Chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol nêu bật quan hệ kinh tế với Việt Nam

Theo báo Hàn Quốc, các cuộc thảo luận cấp cao trong chuyến thăm được cho là sẽ nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng các sản phẩm Hàn Quốc.

Theo Korea Joongang Daily, chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tới Việt Nam diễn ra khi các công ty lớn của Hàn Quốc đang tìm kiếm những phương án nhà máy mới. Các cuộc thảo luận được cho là sẽ nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng các sản phẩm Hàn Quốc như điện thoại thông minh, vật liệu cho xe điện.

Theo tờ báo Hàn, một trong những vấn đề có thể được nêu ra trong chuyến thăm của ông Yoon tới Việt Nam việc xây dựng các cơ sở hoặc dây chuyền sản xuất tiên tiến hơn, như sản xuất chip. Hiện các công ty Hàn Quốc chưa vận hành nhà máy sản xuất chip nào tại Việt Nam.

Nhà máy ô tô Huyndai.

Phái đoàn 205 doanh nghiệp bao gồm Chủ tịch điều hành Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch SK Chey Tae-won, Chủ tịch điều hành Tập đoàn ô tô Hyundai Euisun Chung, LG Koo Kwang-mo, Phó chủ tịch Hyosung Cho Hyun-sang, và các giám đốc thương mại ngân hàng, bao gồm KB Kookmin, Shinhan, Hana, Woori và Nonghyup sẽ tới Việt Nam trong chuyến đi.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước, vốn chỉ là 493 triệu USD vào năm 1992, đã tăng gấp 164 lần lên 80,8 tỷ USD vào năm ngoái. Việt Nam là nước xuất khẩu vào Hàn Quốc nhiều thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Khoảng 8.800 công ty Hàn Quốc đã đầu tư 80,8 tỷ USD vào Việt Nam tính đến tháng 11/2023.

“Mối quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã đạt được những bước phát triển đáng kể trong ba thập kỷ qua”, ông Kim Bong-man, trưởng ban quan hệ quốc tế tại Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) cho biết. “Chúng tôi dự đoán khối lượng giao dịch sẽ tăng gấp đôi lên 150 tỷ USD vào năm 2030”.

Một trong những công ty nổi bật của Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam là Samsung. Samsung C&T, đơn vị xây dựng của Samsung, đã mở văn phòng thương mại tại Hà Nội vào năm 1989, ba năm trước khi Hàn Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1992. Samsung Electronics mở văn phòng tại Việt Nam vào năm 1995 để sản xuất và kinh doanh linh kiện tivi. Hiện tại, Samsung Electronics đang điều hành tổng cộng bốn nhà máy sản xuất tại Việt Nam, tạo ra 71,3 tỷ USD vào năm 2022, giảm 0,7% so với năm ngoái.

Samsung đã đầu tư hơn 20 tỷ USD vào Việt Nam cho đến năm ngoái và cũng thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội vào năm 2022, lớn nhất ở Đông Nam Á. Khoảng một nửa số điện thoại thông minh của Samsung được sản xuất tại Việt Nam.

Một công ty khác là LG, có tổng cộng 12 công ty con tại Việt Nam. Nhà máy LG Electronics tại Hải Phòng gần đây đã thành lập một dây chuyền lắp ráp tủ lạnh mới sẽ được xuất khẩu sang Đông Nam Á, cũng như Nam Mỹ và Trung Đông.

Hyundai Motor là một trong những nhà sản xuất ô tô số 1 tại Việt Nam. Sau khi thành lập nhà máy liên doanh 50:50 với Tập đoàn Thành Công tại Ninh Bình vào năm 2017, Hyundai sản xuất xe sedan Accent, xe Avante, xe SUV Creta và xe SUV Santa Fe, bán được 79.568 xe tại Việt Nam vào năm 2019, trở thành thương hiệu ô tô phổ biến nhất chỉ hai năm sau khi nhà máy đi vào hoạt động. Thương hiệu duy trì vị trí số 1 trong 3 năm liên tiếp cho đến năm 2021 nhưng để mất ngôi vào tay Toyota vào năm 2022.

Hyundai hoàn thành việc xây dựng nhà máy thứ hai tại Ninh Bình vào năm ngoái, nâng công suất sản xuất hàng năm lên 107.000 xe.

Một công ty khác là Hyosung, thành lập công ty con tại Việt Nam vào năm 2007, hiện đang điều hành nhà máy sản xuất săm lốp và vải túi khí tại Quảng Nam, cũng như nhà máy sản xuất máy ATM tại tỉnh Bắc Ninh. Năm 2021, Hóa chất Hyosung Vina, công ty con tại Việt Nam của Hóa chất Hyosung, đã đầu tư 1,3 tỷ USD để xây dựng một nhà máy Polypropylene tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

SK vào năm 2021 ký với Việt Nam thỏa thuận thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh doanh thân thiện với môi trường, chẳng hạn như các lĩnh vực liên quan đến cắt giảm khí thải carbon, hydro và công nghệ kỹ thuật số. Đây là lần đầu tiên một công ty lớn của Hàn Quốc ký thỏa thuận về các doanh nghiệp thân thiện với môi trường với chính phủ nước ngoài. Các công ty tài chính bắt đầu mở rộng sang Việt Nam vào cuối những năm 2000 khi các tập đoàn lớn như Samsung và LG bắt đầu đầu tư mạnh vào Việt Nam. Shinhan mở văn phòng địa phương tại Việt Nam vào năm 1992 và thành lập Ngân hàng Shinhan Việt Nam vào năm 2009. Ngân hàng này hiện có 46 chi nhánh trong nước.

Phương Anh (Nguồn: Korea Joongang Daily )

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chuyen-tham-cua-tong-thong-yoon-suk-yeol-neu-bat-quan-he-kinh-te-voi-viet-nam-ar801154.html