Chuyện tình của Trung tá Nguyễn Như Sàn

Chúng tôi đến thăm gia đình Trung tá Nguyễn Như Sàn, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 405, Quân khu 3 và chị Trần Thị Liên, giáo viên Trường THCS Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vào một ngày cuối tuần. Trò chuyện cùng anh chị, chúng tôi hiểu tại sao tổ ấm của họ luôn đong đầy hạnh phúc.

Trong ngôi nhà mới, chuyện về những ngày đầu họ đến với nhau, cùng trải qua bao gian khó để có thành quả hôm nay cứ thế được anh chị trải lòng. 14 năm về trước, lúc đó Nguyễn Như Sàn đang là học viên năm cuối Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp. Một ngày cuối tuần, anh được người bạn rủ đến Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên dự sinh nhật bạn. Thấy Nguyễn Như Sàn lưỡng lự, cậu bạn tếu táo nửa đùa nửa thật: “Bộ đội mà nhát thế. Lên đấy sẽ có nhiều cô giáo xinh đẹp, biết đâu lại gặp được một nửa của mình”. Nghe câu nói khích tướng của bạn, Sàn quyết định tham gia chuyến đi.

Buổi tối hôm ấy, ký túc xá Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên như nhộn nhịp hơn thường ngày vì có sự góp mặt của các anh bộ đội. Sinh nhật cô bạn được tổ chức gọn nhẹ, ấm áp. Những người có mặt tham dự sinh nhật nhanh chóng làm quen với nhau, thân thiện và cởi mở. Được cậu bạn giới thiệu Sàn có tài đánh đàn ghi ta, vậy là chủ nhân của bữa tiệc sinh nhật đề nghị cô bạn cùng phòng hát tặng mình. Thể theo yêu cầu của những người có mặt, Sàn và cô gái mang cái tên dung dị Trần Thị Liên cùng song ca bài hát “Phượng hồng” thật ăn ý.

Kết thúc buổi sinh nhật, cả hai trở nên thân thiết hơn khi biết là đồng hương của nhau, cùng quê Đông Triều (Quảng Ninh). Trở về trường, hình ảnh cô giáo tương lai có khuôn mặt dễ thương, nụ cười tươi tắn, giọng hát ngọt ngào khiến Nguyễn Như Sàn thấy vương vấn trong lòng. Ban đầu là những lá thư tay hỏi thăm sức khỏe, động viên Liên cố gắng học tập tốt. Dần dần, những chia sẻ về công việc, cuộc sống bộ đội khiến Liên xúc động và cảm nhận được tấm chân tình từ chàng sĩ quan trẻ tương lai.

Vợ chồng đồng chí Nguyễn Như Sàn và con trai thứ hai.

Vợ chồng đồng chí Nguyễn Như Sàn và con trai thứ hai.

Ngày Liên bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, sắp đến lượt mình mà nhìn quanh vẫn không thấy bóng dáng Sàn như đã hẹn. Một chút băn khoăn, dỗi hờn dấy lên trong lòng Liên. Bảo vệ thành công khóa luận, Liên xuống phía dưới hội trường, đúng lúc này, một chàng trai mặc áo trắng, ôm bó hoa hồng nhung đỏ thắm đến trước mặt cô khẽ nói: “Xin lỗi em vì anh đến muộn. Chúc mừng em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!”. Đón bó hoa trên tay, cô thấy nhẹ nhõm trong lòng. Và khi biết lý do Sàn đến muộn, Liên thật sự xúc động, cảm thấy những dỗi hờn của mình thật vô lý. Lúc đó, cô lấy chiếc khăn mùi soa lau những giọt mồ hôi trên trán bạn trai, Sàn liền “tranh thủ” cầm tay Liên ngỏ lời: “Em là người con gái bấy lâu nay anh luôn kiếm tìm. Cảm ơn em đã cho anh hiểu thế nào là cảm giác khi yêu. Đợi chúng mình ra trường, anh sẽ đón em về chung một tổ ấm”.

Và rồi, năm 2010, thực hiện lời hứa, Sàn chính thức đưa Liên về làm dâu nhà binh. Lúc này, Sàn về công tác ở Lữ đoàn 405, Liên dạy hợp đồng tại Trường THPT Hồng Đức (Uông Bí, Quảng Ninh). Cả hai bàn bạc, thống nhất thuê căn nhà nhỏ gần nơi Liên công tác để thuận tiện chuyện đi lại, chăm sóc gia đình.

Năm 2011, tổ ấm của họ chào đón thành viên mới là cậu con trai Nguyễn Như Thanh. Do chưa có kinh nghiệm nên con trai bị mắc viêm phế quản, thường xuyên phải thăm khám, nằm viện. Những lúc đó, mình Liên vừa lo công việc ở trường, vừa ngược xuôi chăm con nhỏ ở viện. Thương vợ, lo cho con, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, Sàn chỉ biết gọi điện động viên vợ con. Biết nhiệm vụ của chồng, nhiều khi ốm đau, nhưng sợ chồng lo lắng nên chị giấu nhẹm để anh yên tâm công tác. 4 năm sau, con trai thứ hai Nguyễn Thanh Bình chào đời. Vất vả dường như nhân đôi.

Chị Liên kể, vất vả nhất là khi cả hai con cùng ốm một lúc, phải nhập viện. Cuối tuần, anh được nghỉ tranh thủ, đến viện thăm vợ con. Lúc đó, nhìn thấy chồng, mọi tủi thân dồn nén được dịp vỡ òa ra. Chị gục trên vai anh khóc nức nở. Lúc đó, anh Sàn ôm chị vào lòng vỗ về, động viên, an ủi...!

Vượt qua bao khó khăn, đến năm 2020, anh chị tiết kiệm mua được mảnh đất. Vợ chồng vay mượn thêm xây nhà để các con có chỗ ở ổn định. Lúc này, chị Liên được chuyển công tác về Trường THCS Tràng An, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) gần nhà hơn để tiện chăm sóc bố mẹ hai bên.

Nhìn lại thành quả hôm nay, anh chị luôn dạy các con phải biết yêu thương, trân trọng những tháng ngày khó khăn để nỗ lực học hành. Thấu hiểu sự vất vả của cha, sự tần tảo của mẹ, hai con trai của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi. Đặc biệt, cháu Nguyễn Như Thanh nhiều năm liền đạt thành tích cao trong cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet dành cho học sinh phổ thông cấp tỉnh, cấp quốc gia. Anh chị luôn tự nhủ, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, chỉ cần "thuận vợ, thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”.

Bài và ảnh: TRẦN THANH HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chuyen-tinh-cua-trung-ta-nguyen-nhu-san-737339