã viên được nâng cao kỹ năng thu hái bền vững để đảm bảo phát triển sản phẩm dược liệu bằng chính những nguồn dược liệu địa phương mà không làm tổn hại đến nguồn gene, đến môi trường sinh thái.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng, chế biến, người dân tộc Dao ở Nậm Đăm còn phát triển dược liệu đi cùng với du lịch thông qua những bài thuốc tắm cổ truyền từ bao đời nay. Khách du lịch đến với Quản Bạ không chỉ được thưởng thức lá tắm người dao mà còn có thuốc tắm đóng chai, cao thuốc để mua sử dụng hoặc làm quà.

Nhờ cây dược liệu, hầu hết các hộ dân ở Nậm Đăm đều là đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát khỏi cái nghèo. Nhiều gia đình đã có kinh tế ổn định, khá giả, cả thôn với 54 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nay chỉ còn có 1 hộ nghèo. Dược liệu đã đưa Nậm Đăm trở thành thon điển hình về khai thác tốt cây dược liệu để phát triển kinh tế.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-trong-duoc-lieu-cua-dong-bao-nguoi-dao-tren-neo-cao-ha-giang-169231029103711163.htm