Chuyện trồng cây dong rừng

Lá dong là nguyên liệu quan trọng dùng gói nhiều loại bánh truyền thống của các dân tộc ở vùng cao Lào Cai, trong đó phổ biến nhất là bánh chưng. Để đáp ứng nhu cầu và chủ động nguồn lá, nhiều người dân vùng cao đã trồng cây dong rừng nhằm phục vụ thị trường, đặc biệt là mỗi dịp tết đến, xuân về.

Xã Bản Qua (Bát Xát) là “thiên đường” của cây dong rừng vì địa hình đồi núi không quá cao, lại có nhiều khe, suối, đất ẩm ướt quanh năm - rất thuận lợi để loại cây này phát triển. Nhưng nhiều đến mấy mà cứ khai thác tự nhiên thì rồi cũng cạn kiệt, trong khi nhu cầu mua lá dong ngày càng nhiều. Thế là ý tưởng trồng cây dong rừng để trồng thành vùng sản xuất đại trà ra đời rất tự nhiên.

Với 13 năm kinh nghiệm trồng cây dong rừng trên đất ruộng và vườn nhà, chị Tẩn Mẩy Kiều, người Dao ở thôn Bản Pho, xã Bản Qua cho hay:

Vậy là những khóm dong rừng dần được vợ chồng chị Kiều đưa về nhân giống trong vườn nhà, trên đất ruộng của gia đình. Mới đầu chỉ vài chục gốc, giờ đây, số gốc dong của gia đình chị Kiều đã tăng lên cả trăm lần. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cây dong rừng, chị Kiều “bật mí”: Cây dong chỉ phù hợp nơi có bóng mát, đất gần khe nước. Do đó, khi đưa về trồng ở vườn nhà, vợ chồng tôi đã trồng thêm cây chuối nhằm tạo bóng mát cho cây dong, vừa có thêm nguồn thu từ chuối. Cây dong rất dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, mỗi năm chỉ 1 - 2 lần làm cỏ, bón phân. Cây giống thì chỉ việc vào rừng đào lấy những nhánh nhỏ mang về trồng. Sau vài tháng, cây tự nhân ra nhiều nhánh thành khóm, mỗi khóm có thể cho thu hoạch liên tục nhiều năm.

Chị Kiều bán lá dong quanh năm. Nhờ có kinh nghiệm chăm sóc, cây dong sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi tháng chị có thể cắt lá 2 lần. Trung bình mỗi lần, chị thu bán khoảng 300 - 500 chiếc lá dong. Hầu như chị chỉ bán cho khách đặt (các nhà hàng, quán ăn, nhà chuyên gói bánh) ở thành phố Lào Cai, thị trấn Bát Xát và một số xã lân cận.

Lá dong tùy kích thước sẽ được phân loại và có giá bán khác nhau: Loại bé từ 20 - 40 nghìn đồng/100 lá, loại to từ 50 - 100 nghìn đồng/100 lá. Riêng vụ tết hằng năm (tháng 12 âm lịch), gia đình chị có thể thu về khoảng 40 triệu đồng.

Những ngày cuối năm, bên những khóm dong cao che khuất đầu người, bà Lý Tả Mẩy ở thôn Bản Pho đang cùng chồng gấp rút thu hái lá dong để kịp mang xuống thành phố Lào Cai giao cho mấy cơ sở gói bánh chưng ở chợ Nguyễn Du, phường Kim Tân. Cũng như gia đình chị Tẩn Mẩy Kiều, gia đình bà Mẩy trồng dong để lấy lá bán quanh năm. Vợ chồng bà Mẩy cũng phải lấy giống cây dong từ rừng về trồng ở vườn nhà. Bà Mẩy cho hay:

Từ chỗ trồng để tiện lấy lá dong cho gần, giờ cây, dong đang trở thành nguồn thu chính của không ít hộ ở xã Bản Qua. Anh Lý Văn Sèn, cán bộ xã Bản Qua cho biết: Xã Bản Qua có nhiều hộ làm kinh tế bằng việc bán lá dong rừng, trong đó có khoảng 1/3 số hộ đã tự trồng được loại cây này để chủ động nguồn lá. Nhờ cây dong, nhiều hộ trong xã tăng thu nhập từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/năm.

Lá dong không chỉ dùng để gói bánh chưng, bánh gù truyền thống, mà còn được dùng để gói những nắm rau rừng tươi ngon hoặc gói cá suối... mẹt gà, mâm lợn bản sẽ hấp dẫn, đẹp mắt hơn khi có lá dong xanh thẫm lót dưới. Lá dong còn được dùng để gói bánh giày trong mâm cơm ngày cưới, gói xôi ngũ sắc - một “tuyệt phẩm” của nhiều dân tộc vùng cao. Màu xanh của lá dong hòa lẫn màu trắng, đỏ, màu vàng, màu tím của bánh, của xôi làm cho món ăn thêm hấp dẫn bội phần…

Lá dong rừng giờ càng trở thành mặt hàng “hot” mỗi dịp cuối năm hoặc những ngày lễ, tết, sự kiện trọng đại của gia đình, dòng họ, quê hương, thôn bản. Cứ thế, sản vật từ trên núi cao đã đi vào đời sống của nhiều cộng đồng ở vùng cao Bát Xát nói riêng và Lào Cai nói chung.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chuyen-trong-cay-dong-rung-post379374.html